Toshima Yagasa là một người làm nghề nhặt xác chết đã nhiều năm. Thế nhưng cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể quên được nỗi ám ảnh và tiếc nuối cho cuộc sống và hoài bão của những người trẻ tuổi. Anh buồn cho họ, vì tại sao còn trẻ tuổi vậy mà không muốn chiến đấu với cuộc sống.
Vài năm trước đây, anh nhận được một cuộc gọi từ một ông bố có con vừa tự tử. Chàng thanh niên đó bị coi như “hikikomori”, người được gọi với cái tên: người bị gạt sang bên lề xã hội. Vì một số thất bại liên quan đến công việc, cuộc sống, họ tự đóng cửa tách biệt mình ra khỏi cuộc sống xã hội.
[Đọc thêm bài viết về "hikikomori": Những người bị gạt ra bên lề xã hội]
Khi Toshima đến hiện trường, thi thể người con trai được cuốn quanh bởi cuộn dây điện. Anh đã bọc dây điện vào quanh người rồi cắm vào ổ điện để bị giật đến chết.
Toshima cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi nhận cuộc gọi đến công ty dọn xác chết, người bố với giọng nói cực kỳ bình thản, cứ như thể đó là chuyện nhà khác chứ không phải của nhà ông, không hề có chút hoảng sợ, tuyệt vọng nào.
Thế nhưng khi Toshima đến nơi, người bố dẫn anh vào phòng của con trai và chính tại nơi này ông bố đã suy sụp. Ngay khi bước vào căn phòng, ông khóc nấc lên: “Bố xin lỗi con trai, bố xin lỗi con nhiều lần. Giá mà bố đã gần con hơn, biết con buồn và tuyệt vọng như thế nào, bố không thể làm gì được cho con nữa rồi.”
Những người làm nghề dọn xác chết ở Nhật thường chỉ có 2 bữa ăn chính, đó là bữa sáng và bữa tối. Bởi trong lúc làm việc ban ngày với xác chết, họ không có đủ cảm giác, đủ bình tĩnh để ngồi ăn bữa tử tế. Họ cầm vội vàng một chiếc bánh để ăn cho qua bữa.
Chi phí dọn xác chết cũng không rẻ, nó dao động từ 1 nghìn USD đến 3 nghìn USD tùy vào việc đã chết lâu hay chưa. Công ty của Toshima luôn kín đơn hàng, có nhiều khi một ngày có đến 4 đơn hàng họ làm không xuể.
Có những người chết theo cái cách như họ đã biết trước và chấp nhận việc đó. Họ trữ rất nhiều tiền trong rổ để trên bàn khách với dòng chữ: “Dùng để nuôi những chú mèo hoang.”
Trên thực tế, dù có nhiều người chết một mình như vậy ở Nhật, nhưng nhiều người Nhật lại không hề biết việc đó. Đối với họ, khi ai đó nhắc về chuyện ấy, nó giống như một câu chuyện ở nơi nào đó xa lắm.
Kodokushi không phải là vấn đề chỉ của người già Nhật mà nó cũng là của cả người trẻ. Theo số liệu từ chính phủ Nhật, hiện tại nước này đang có khoảng 700 nghìn hikikomori, tức là những người đứng bên lề xã hội, họ tách mình hoàn toàn ra khỏi xã hội, họ sợ giao tiếp và hòa nhập với xã hội.
Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Yuichi Hattori thuộc đại học Nagasaki khẳng định rằng, vấn đề kodokushi không chỉ của riêng người già mà nó đang lan ra cả người trẻ. Nước Nhật không chấp nhận những người ốm đau và không chấp nhận sự phụ thuộc. Chính vì vậy khi đã tách biệt với xã hội, người trẻ chủ yếu ở trong nhà, không dám đề nghị được giúp đỡ và chết một mình mà không có cha mẹ ở bên cạnh.
Giáo sư Yuichi Hattori nhấn mạnh: “Nhật là một đất nước vĩ đại. Thế nhưng nó không chỉ có cảnh đẹp, những căn nhà truyền thống xinh xắn, khu vườn quy hoạch chuẩn mực mà có rất nhiều vấn đề tồi tệ.”
Đã có nhiều lần, những người đi nhặt xác đã cố gắng liên hệ với chính quyền nhiều địa phương để giải quyết vấn đề. Họ cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên chính quyền cũng chẳng thể nào giải quyết được vấn đề căn bản của xã hội.
Theo những người chuyên đi nhặt xác, công việc của họ đã giúp họ ý thức được rõ ràng hơn rất nhiều về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống . Nhiều người nói họ ước mình thất nghiệp bởi như vậy đồng nghĩa với việc xã hội đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Theo Trí Thức Trẻ