Big C có gì hấp dẫn?
Có ít nhất bốn tập đoàn lớn nước ngoài đã lên tiếng muốn mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam sau khi tập đoàn Casino (Pháp) công bố ý định bán chúng vào trung tuần tháng 12-2015.

Big C có gì hấp dẫn?

Ngay khi tập đoàn Casino cho biết có ý định nhượng lại các hoạt động của họ tại Việt Nam, Thái Lan và Columbia, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ các chuyên gia tài chính rằng việc chuyển nhượng tài sản của Casino tại Việt Nam (chủ yếu là hệ thống siêu thị Big C) có thể mang về cho Casino khoảng 750 triệu euro.

Chưa đầy hai tháng rao bán, Big C tại Việt Nam đã thu hút bốn tập đoàn nước ngoài gồm hai doanh nghiệp Thái Lan là Berli Jucker (BJC, do tập đoàn TCC nắm quyền chi phối) và Central Group; Lotte Shopping (Hàn Quốc) và Dairy Farm (Singapore) lên tiếng muốn mua lại. Theo giới quan sát, danh sách những người muốn mua chưa dừng lại ở con số 4.

Với mức giá bán dự báo khá cao, câu hỏi đặt ra là chuỗi Big C có gì hấp dẫn?

Khai trương chi nhánh đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1998, đến nay, Big C đã trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam, có 33 siêu thị trên toàn quốc, 10 cửa hàng tiện lợi C express tại TPHCM và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. Nếu xét về điểm bán siêu thị thì Big C dẫn đầu về số lượng so với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác đang có mặt ở Việt Nam và chỉ thua một doanh nghiệp bán lẻ trong nước là Saigon Co.op.

Tuy nhiên, số mặt bằng kinh doanh này của Casino phần lớn là thuê dài hạn của các chủ tòa nhà chung cư hoặc hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng. Do đó, nếu so sánh với 19 điểm bán Cash & Carry của tập đoàn Metro (Đức) tự đầu tư xây dựng và đã bán với giá 655 triệu euro cho TCC thì có ý kiến cho rằng “khách mua” Big C không mua vì tài sản mà vì cơ hội kinh doanh nhiều hơn.

Lợi thế khác của Big C là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với chuỗi kinh doanh phủ nhiều tỉnh thành, đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó, 2,8 triệu khách hàng thành viên là “tài sản” rất lớn cho bất cứ nhà bán lẻ nào.

Một nữ doanh nhân có thâm niên lâu năm trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng chắc chắn các điểm kinh doanh của Big C có thời gian thuê không ngắn, và vị trí của những điểm này xứng đáng là niềm khao khát cho các nhà bán lẻ. Đây chính là giá trị lớn của Big C. Một lợi thế khác của Big C là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với chuỗi kinh doanh phủ nhiều tỉnh thành, đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó, 2,8 triệu khách hàng thành viên là “tài sản” rất lớn cho bất cứ nhà bán lẻ nào.

Bà này cũng cho rằng các nhà bán lẻ nước ngoài đang theo đuổi mục tiêu phát triển thị trường ở Việt Nam sẽ sẵn sàng chi một khoản đầu tư lớn để sở hữu Big C, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo quan sát của một doanh nhân bán lẻ khác, cho đến nay, những doanh nghiệp lên tiếng muốn mua lại chuỗi Big C đều là những nhà bán lẻ đã có mặt ở thị trường trong nước. Họ đã hiểu về những khó khăn trong việc tìm và mở một điểm kinh doanh mới tại các thành phố lớn như thế nào, cùng với đó là quy định khống chế số lượng mở điểm bán mới đối với các nhà bán lẻ nước ngoài dựa vào kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Theo đánh giá của vị này, ngay cả là nhà bán lẻ tự phát triển chuỗi kinh doanh tốt thì việc thâu tóm được chuỗi Big C cũng giúp họ tiết kiệm được đến gần 7 năm cho việc xây dựng cũng như nhiều chi phí khác để phát triển chuỗi kinh doanh.

Và điều quan trọng nhất, theo vị này, ai dẫn đầu thị trường bán lẻ sẽ có “quyền lực” rất lớn trong nhiều vấn đề, đáng chú ý trong đó là khâu thương lượng với nhà cung cấp hàng hóa để có giá bán tốt nhất, cạnh tranh nhất. Big C tuy đứng nhì về độ phủ điểm bán trên cả nước nhưng đang dẫn đầu thị trường miền Bắc. Big C lại đang có một lượng lớn nhà cung cấp hàng hóa giá tốt giúp chuỗi này có thể đưa ra khẩu hiệu bán hàng “giá rẻ mọi nhà”, một đội ngũ nhân sự 9.000 nhân viên trên cả nước đã được tích lũy kinh nghiệm.

Ai sẽ thắng?

Giới quan sát nói gì về bốn nhà bán lẻ đã lên tiếng muốn mua lại Big C?

Với việc đang sở hữu 19 trung tâm phân phối Cash & Carry trên cả nước, nếu BJC lại tiếp tục sở hữu chuỗi Big C thì doanh nghiệp này sẽ có khả năng trở thành nhà bán lẻ dẫn đầu thị trường.

Trong khi đó, Central Group là đơn vị đã thâu tóm gần phân nửa cổ phần chuỗi kinh doanh điện máy Nguyễn Kim, đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) Robins cùng nhiều cửa hàng mang các thương hiệu SuperSports, Crocs, New Balance, và cửa hàng thời trang M&S. Theo kế hoạch của Central Group khi tham gia vốn ở Nguyễn Kim, họ sẽ phát triển chuỗi kinh doanh này thành các TTTM (shopping mall).

Với Lotte Shopping, nhà bán lẻ thuộc tập đoàn Lotte này hiện đã có hơn 10 siêu thị và TTTM lớn ở TPHCM và một số tỉnh, thành khác. Doanh nghiệp này cũng đã mua TTTM Diamond Plaza ngay khu trung tâm TPHCM, cũng từng tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam (có cả qua mua bán - sáp nhập) bằng việc tham gia tất cả các loại hình bán lẻ hiện đại.

So với ba đối thủ trên, sự hiện diện của Dairy Farm ở Việt Nam có phần mờ nhạt hơn (dù họ hoạt động dưới hình thức siêu thị và đại siêu thị ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei) vì mới mở được điểm bán lẻ Giant đầu tiên tại TPHCM. Mua chuỗi Big C chính là cơ hội để Dairy Farm nhanh chóng mở rộng hệ thống kinh doanh nhằm đuổi kịp các đại gia bán lẻ khác.

Thị trường bán lẻ Việt Nam nhìn chung được nhận định đang phát triển tốt với quy mô 110 tỉ đô la Mỹ/năm nên không loại trừ khả năng sẽ có thêm những cái tên muốn vào cuộc chạy đua thâu tóm chuỗi Big C. Đó có thể là Aeon của Nhật, E-mart của Hàn Quốc...

E-mart thì có mô hình kinh doanh na ná như Big C là cạnh tranh bằng giá rẻ nhưng hiện chỉ mới mở được một điểm bán tại Việt Nam. Với “hành trang” từng thâu tóm chuỗi 16 siêu thị Walmart của Mỹ ở Hàn Quốc vào năm 2006, có lẽ E-mart cũng sẽ không bỏ qua chuỗi Big C ở Việt Nam.

Tuy Aeon cũng chưa có động thái trong vụ Big C nhưng đây là một trong những tập đoàn bán lẻ đáng gờm của các nhà bán lẻ khác. Trong ba năm gần đây, Aeon đã đưa vào hoạt động ba TTTM lớn tại TPHCM, Bình Dương, Hà Nội và hiện đang chuẩn bị khai trương một trung tâm mới tại TPHCM. Nhà bán lẻ này còn mua cổ phần của hai hệ thống siêu thị Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 49% và 30%.

Ai sẽ là chủ sở hữu mới của Big C ở Việt Nam? Central Group từng được đánh giá có ưu thế mua lại cổ phần của Casino ở chuỗi kinh doanh Big C Thái Lan vì đã sở hữu 25% cổ phần Big C Thái Lan nhưng rốt cuộc đã để đối thủ đồng hương là TCC mua với giá 3,1 tỉ euro. Theo Reuters, Central Group đã dự chi từ 800 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ để sở hữu toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam.