Ông Hoàng Khải, người đứng đầu tập đoàn Khaisilk.
Trong cuộc trò chuyện trước Tết Bính Thân, Hoàng Khải - ông chủ tập đoàn Khaisilk - tự nhìn lại năm cũ: “Hoàng Khải đã đi thăm các trẻ em mồ côi, đã mua thêm cho mình một chiếc Mercesdez S500 đời 2016, văn phòng Sài Gòn Paragon được lấp đầy 100%, thiết kế xong tòa nhà văn phòng The Khai, dự kiến khai trương vào tháng 8/2017”. Bản danh sách những việc đã làm năm qua của ông Khải vẫn chưa hết. “Gặp gỡ và truyền cảm hứng cho các em sinh viên. Đưa mẹ đi nghỉ dưỡng. Thiết kế lại nội thất với những hình ảnh mới cho các cửa hàng Khaisilk. Khai trương thành công Ming Dynasty Đà Lạt. Tạo ra những thiết kế mới cho các sản phẩm lụa cao cấp. Kỷ niệm một năm làm đại sứ của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam…”. “Có lúc muốn bỏ hết!” Là một trong số hiếm hoi doanh nhân kinh doanh bất động sản đã chọn Phú Mỹ Hưng là nơi đầu tư cơ nghiệp lớn, từ khi đây mới chỉ là nơi đầm lầy nước đọng, không rõ nhà đầu tư này đã “chọn mặt gửi vàng”, hay chính vùng đất này đã chọn ông, để tạo nên những tác phẩm kiến trúc độc đáo cho “nơi đáng sống nhất” của Sài Gòn. Từ nhà hàng Cham Charm với lối kiến trúc mô phỏng theo ngôi đền Angkor Wat được xem là tuyệt tác của nghệ thuật Khmer, tòa tháp Paragon đến lâu đài trắng Tajmasago phảng phất đường nét của đền Taj Mahal Ấn Độ…, Hoàng Khải còn là người đầu tư và thiết kế hầu hết cho chuỗi 12 nhà hàng cao cấp trên cả nước mang thương hiệu Khaisilk. Nổi tiếng trong giới doanh nhân bởi sự lịch lãm, phóng khoáng, cởi mở, những công trình mang tên Khải đều gắn liền với sự lộng lẫy, xa hoa, tạo nên một phong cách quý tộc rất “Khải”. Ông kể: “Cách đây khoảng 15 năm, hồi mới vào Sài Gòn lập nghiệp, một cơ hội đã đưa tôi đến khu Phú Mỹ Hưng. Lúc đó chỗ này toàn những bãi cỏ hoang sơ đầm lầy và thật vắng vẻ. May mắn khi Phú Mỹ Hưng đã tin tưởng và giao cho tôi nhiều khu đất đẹp để cùng nhau xây dựng lên những hình ảnh phồn vinh như ngày hôm nay. Thế mà thấm thoát hơn chục năm trời, với nhiều cú đầu tư ngoạn mục nhất từ trước đến nay, trong đó Cham Charm là một trong những kiệt tác”. “Nhớ lại cách đây 10 năm, khi lần đầu tiên mở hồ sơ thiết kế của Paragon, trong lòng sôi sục với bao mơ ước, rồi 5 năm sau đó, khi mở hồ sơ thiết kế Tajmasago cũng thế, lòng lại sục sôi cùng với nhiều ước mơ. Năm nay, khi mở hồ sơ thiết kế The Khai, những hình ảnh đầu tiên về tòa nhà văn phòng được thiết kế bởi nhà kiến trúc sư trẻ Phạm Xuân Nghĩa, với ý tưởng những dải lụa mềm mại gắn liền với thương hiệu Khaisilk…, trong lòng tôi lại xôn xao biết bao nhiêu cảm xúc”.
Nhìn lại những năm tháng đã qua, Hoàng Khải đúc kết, có lẽ không nên khuyến khích những gì không thuộc về sự phát triển tự nhiên của một con người, mà nên theo dõi rồi khuyến khích sự phát triển tự nhiên đó.
“Nhìn tôi, ai cũng nghĩ một cuộc đời ước mơ nối tiếp ước mơ, nhưng ít ai hiểu rằng cuộc sống thường thì khó khăn nhiều hơn, và đôi khi nó đến với mình dồn dập hơn. Còn như hạnh phúc và sung sướng có phải lúc nào cũng ở ngay bên cạnh mình. Tôi nhớ cách đây 6 năm (khoảng 2010), lúc đó tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn, nhiều khi áp lực về dòng tiền làm tôi phát điên và muốn vứt bỏ hết, cho xong mọi chuyện!”.
“Thế nhưng, bản tính và cách nhìn nhận lạc quan, chính nó đã giúp tôi có thêm những kinh nghiệm sống và sẵn sàng vượt qua những phong ba bão táp đó. Giờ đây, mọi chuyện đã trở nên một màu hồng tươi sáng... Nghĩ lại, tôi thấy mình đã chọn sống và làm việc một cách lạc quan”. “Thách thức vẫn còn đầy trước mắt, với nhiều dự án đang xây dựng cùng với sự phát triển thương hiệu Khaisilk trong những năm tới. Trong kinh doanh ai cũng muốn có những thành công cho riêng mình, nhưng quan trọng nhất là đừng có lấy hết, mà hãy chia một chút thành công ấy cho người khác”, Khải nói. Bước ngoặt cuộc đời Nhìn lại những năm tháng đã qua, Hoàng Khải đúc kết, có lẽ không nên khuyến khích những gì không thuộc về sự phát triển tự nhiên của một con người, mà nên theo dõi rồi khuyến khích sự phát triển tự nhiên đó. Ngày nhỏ, cha của Hoàng Khải từng khuyến khích con trai học nhạc. Học được 18 năm, khi trưởng thành, ông lại trở thành một doanh nhân. Năm 19 tuổi, Khải đã thông thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp. Ông kể, lúc đó ở Hà Nội, tiếng Anh không phổ biến như bây giờ, và cũng rất ít trường dạy tiếng Anh (đa số dạy ban đêm). Khải mày mò tìm được một cô giáo ở phố Hàng Gà, hàng đêm cuốc bộ từ phố Hàng Gai đến đó. Ngày ngày chàng thanh niên trẻ còn cong mông lên đạp xe đạp từ nhà xuống Đại học Bách Khoa (xe đap mượn của dì) để học tiếng Pháp, trong túi không có lấy một hào! Nếu có nổ lốp xe thì chỉ có cách xuống xe dắt bộ về nhà (khoảng 8 cây số). Bước ngoặt với ông Khải rồi cũng đến, 30 năm trước. Ông nhớ lại: “Lúc đó nhà còn nghèo lắm, một lần vô tình nghe một người bạn nước ngoài làm việc và sống tại Hà Nội hỏi chuyện và muốn tìm mua lụa tơ tằm mang về nước làm quà để tặng người thân, vì những năm 80 ở Hà Nội, rất khó có thể tìm được những món quà có ý nghĩa”. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Hoàng Khải. “Tại sao không đi tìm những nơi sản xuất lụa tơ tằm về, để mở cửa hàng bán cho những người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam và khách du lịch?”. Khó khăn đầu tiên là tiền đâu. “Mở cửa hàng thì lấy đâu ra vốn? Tôi và mẹ chỉ đủ tiền làm 2-3 cái áo xong, bán hết lại làm tiếp, để xoay vòng vốn”. Cho đến khi chàng trai quyết tâm lấy tên mình đặt cho cửa hàng là Khaisilk thì bị bà ngoại, vốn là một nhà tư sản cũ, phản đối dữ dội vì cho rằng như thế là “tôm đội cứt lên đầu”. Cố gắng thuyết phục bà và mẹ, sau nhiều lần do dự, đắn đo, cái tên Khaisilk đã ra đời, và đến nay vẫn sát cánh với ông, sau suốt cả một chặng đường dài. Về cái tên Khaisilk, ông Khải lý giải, lấy tên mình gắn liền với lụa tơ tằm Việt Nam là một cách để xác định vị trí của thương hiệu, trong bối cảnh xã hội khi đó không có nhiều sự nổi trội, mọi thứ rất phẳng lặng. Để tạo nên sự độc đáo và bắt mắt, Khải dùng chữ "K" màu đỏ. Cũng cùng thời gian đó, khi mọi người chưa biết và hiểu nhiều về sự tiện dụng của thẻ tín dụng Visa hay Master, một mình Hoàng Khải lên Ngân hàng Nhà nước nói chuyện về vấn đề này, thuyết phục cơ quan quản lý ngoại hối để chấp nhận cho cửa hàng Khaisilk được chấp nhận thẻ tín dụng như một hình thức trả tiền mặt. Kể tiếp về những cột mốc quan trọng của cuộc đời, Hoàng Khải nói: “Năm 25 tuổi, lần đầu tiên tôi đi mua nhà và xây một cửa hàng Khaisilk cao 7 tầng, các vị đại sứ và người nước ngoài sống và làm việc ở tại Hà Nội lúc đó rất ưu ái. 6 tháng sau, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã đến thăm cửa hàng Khaisilk 3 lần liền trong chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam sau thời gian dài Việt Nam bị cấm vận”. “Tôi có giàu không?”
“Của cải và vật chất Hoàng Khải cũng đã làm ra được nhiều, cũng có thể nó không theo mình suốt cả cuộc đời, nhưng có những thứ tôi vẫn hàng ngày vun đắp. Đó là những tình cảm ban bè, anh em và mẹ con, cùng với những người thân trong gia đình”.
“Có lần mẹ hỏi tôi có bao nhiêu người bạn? Tôi nói con có khoảng 5.000 người bạn (trên trang Facebook cá nhân). Mẹ tôi mỉm cười như thấu hiểu rồi nói: “Con giàu thật”, Khải tự bạch.
Về sự giàu có của mình, Hoàng Khải nói: “Đã là đàn ông thì phải đại trượng phu. Tiền không chỉ mang lại một cuộc sống tốt hơn, đồ ăn ngon, xe oách, cả nhà đẹp nữa và nó làm bạn trở thành người tốt hơn, hào phóng hơn với những lần đi từ thiện. Cuộc sống là như vậy, một việc duy nhất mà chúng ta phải nghĩ tới là đồng tiền đó phải sạch”. “Tiền tài, địa vị và danh vọng có đủ mà thiếu đi tình thương của những người thân và con cháu trong gia đình, thì những người đó chưa bao giờ được gọi là thành công trong cuộc sống. Của cải và vật chất Hoàng Khải cũng đã làm ra được nhiều, cũng có thể nó không theo mình suốt cả cuộc đời, nhưng có những thứ tôi vẫn hàng ngày vun đắp. Đó là những tình cảm ban bè, anh em và mẹ con, cùng với những người thân trong gia đình”. “Nó chính là những thứ sẽ theo bạn mãi mãi suốt cả cuộc đời này. Hồi đó có lần Hoàng Khải vô tình đã làm tổn thương một người bạn mà không biết, mãi sau này mới hay. Một thời gian khá dài sau Hoàng Khải có hỏi lại người đó rằng đã hết giận Hoàng Khải chưa? Tình bạn đó vẫn được vun đắp, cho đến tận bây giờ”.
KIM YẾN
bizlive