Cách người Do Thái biến sa mạc thành hồ nuôi cá khiến cả thế giới phải khâm phục
Theo truyền thống, cá thường được nuôi trong ao hoặc các lồng ngầm dưới biển. Tại các vùng khô hạn và sa mạc, việc nuôi cá thường khó khăn hơn và không hợp lý về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, người Israel hay người Do Thái lại có ý kiến khác khi cho rằng cá có thể được nuôi ở nất kỳ nơi nào miễn là có nước.
Quốc gia với diện tích hơn 50% là sa mạc và đất cằn này có thừa diện tích đất trống để nuôi cá và quan trọng là các trang trại cá sẽ đảm bảo cá không bị nhiễm bệnh từ các nguồn nước khác, bị nhiễm mặn hay bị ảnh hưởng từ các hệ sinh thái tự nhiên bên ngoài.
Tại những nơi khô cằn, hạn hán như Israel, nguồn nước ngầm thường là nước lợ và gây khá nhiều khó khăn cho nông nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là nguồn nước thích hợp cho việc nuôi trồng cá bởi chúng chứa nhiều protein.
Hầu hết nguồn thực phẩm cá mà người Israel sử dụng ngày nay là được nuôi trong các trang trại.
Thông thường, mọi người cho rằng nuôi cá tại các vùng đất cằn thường tốn kém, khó khăn do thiếu nước và gây ô nhiễm môi trường bởi những chất thải từ loài cá. Tuy nhiên, người Do Thái đã biết cách sử dụng hệ thống công nghệ khép kín nhằm tạo nên điều kỳ diệu: nuôi cá trên sa mạc.
Theo đó, hệ thống nuôi cá của người Israel sẽ tái sử dụng lại 99% nước và lọc những chất thải của cá làm phân bón cho cây trồng. Nước thải từ hồ cá sẽ trải qua một hệ thống tái chế phức tạp nhằm làm sạch độc tố và chất bùn bẩn, sau đó lại được tái sử dụng cho các hồ cá.
Hệ thống này của người Do Thái có thể sử dụng tại bất kỳ nơi nào trên đất liền miễn là có một nguồn nước khởi điểm nhất định.
Những chất thải từ hồ cá có thể làm chất dinh dưỡng cho cây trồng, nhưng hệ thống khép kín này vẫn cần phải làm sách khoảng 1 năm/lần do các cặn bùn bám vào lưới lọc và hệ thống máy móc.
Một lý do nữa khiến người nuôi cá phải lo lắng là vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là trong môi trường khép kín như trang trại cá. Nguồn lây bệnh thường đến từ các đợt cá giống mới khi được đưa đến trang trại và lây lan ra cả đàn.
Trong trường hợp này, nuôi cá trang trại theo mô hình khép kín vẫn an toàn hơn khi tỷ lệ lây bệnh từ yếu tố thiên nhiên và những con cá hoang dã sẽ giảm thấp. Vì vậy, người nông dân chỉ cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cá giống mới trước khi mua về.
Hơn nữa, người Do Thái chú trọng đặc biệt đến nguồn dinh dưỡng của cá khi cho chúng ăn các loài tảo hợp lý nhằm tăng chất dinh dưỡng và chất đề kháng của cá.
Ngoài ra, chìa khóa thành công chủ đạo của ngành nuôi trồng cá tại Israel là công nghệ xác định nguồn nước ngầm cũng như việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước đến từng giọt, qua đó cho phép người dân có thể nuôi cá trên sa mạc với lượng nước có hạn.
Bên cạnh đó, do nguồn nước có hạn nên người Israel thường tích nước vào mùa đông để sử dụng cho nông nghiệp trong mùa hè. Tận dụng điều này, các trang trại nuôi cá đã sử dụng nguồn nước tích trữ để sử dụng nuôi trồng thủy sản, cung cấp thêm thực phẩm mà vẫn đảm bảo lượng nước cung cấp cho nông nghiệp vào mùa hè.
Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái, Israel áp dụng một hệ thống xử lý nước vô cùng chặt chẽ, đồng thời tuyên truyền ý thức về việc tiết kiệm nước cũng như bảo vệ môi trường cho người dân.
Đặc biệt, chính phủ Israel có hỗ trợ đặc biệt cho việc đầu tư vào nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản. Có đến 24% tổng số tiền hỗ trợ từ chính phủ là cho các dự án ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản và những doanh nghiệp trong ngành này được miễn mọi loại thuế nhập khẩu.
Khởi nguyên
Vào cuối thập niên 30, những người Do Thái trở về từ Đông Âu đã đem các giống cá ưa thích của họ tới Israel và bắt đầu thử nghiệm các ao nuôi cá với nguồn nước từ sông Jordan. Mô hình này bước đầu đem lại một số thành công và người Israel tiếp tục nghiên cứu cải thiện cách nuôi cá trên đất liền.
Sau khi chính thức tuyên bố độc lập vào năm 1948, Israel tăng cường xây dựng các trang trại nuôi cá trên đất liền.
Cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy vùng Negev và thung lũng Arava có các mạch nước ngầm và nước suối nóng. Hầu hết các mạch nước này là nước lợ, thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Với mục tiêu tận dụng mọi nguồn nước có thể, Israel đã quyết định kết hợp nuôi trồng cá với làm nông nghiệp, qua đó tái sử dụng nguồn nước một cách có hiệu quả.
Nhờ những nỗ lực của chính phủ Israel mà hiện nay có nhiều trang trại nuôi cá lớn ở những vùng sa mạc gần Negev. Tại đây, nguồn nước ngầm được hút lên để nuôi cá và sau đó tái sử dụng hoặc dùng để tưới cây.
Hàng loạt những giống cá như cá chép, cá rô phi, cá trắm...được người Do Thái đưa vào nuôi trồng và cải tiến cho phù hợp điều kiện môi trường tại đây. Israel là quốc gia đầu tiên có thể nuôi trồng loài cá rô phi sống từ Jordan bất chấp nước này toàn sa mạc và đất cằn.
Hiện sản lượng nuôi trồng cá của Israel là gần 30.000 tấn mỗi năm với tổng giá trị khoảng 70 triệu USD. Sản phẩm cá của nước này thậm chí được xuất khẩu sang nhiều thị trường Châu Âu, đồng thời thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan các trang trại cá.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN) cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá và thủy sản trên toàn cầu đang ngày một tăng cao trong khi lượng cung đang dần suy giảm do tình trạng đánh bắt quá mức.
Hiện trung bình mỗi người trên thế giới tiêu thụ khoảng 17kg cá hàng năm và rất có thể một ngày nào đó, tất cả các món cá cũng như thủy sản trên bàn ăn của chúng ta đều đến từ các trang trại nuôi.
Theo Trí Thức Trẻ