Ngược dòng lịch sử Nhật Bản, Võ sĩ đạo xuất hiện trong thời Sứ quân, thời mà đất nước nhật Bản bị chia năm sẻ bảy, căn bản là một chiến sĩ như hình ảnh của những Hiệp sĩ bên Âu châu thời Trung cổ. Người Nhật xem Võ sĩ đạo là hình ảnh, là đóa hoa, là cột rễ của nước Nhật. Ngược lại, Võ sĩ đạo sống theo những tiêu chuẩn đạo đức là tấm gương của dân Nhật. Người Võ sĩ phải học hỏi về mọi phương diện: đánh kiếm, cỡi ngựa, bắn cung, đánh thương, nhu thuật, viết, vẽ, văn chương, nghệ thuật. Nhu thuật là căn bản võ thuật của Võ sĩ đạo, nhu thuật sinh ra Nhu Đạo, khác với đấu vật phải dùng sức mạnh, nhu thuật lợi dụng sức của địch và nhắm vào những yếu điểm của địch thủ để tiêu diệt khả năng tấn công nhưng không có mục đích giết người. Người Võ sĩ phải biết tự chế cả về tinh thần lẫn thể xác, chịu khổ không than thở, đụợc dạy phải giữ lễ độ với mọi người. Tinh thần này đã cho thấy qua cuộc động đất ngày 10/3/2011, người Nhật khắc kỷ, bộ mặt an nhiên không cho thấy vui buồn giận dữ. Trong xã hội, dân Nhật từ bé được dạy: “đời người là bể khổ”, “xum họp rồi sẽ chia ly”, “sanh ra phải chết”. Cá tính người Nhật đến từ tinh thần Võ sĩ đạo “Nhân, Trí, Dũng”. Trước đó vào năm 1945, Hiroshima và Nagasaki trong biển máu khi hai quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ nhẫn tâm tàn phá đất nước này. Một dân tộc tưởng chừng chỉ có thương vong đã chiến thắng hoàn cảnh bằng tinh thần không khuất phục , và khẳng định mình là một cường quốc Châu Á đầu tiên theo con đường TBCN với sự lớn mạnh trên mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y học, nghệ thuật...
Trong quá trình xây dựng đất nước với khẩu hiệu phải theo kịp và vượt các nước Âu Mỹ, nhiều quy phạm đạo đức truyền thống của người Nhật, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, được thăng hoa thành lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Các điển hình này rất nhiều, không thể kể hết trong khuôn khổ của bài viết ngắn này. Ngay cả trong hoạt động doanh nghiệp, là lĩnh vực tưởng như mục tiêu chính là lợi nhuận, ta cũng thấy tinh thần dân tộc rõ nét ở những người sáng lập các công ty nổi tiếng ngày nay. Chẳng hạn, Ibuka Masaru (l908-1997), người sáng lập công ty mà sau này có tên là Sony, đã nói một câu thơ cảm động trong bài diễn văn thành lập công ty năm 1946: “Phải cố gắng đem công nghệ, kỹ thuật góp phần vào việc phục hưng tổ quốc chúng ta”. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh tinh thần trách nhiệm đó đã động viên mọi người hăng hái trong công cuộc khôi phục đất nước.
Ngày nay, các chiến binh Samurai không còn nữa nhưng tinh thần võ sĩ đạo vẫn thấm nhuần trong văn hóa người Nhật mà rõ ràng nhất chúng ta có thể thấy được qua văn hóa văn phòng trong các công ty Nhật Bản. Người Nhật rất chuẩn mực trong việc cám ơn khi được giúp đỡ và xin lỗi khi mắc sai lầm. Người Nhật chào nhau không phải một lần mà đôi khi năm lần bảy lượt và có thói quen cúi gập người lúc chào hỏi, điều đó thể hiện tính lễ nghĩa trong sinh hoạt hằng ngày. Cách người Nhật trao danh thiếp cho đối tác cũng rất đáng để chúng ta học hỏi, đó là trao và nhận danh thiếp bằng hai tay để nói lên sự tôn trọng và bình đẳng trong mọi mối quan hệ. Ngoài ra điều đặc biệt hiếm thấy ở các công ty Nhật Bản đó là chế độ tuyển dụng suốt đời. Người Nhật có xu hướng tuyển dụng những sinh viên mới ra trường, như một tờ giấy trắng tinh khôi, để công ty viết lên những kiến thức phục vụ công việc. Một nhân viên gắn bó cả cuộc đời cống hiến sức lực và tuổi trẻ cho công ty là thể hiện sự trung thành, tình nghĩa và kiên định với những gì mình đã chọn.
(st)