Đại diện UBND tỉnh Bình Dương trao HCLĐ Hạng Ba cho lãnh đạo Cty CP Tôn Đông Á
– Kết thúc năm 2015, Tôn Đông Á tràn ngập trong nhiều niềm vui. Thay mặt DĐDN, chúc mừng ông và Tôn Đông Á!
Trong bối cảnh ngành sắt thép cạnh tranh khốc liệt, kết quả kinh doanh của chúng tôi cũng được gọi là thành công. Doanh thu đạt hơn 4.300 tỷ đồng, thị trường xuất khẩu được mở thêm một vài lãnh thổ. Nhà máy mới, giai đoạn I tại KCN Đồng An II, Bình Dương khánh thành và đi vào hoạt động. Tháng 11/2015, nhân cột mốc 17 năm thành lập Tôn Đông Á, tôi vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và các cộng sự của tôi cũng được Thủ Tướng Chính Phủ tặng bằng khen. Bên cạnh đó, lần đầu tiên giải bóng đá quốc tế U.21 Báo Thanh Niên, Tôn Đông Á là nhà tài trợ vàng, trong trận cầu hôm 25/11 tại sân Thống Nhất, TP.HCM, U21 Hoàng Anh Gia Lai chiến thắng giữa U19 Hàn Quốc 2-0 Tôn Đông Á cũng “thơm lây”.
– Niềm vui cộng hưởng, niềm vui lan tỏa… Tôn Đông Á sẽ tiếp nối , nhân rộng niềm vui này ra sao, thưa ông?
Năm 2016, Tôn Đông Á bước vào tuổi 18, tuổi đẹp nhất của đời người. Với một DN, cũng được xem như bước vào một thời kỳ mới, đầy sức sống, căng tràn. Điểm nhấn quan trọng nhất trong năm qua là nhà máy mới đã đi vào hoạt động, sản phẩm đã được xuất khẩu vào được các nước Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và được khách hàng đánh giá cao. Tôi nghĩ, đó thành quả lớn nhất của Tôn Đông Á trong một thời gian dài thai nghén. Niềm vui dâng trào, khi chiến lược đặt ra đã tạo bước đột phá mới. Vì vậy, chúng tôi rất tự tin tiến bước về tương lai và góp phần cùng cả nước đón chào một năm mới thành công hơn, tốt đẹp hơn, vững bước vào “sân chơi” toàn cầu, đặc biệt là “sân chơi”rộng lớn TPP.
Tuy vậy, tôi nghĩ không riêng gì Tôn Đông Á, mà DN nào khi bước vào con đường kinh doanh phải tính toán cho tương lai của mình. Bước đi của Tôn Đông Á từ từ mà bền vững. Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn, dựa trên phân tích, tìm hiểu thị trường, nhu cầu sử dụng sản phẩm… để đạt được những “đích ngắm” nhất định.
Từ năm 2007, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho dự án nhà máy thép lá mạ. Bắt đầu từ việc đi tìm quĩ đất, tìm hiểu thị trường nước ngoài, tìm hiểu công nghệ… Đến khi bắt tay vào xây dựng nhà máy, Tôn Đông Á đã nắm chắc 70% sản lượng của công suất nhà máy mới đã có khách hàng, có thị trường.
– Hiệu quả đầu tư về dự án mới này đã đạt được kỳ vọng của ông?
Đây là dự án sản xuất có qui mô và công nghệ hiện đại, sản phẩm thép lá mạ có chất lượng cao, sử dụng trong công nghiệp xây dựng, giao thông, chế tạo mà lâu nay thị trường Việt Nam phải nhập khẩu. Giai đoạn I, Tôn Đông Á đã đầu tư khoảng 70 triệu USD công suất 260.000T/N, trong đó xuất khẩu khoảng 40% và sản phẩm từ nhà máy này đã vào được thị trường Mỹ trong năm 2015 ( khoảng 10.000 tấn). Đây là một tín hiệu vui, vì gia nhập TPP – Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam nên Tôn Đông Á kỳ vọng sang năm sau, sản lượng vào thị trường này sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Từ đó, chúng tôi mở rộng ra các thị trường châu lục khác. Đồng thời, giai đoạn 2 của nhà máy, dự kiến đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng nâng công suất lên 800.000 T/N. Dự kiến đi vào hoạt động 1 phần đầu năm 2017 và hoàn tất vào năm 2018.
Hiện nay chúng tôi đã chọn được đối tác cung cấp thiết bị là Tập Đoàn Danieli đến từ Ý. Ngoài ra nhà máy được hỗ trợ hoạt động với hệ thống quản trị nguồn lực DN ERP của Oracle – Mỹ, phần mềm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành sắt thép.
Tôi kỳ vọng, Tôn Đông Á sẽ đạt được doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng vào những năm tiếp theo.
– Quá trình “lớn mạnh” của Tôn Đông Á có gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
17 năm về trước, Tôn Đông Á chỉ là DN sản xuất những mặt hàng tôn lợp phổ thông, “không có cửa” cạnh tranh so tài với các DN khác trong ngành. Nhưng thời điểm này, Tôn Đông Á có thể ngẩng cao đầu đứng vào TOP đầu của ngành sản xuất tôn thép hiện nay tại Việt Nam. Bởi chúng tôi dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi và đầu tư chuyên sâu vào ngành nghề của mình. Hơn nữa, cá nhân tôi không đặt ra mục tiêu “doanh nhân thành đạt” mà quan trọng là tôi đã làm được gì cho tập thể này và đóng góp được gì cho xã hội.
– Vậy ông và Tôn Đông Á đang đóng góp cho xã hội theo cách nào, thưa ông?
Theo tôi, thành quả kinh doanh của DN đạt được, ngoài chiến lược, định hướng của chủ DN, sự hợp sức của người lao động, thì có sự đóng góp to lớn từ người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung. Vậy nên, với Tôn Đông Á, trách nhiệm đóng góp cho xã hội nằm trong kế hoạch hàng năm, giống như một danh mục kinh doanh của chúng tôi vậy. Tôn Đông Á sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm để tặng mái nhà, làm cầu đường nông thôn, cấp học bổng,… cho người nghèo khắp trên cả nước. Ngoài tiền bạc, tôi tin rằng những thông điệp của chúng tôi gửi gắm qua các chương trình đã được người tiêu dùng, xã hội đón nhận tích cực và quay sang ủng hội chúng tôi nhiều hơn.
– Ông có chia sẻ gì trong năm mới 2016?
Chúng ta hãy mạnh dạn bước vào sân chơi toàn cầu để “soi” mình xem thiếu và yếu chỗ nào để mà chỉnh sửa, thì mới có thể lớn mạnh, phát triển vững bền và hội nhập.
– Cảm ơn ông và chúc cho Tôn Đông Á tiếp tục cộng hưởng niềm vui!
Minh Hương