Vì sao MobiFone mua AVG?
Việc nhà mạng MobiFone quyết mua kênh truyền hình An Viên của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang là đề tài bàn luận của báo giới và xã hội. Dước góc nhìn đa chiều, xin được đưa ra vài lý do có thể lý giải rõ hơn về việc này.

Trước hết, cần nhìn nhận rằng, sau khi tách khỏi Tập đoàn VNPT và chuyển về Bộ TT&TT (thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ), trong tay MobiFone không có mảng truyền hình, trong khi đó VNPT có dịch vụ truyền hình MyTV với hơn 1 triệu khách hàng sử dụng, Viettel cũng đã có dịch vụ truyền hình NextTV dù chỉ có rất ít thuê bao nhưng dâu sao cũng vẫn có.

MobiFone mua AVG.
MobiFone mua AVG để trở thành nhà mạng thứ 3 có dịch vụ truyền hình. Ảnh: Internet.

Việc thiếu vắng một mảng dịch vụ lớn – truyền hình, cũng đồng nghĩa với sức mạnh của MobiFone sẽ bị giảm hẳn so với 2 đối thủ trong “thế chân vạc”, hay có thể nói thẳng ra là, “chân” MobiFone sẽ bị thấp hơn “hai chân” kia.

“Nóng ruột” hơn, ấy là MobiFone đang rơi vào thời khắc phải cổ phần hóa một cách rốt ráo, nếu thiếu vắng dịch vụ truyền hình, giá của thương hiệu chắc chắn sẽ bị định thấp đi mà doanh nghiệp không có căn cứ để thương thảo, nâng giá trị cho chính mình.

Bởi thế, việc làm thế nào đó để có được dịch vụ truyền hình là “bài toán” nhất thiết phải giải, thậm chí phải giải ngay sau thời điểm tách khỏi VNPT – đó là một trong những lý do “cốt yếu nhất” để MobiFone hướng đến AVG, mà nếu mua lại được AVG, sẽ giúp MobiFone tiết kiệm được khoảng thời gian ít nhất 10 năm nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng và một thương hiệu về truyền hình.

Nhưng tại sao lại chọn AVG?

Đầu tiên, dù là "lính mới", nhưng AVG đã được đánh giá là một đối thủ đáng gờm trên thị trường truyền hình trả tiền. Nhiều tên tuổi lớn, lâu đời về dịch vụ truyền hình trả tiền như SCTV, VCTV, VTC, K+ hay HCTV cũng phải "dè chừng", bởi AVG sở hữu một hạ tầng cơ sở "khủng".

Trước khi chính thức ra mắt vào tháng 11/2010, AVG đã phải mất gần 5 năm để triển khai hai kênh truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh. Được biết, vào thời điểm ra mắt (năm 2010), AVG đã có vốn điều lệ lên tới 1.800 tỷ đồng và là đơn vị sở hữu kênh truyền hình An Viên.

Tính đến nay, tổng đầu tư của AVG cho hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số khoảng 1.500 tỷ đồng và 600 tỷ đồng cho thiết bị thu tín hiệu, trong đó bao gồm cả Trung tâm giám sát và điều độ vận hành mạng từ xa (Network Control Center) và cũng là Trung tâm giám sát và điều độ vận hành mạng từ xa đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện, AVG đã có lượng khách hàng khá đông, một phần nhờ vào sự hợp tác với Bưu điện Việt Nam để triển khai bán hàng trên toàn quốc.

Sau 5 năm ra mắt, hiện AVG đã có trên 100 kênh truyền hình, trong đó có nhiều kênh có độ nét cao, như: An Viên, HBO HD, StarMovie, Golf HD… và thêm vào đó, AVG là dịch vụ truyền hình kỹ thuật số (công nghệ số), hoàn toàn phù hợp hướng phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam, nên đây sẽ là thế mạnh lớn nếu MobiFone làm chủ chúng.

Kế đến, dù AVG đang được đánh giá là một thương hiệu truyền hình tương đối mạnh, nhưng vì nhiều lý do, họ đang gặp khó khăn. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, lý do AVG đã phải “bán mình” cho MobiFone là do đang làm ăn không hiệu quả, thua lỗ.

Kết hợp tất cả những yếu tố nói trên, có thể nói, đây là “thời điểm vàng” để MobiFonFone quyết mua AVG tại thời điiểm này.

Được biết, trong thương vụ này, hiện MobiFone đã hoàn tất đàm phán mua 95% cổ phần của AVG. 5% còn lại, dù là của ai cũng không quan trọng đối với MobiFone nữa, bởi chắc chắn họ sẽ làm chủ dịch vụ truyền hình An Viên và nghiễm nhiên trở thành nhà mạng viễn thông thứ 3 tại Việt Nam có dịch vụ truyền hình trả tiền./.

Thanh Trà