Ngày 24/03, Bloomberg bất ngờ xuất hiện một bài viết có tựa đề: "How Bikini Airline helped to creat Vietnam's first woman billionaire" - Hãng hàng không bikini giúp tạo ra nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam thế nào. Người ta biết ngay "hãng hàng không bikini" chỉ có thể là VietJet, và nữ tỷ phú ấy, phải chăng là nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, người phụ nữ từng xuất hiện trong những bức ảnh đi lì xì cho khách bay nhân dịp năm mới?
Năm 2012, VietJet có một bước đi được coi là khá "ngông cuồng" trong chiến lược Marketing, đó là để những người đẹp mặc bikini catwalk, nhảy múa trên chuyến bay tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. Thời bấy giờ, không ít người phê phán, chỉ trích chiến lược này của hãng hàng không giá rẻ là rẻ tiền, hạ cấp.
Các nữ tiếp viên trong trang phục bikini trình diễn trên máy bay VietJet.
Tới tháng 9/2014, VietJet làm thêm một cú hích truyền thông nữa khi tiếp tục mời nữ hoàng nội y Ngọc Trinh và người mẫu Linh Chi đóng quảng cáo cho VietJet, cũng trong trang phục bikini gợi cảm. Đàn ông thì thòm thèm, đàn bà người khen thì ít, cười chê chế nhạo là nhiều. Và rồi VietJet lại tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam, theo một cách nào đó.
Hình ảnh Ngọc Trinh và Linh Chi mặc bikini trong cuốn lịch của VietJet,
Rồi ngày hôm nay, trên trang tin nổi tiếng nước Mỹ Bloomberg, xuất hiện bài viết về một nữ doanh nhân người Việt thành đạt, người "đã từ những bộ Bikini xây dựng cả cơ nghiệp hàng chục nghìn tỷ đồng". Bà là Nguyễn Thị Phương Thảo, cũng là người phụ nữ đứng sau hãng máy bay Vietjet được nhiều người Việt tin chọn nhất ở thời điểm này.
Bloomberg gọi bà Thảo là "the first woman self-made billionaire of Vietnam" - Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà Thảo bắt đầu hành trình kinh doanh của mình từ hơn 2 thập kỷ trước, khi bà còn là một cô sinh viên năm 2 ngành tài chính kinh tế ở Nga.
Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ CEO của hãng hàng không giá rẻ VietJet.
Tròng trành trầy trật, đem chuông đi đánh xứ người cả một thời thanh xuân, kiếm từng đồng tiền nhỏ nhoi từ nghề buôn quần áo, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng tại thủ đô Moscow, giờ đây người phụ nữ bản lĩnh đã nắm trong tay cả một hãng hàng không hàng chục nghìn tỷ đồng, cộng thêm nhiều cổ phần ở các ngân hàng, công ty, dự án khác trong nước.
Bà Thảo không hề ồn ào ở Việt Nam, bà lặng lẽ, từng bước vững chãi, cầm cái gì là chắc cái ấy. Người ta nói "tẩm ngầm tầm ngầm mà đấm chết voi", bà Thảo chính là một người phụ nữ như thế. Có ai biết được rằng, bà cầm trong tay 20% cổ phần của ngân hàng HDBank, nắm phần lớn số cổ phiếu của 3 khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu như Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và An Lâm Ninh Vân Bay Villas, đảo Ninh Vân, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Thảo lì xì cho khách bay trong dịp năm mới.
Tỷ phú tự thân ở Việt Nam thì không thiếu, nhưng là một nữ tỷ phú, lại tự gây dựng cơ nghiệp chỉ bằng bán máy fax và nhựa cao su và được Bloomberg ưu ái dành cho cả một bài viết dài thì chắc chỉ có bà Thảo.
Trong bài phỏng vấn với Bloomberg, nữ tỷ phú chia sẻ bí quyết làm nên thành công của bà chỉ nằm ở hai chữ: "trung thực". Bà luôn thành thật với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm. Bởi vậy, ngay cả khi bà không có nhiều tiền để lấy hàng, người ta vẫn tín nhiệm và trao hàng cho nữ tỷ phú.
Nói về VietJet, Bloomberg viết: "VietJet nổi tiếng với đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp tươi tắn mặc bikini trong chuyến bay khai trương các điểm đến ở biển cùng hình ảnh tương tự trên tấm lịch in của hãng."
"Bạn có quyền mặc bất cứ thứ gì mình thích, bikini hay áo dài truyền thống. Chúng tôi không phiền lòng về việc người ta gán hình ảnh của Vietjet với trang phục bikini. Nếu chuyện ấy làm người ta vui, thế thì chúng tôi cũng vui", bà Thảo chia sẻ về việc dư luận gán cho Vietjet một nickname không chính thức "hãng hàng không bikini".
VietJet giờ được thế giới biết đến với biệt danh "hãng hàng không bikini".
Không thể phủ nhận, bikini đã đem lại tiếng tăm hoàn toàn khác cho VietJet, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vietjet đến nay đã trở thành hãng hàng không bình dân dành cho mọi người, người người đi VietJet, nhà nhà bay VietJet. Hiện máy bay của hãng có thể bay tới 47 điểm trong phạm vi quốc gia và cả các sân bay Châu Á như Seoul, Bangkok, Singapore. Trong thời gian tới, bà Thảo tham vọng sẽ biến VietJet trở thành một Emirates phiên bản Châu Á, và hy vọng đó là có cơ sở.
Trong năm nay, rất có thể VietJet sẽ vượt mặt hãng hàng không quốc gia VietnamAirlines để trở thành hãng bay nội địa lớn nhất. Việt Nam cũng đang có hy vọng ghi tên trên Top 10 những nước có ngành hàng không phát triển nhanh nhất trong vòng 2 thập kỷ tới, cũng nhờ vào những người dám nghĩ dám làm như bà Thảo.
"Bạn phải dẫn đầu và chấp nhận rủi ro đã có tính toán. Là một nữ doanh nhân, tôi có trách nhiệm cống hiến cho nền kinh tế đất nước và mang đến sự thay đổi tích cực cho cả quốc gia, cộng đồng. Trong ánh sáng của sự bình đẳng, điều ấy đang diễn ra", nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.