Chị Bích Toàn đã biết đến Phật pháp từ hơn 30 năm trước, nhưng do điều kiện công tác, chị không có nhiều thời gian để tiếp xúc, chị cứ cố gắng cống hiến, cố gắng làm việc sao cho hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để lương tâm mình phải day dứt, áy náy, coi đó là trách nhiệm mà người cán bộ công an như chị phải làm chứ không hề nghĩ rằng; đó cũng là một pháp bố thí mà Đức Phật đã nói đến hơn hai ngàn năm trước.
Cho thì sẽ được nhận lại, nhân quả luôn công bằng, khi nghỉ việc ở ngành công an, chị bước chân ra kinh doanh thì gặp lại ngay những người mà mình đã từng giúp đỡ. Một người bạn từng được chị giúp đỡ làm giấy tờ khi xưa nay lại trả ơn chị bằng cách giúp chị tham gia kinh doanh tại chợ Tân Bình. Công việc kinh doanh của chị diễn ra tương đối thuận lợi cũng nhờ có rất nhiều những người đã từng được chị giúp đỡ trước kia, bây giờ quay lại giúp đỡ lại chị như thế.
Công việc kinh doanh phát triển đồng nghĩa với việc chị thường xuyên phải đi tiếp các đối tác, giao dịch làm ăn. Những tưởng công việc kinh doanh sẽ cuốn chị đi với những hợp đồng kinh tế, nhưng khi được một người bạn thường xuyên làm từ thiện chia sẻ: “Mình làm từ thiện là bỏ vốn vào ngân hàng phước đức sau này”. Chị chợt ngộ ra và chuyển dần các hoạt động, sinh hoạt của mình đến gần hơn với Phật pháp. Không chọn cho mình việc đi chùa, tụng niệm, chị tập trung vào từ thiện, bố thí, cúng dường, xây chùa, đúc tượng, ấn tống kinh sách ..
Một duyên lành nữa lại đến khi chị gặp được thầy Thích Thiện Thuận, trụ trì Viện Chuyên Tu, xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai là người nổi tiếng với pháp âm "Bóng Mây" trong khóa tu mùa hè 2007, tại chùa Hoằng Pháp. Thầy chính là người đã khai mở bể Phật pháp rộng lớn, trí tuệ sáng ngời cho chị. Chị đã quy y tam bảo và được thầy đặt pháp danh là Diệu Mỹ, cái tên đó đã theo chị trong suốt các hoạt động phật sự và trở nên thân thuộc đối với rất nhiều các trung tâm từ thiện. Nhờ thầy mà chị tích luỹ thêm được nhiều công đức, “biết dừng” để không mê lầm, “biết đủ” để sống an lạc. Chị cho nhiều hơn mà không cảm thấy mình bị mất đi, điều dễ nhận thấy nhất là chị sống thanh thản, vui hơn và trẻ ra. Chị tin rằng phước đức mà chị để lại cho con cái sẽ dày hơn và là thứ tài sản quý giá nhất mà chị để lại cho con cái sau này. Sinh hoạt của chị chuyển dần đến thiền, ăn chay, giữ giới và đồng thời cũng hướng các con mình đi theo Phật pháp.
Điều diệu kỳ đến với chị Diệu Mỹ và gia đình khi ở tuổi 45, chị hoài thai một sinh linh bé bỏng. Cả nhà đều phấp phỏng lo lắng cho sức khoẻ của cả hai mẹ con vì chị đã lớn tuổi, nhưng riêng với chị, chị đặt niềm tin tuyệt đối vào Đấng Thế Tôn và cuối cùng, bé gái ra đời khoẻ mạnh, “mẹ tròn con vuông” trong niềm vui vỡ oà của cả gia đình. Với chị, đó là món quà vô giá mà Đức Phật đã ban tặng cho chị, quý giá hơn cả những thành công trong sự nghiệp kinh doanh mà chị đã đạt được.
Càng tin vào Phật pháp, chị càng chăm chỉ tu tâm, dưỡng đức, cúng dường, bố thí. Hàng tháng, chị vẫn tham gia khoá huân tu tại Viện Chuyên Tu của thầy Thích Thiện Thuận ở xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai để được nghe thầy giảng pháp, khai minh. Những bài giảng của thầy là ánh sáng soi đường cho chị đi từ “mê” đếng “ngộ”, từ ngày được nghe những bài giảng của thầy, chị thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, thân tâm an lạc hơn.
Là một mạnh thường quân tiêu biểu trong công tác từ thiện tại Q.5 và Q.7 - TP.HCM, thế nhưng chị không thích nói nhiều về những việc mình đã làm được. Mỗi tháng, chị vẫn âm thầm ủng hộ 100kg gạo đến nhiều trung tâm từ thiện, trại mồ côi khắp các quận huyện tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cứ hễ nghe nơi đâu có người cần giúp đỡ, chùa cần xây, kinh cần ấn tống … mà có thể giúp được là chị không nề hà, sẵn sàng giúp đỡ. Đặc biệt, tháng 02/2015 vừa qua, chị đã đồng hành cùng Thầy Thích Truyền Tứ (Chùa Huyền Trang) tham gia chuyến từ thiện đến tỉnh Hà Nam cùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Với chị, làm việc thiện không có sự phân biệt, không vì danh tiếng mà tất cả đều vì một hạnh nguyện duy nhất là “phụng sự chúng sinh”, như đóa sen thơm ngát giữa đời, nhuần nhị và thanh khiết.