Tha hương vì không có... bằng cấp
Nói đến Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long Nguyễn Hữu Khai thì ai mà chẳng biết. Người ta biết đến ông vì nhiều lẽ, không chỉ là vì các sản phẩm do Đông Nam dược Bảo Long sản xuất có uy tín, chất lượng, trị được nhiều loại bệnh mà các lương y khác “bó tay”, mà còn bởi từ một công ty nhỏ chỉ trong một thời gian vài năm, tập đoàn này đã phát triển lớn mạnh, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần thuốc Nam trên toàn quốc... Song, có mấy ai biết đến một Nguyễn Hữu Khai từng phải hai lần ngồi tù, từng phải mãi võ kiếm tiền, từng phải bạt xứ để hành nghề y vì không có chứng chỉ hợp lệ.
TS. Nguyễn Hữu Khai trong ngày khai trương phòng khám.
Tiếp tôi vào một chiều đông buốt giá cuối tháng 12/2015, lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai kể chuyện đời làm thuốc của mình với một giọng trầm buồn, nhưng vẫn không mất đi vẻ rắn rỏi, hào sảng của một võ sư đẳng cấp. Ông kể, năm 1976, tình cờ khi đi thu mua thuốc Bắc ở bên Trung Quốc thì được một võ sư thu nhận làm đệ tử dạy cho võ thuật và nghề y. Những tưởng có thể “học cho bằng hết chữ thầy” cho đến độ tinh thông thập bát ban võ nghệ và Đông y thì bất ngờ năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới nên phải khăn gói về nước.
Năm 1982 là ngã rẽ cuộc đời Nguyễn Hữu Khai khi ông bắt đầu bước chân vào nghề y. Từ việc bà con chòm xóm ở quê hương ông (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ nay là Hà Nội) bị một số bệnh mà đi chữa trị nhiều nơi không khỏi: phù thận, nhiễm mỡ, bại liệt, gan cổ trướng giai đoạn đầu, rối loạn tiêu hóa... Ông đứng ra nói có thể chữa và đã chữa khỏi cho nhiều người nên dần dà người dân quanh vùng tín nhiệm tìm đến ông chữa bệnh ngày một đông hơn. Hành nghề được một thời gian ngắn thì ông bị chính quyền cấm vì không có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Vậy là ông phải bỏ xứ vào Lâm Đồng tìm kế sinh nhai.
Duyên kỳ ngộ
Rót chén trà mời tôi, mắt ông sáng lên khi kể đến đoạn gặp cơ duyên để có thể đường đường chính chính hành nghề y một cách hợp pháp. Vào Lâm Đồng một thời gian, Nguyễn Hữu Khai vẫn còn bị chưa dám hành nghề y vì sợ vi phạm pháp luật lại phải ngồi tù. Đúng thời gian đó thì em gái ông bán hàng ở chợ Bến Thành bị sản hậu chỉ còn da bọc xương, nằm một chỗ đợi chết. Vậy mà nhờ sự bốc thuốc và châm cứu tài tình của ông, cô em gái đã khỏi bệnh và dần béo tốt phương phi. Tiếng lành đồn xa, danh tiếng của ông không còn dừng lại ở chợ Bến Thành nữa, mà nhiều người ở Sài Gòn đã tìm đến ông nhờ chữa trị bệnh. Mến tài của ông, GS. Bùi Chí Hiếu - Hiệu trưởng Trường trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh TP.HCM đã mời ông về trường nói chuyện chuyên đề cho sinh viên về nghề Đông y.
GS. Bùi Chí Hiếu đã tạo cơ hội cho ông học thêm để lấy chứng chỉ hành nghề y. “GS. Bùi Chí Hiếu là ân nhân không bao giờ tôi dám quên ơn. Nếu không có ông, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội hành nghề y để trị bệnh cứu người, càng không có cơ hội để thành lập Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long lớn mạnh đến như vậy...” - lương y Nguyễn Hữu Khai xúc động nói.
Bão tố cuộc đời không lung lay
Đang say sưa kể chuyện đời, chuyện nghề, bỗng lương y Nguyễn Hữu Khai trầm giọng, buồn bã. Ông kể đến đoạn vào những năm 2010-2012, Tập đoàn Y Dược Bảo Long liên kết làm ăn với một số đối tác, nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật nên ông đã phải trả giá đắt bằng việc ngồi tù hơn 2 năm. Đúng là thói quen nghề nghiệp khó bỏ, ngay cả khi ở trong tù, ông vẫn bắt mạch kê đơn cho những bạn tù bị ốm. Tận mắt thấy ông chữa khỏi bệnh cho nhiều phạm nhân khác trong trại giam, lại nghe danh tiếng của lương y Nguyễn Hữu Khai đã từng bắt mạch chữa bệnh cho nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các giám thị trại giam khi bản thân hay người nhà đau ốm cũng nhờ ông thăm bệnh bốc thuốc chữa khỏi. Vì lẽ đó ông được mọi người yêu mến và những ngày tù không còn như thiên thu tại ngoại nữa mà nó mau chóng qua đi.
Cuối tháng 8/2015, sau khi ra tù, ông về mở phòng mạch Bảo Long Đường tại Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) để tiếp tục trị bệnh cứu người. “Sinh nghề tử nghiệp nhà báo ạ. Tôi bị cái nghiệp nó vận vào thân nên không thể bỏ được dù bị ngắt quãng thời gian qua. Nhìn bà con bị bệnh, mình có thể cứu được mà lại ngồi yên, tôi không đành lòng...” - lương y Nguyễn Hữu Khai tâm sự.
Vừa chuyện trò với tôi, lương y Nguyễn Hữu Khai vừa thoăn thoắt châm cứu cho một cụ bà gần 80 tuổi bị bại liệt tay. Nhìn những chiếc kim châm bằng bạc dài đến hơn 30cm làm tôi hết hồn. Từng là người đã phải đi châm cứu, tôi biết thông thường các lương y chỉ dùng kim có độ dài nhiều nhất là 5-7cm để châm vào các huyệt đạo. Vậy mà lương y Nguyễn Hữu Khai dùng chiếc kim dài của ông xuyên qua bả vai của cụ già bệnh nhân khiến tôi muốn đứng tim. Thấy trời lạnh mà tôi toát mồ hôi, ông cười hiền hậu: “Nhà báo đừng lo, tôi châm từ huyệt đạo dương xuyên sang huyệt đạo âm để trị triệt để bệnh, sẽ không sao đâu...”.
Quả đúng như lời ông nói. Hai tay ông cầm hai đầu kim châm “cò cưa, kéo xẻ” trong bả vai mà cụ bà không hề kêu đau đớn gì. Đến khi rút kim thì cụ hớn hở nói đã nhẹ bệnh lắm rồi. “Tôi đến Bảo Long Đường của thầy Khai hôm nay là bữa thứ 5 mà đã gần như khỏi hẳn bệnh. Hôm tôi mới đến cánh tay bại xuống còn không nâng lên được ý chứ. Vậy mà chỉ mấy hôm thầy đã chữa cho tôi khỏi bệnh, thật kỳ diệu...” - cụ chia sẻ.
Dù cuộc đời trải qua bao nỗi gian truân, sóng gió bão táp, song Thầy thuốc Ưu tú, lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai vẫn như cây tùng, cây bách đứng thẳng giữa trời không bị gục ngã bởi số phận. Với nghị lực, lòng nhân ái của mình, ông luôn đứng thẳng dậy sau khi vấp ngã, để góp sức lực của mình đem sức khỏe, tình yêu thương đến cho mọi người.
Bài, ảnh: Lê Anh Đức