Tại Tọa đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108/2015/NĐ – CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC sáng 16/3, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã nêu bật lên 2 vấn đề của các văn bản trên.
Về thời hạn có hiệu lực thi hành của văn bản: Nghị định 108 được ban hành vào ngày 28/10/2015 và Thông tư 195 dược ban hành vào ngày 24/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 2008 và Luật thuế TTĐB 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, tức chỉ hơn 1 tháng kể từ khi có Thông tư hướng dẫn, là quá gấp để các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có thể kịp thời điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh của năm 2016 – vốn thường được xây dựng từ nhiều tháng trước đó.
Thời điểm này lại trùng với thời điểm bắt đầu tăng thuế suất thuế TTĐB. Theo đó, thuế TTĐB với bia và rượu mạnh sẽ tăng lên mức 55% từ năm 2016, 60% từ năm 2017, và 65% từ năm 2018.
Vấn đề 2, các văn bản trên đã thay đổi đột ngột cơ bản về giá tính thuế. Giá tính thuế TTĐB được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu và giá làm căn cứ tính thuế TTĐB không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Theo diễn giải của ông Lê Hồng Xanh – Phó TGĐ Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ), trước giờ giá tính thuế là giá trả cho công ty thương mại của tổng công ty. Còn theo cách tính mới, giá tính thuế là mức bình quân của giá tiêu thụ ngoài thị trường.
* Vấn đề này đang gây khó khăn gì cho Sabeco?
Ông Lê Hồng Xanh – Phó TGĐ Sabeco. Ảnh: Bảo Bảo.
Ông Lê Hồng Xanh – Phó TGĐ Sabeco: Trước đây, mức giá tính thuế là mức giá trả cho công ty thương mại. Công ty thương mại là ủy quyền của Sabeco, mua toàn bộ sản phẩm của các nhà máy sản xuất và bán lại cho các khu vực. Giờ đây, mức giá tính thuế là mức bình quân của giá tiêu thụ ngoài thị trường.
Làm như vậy, tổng công ty cũng không xác định được giá bình quân của các cơ sở thương mại là bao nhiêu để áp dụng mức giá cho các nhà máy sản xuất. Trong khi đó, thuế TTĐB lại nộp tại các nhà máy sản xuất mà các nhà máy sản xuất lại nằm rải rác tại các địa phương.
Hiện các nhà máy sản xuất vẫn phải ứng trước tiền thuế.
* Sabeco đã có đánh giá thiệt hại do cách tính mới này mang lại?
Mỗi năm công ty sẽ phải đóng thêm cả ngàn tỷ đồng. Tất nhiên, như vậy lợi nhuận sẽ giảm. Hoặc, phải nâng giá bia lên để không bị lỗ và đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Còn hiện nay mức giảm thế nào vẫn chưa đánh giá được.
* Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng này đã tính vào giá bia hiện tại?
Hiện tổng công ty đã có hướng điều chỉnh giá để đáp ứng các chi phí. Mức giá hiện đang tăng dần tùy theo khả năng của thị trường. Giá bia sẽ tăng khoảng 5% trong thời điểm gần nhất.
* Nếu kiến nghị lùi thời điểm có hiệu lực của nghị định và thông tư nói trên về đầu năm 2017 được chấp nhận, giá bia có tăng như vậy?
Dù không áp dụng, giá vẫn tăng.
* Tức là Sabeco tăng giá bia không chỉ do thuế?
Giá tăng chủ yếu là để bù đắp thiếu hụt, đảm bảo lợi nhuận, và đảm bảo ngân sách thu.
* Nhưng trong năm 2015, Sabeco lãi ròng lên tới hơn 3.400 tỷ đồng. Lợi nhuận khủng này có thể san sẻ một phần với người tiêu dùng qua giá bán?
Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước. Lợi nhuận không để lại công ty mà nộp lại cho Nhà nước. Nếu đóng thuế cũng là “chuyển từ túi này sang túi kia”. Cuối cùng người dân vẫn phải chịu mức giá cao hơn.
* Việc điều chỉnh 2 văn bản nói trên, nhất là nội dung về mức giá tính thuế với mô hình công ty mẹ - con có phải Bộ Tài chính đang “sửa sai” từ vụ việc truy thu hơn 400 tỷ đồng tiền thuế của Sabeco hồi năm ngoái?
Chúng tôi không thể biết được. Hiện không chỉ Sabeco mà tất cả các hãng, kể cả Heineken đều đang áp dụng mô hình sản xuất kinh doanh này.
* Việc truy thu khoản tiền thuế kia, Sabeco đã hoàn thành?
Chúng tôi là doanh nghiệp Nhà nước. Nhà nước quyết định thế nào chúng tôi chấp hành như vậy!
Theo Trí Thức Trẻ