Vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) công bố những số liệu mới nhất cảnh báo về hơn 2.000 sản phẩm nguy hiểm trong năm 2015.
Theo công bố, có 2.072 món hàng từ đồ chơi ván trượt nổ đến quần áo lọt có độc tố gây ung thư vào danh sách cảnh báo. Hội đồng, các nước thành viên EU và doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo những sản phẩm nguy hiểm này biến mất khỏi thị trường châu Âu.
Đáng chú ý, 62% sản phẩm trong danh sách đến từ Trung Quốc. Trước đó, nước này vẫn nắm giữ vị trí số 1 trong danh sách cảnh báo hàng nguy hiểm của EU. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU.
Việc phối hợp với chính quyền Trung Quốc trong vấn đề này tiếp tục là mối ưu tiên của EU. Cụ thể, mỗi cảnh báo liên quan tới sản phẩm Trung Quốc sẽ được gửi cho cơ quan chức năng nước này để họ giải quyết trực tiếp với nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu.
Tới nay, Trung Quốc đã nhận được 11.540 thông báo và có biện pháp khắc phục trong 3.748 trường hợp. Việc tra xét nguồn gốc hàng hóa của số còn lại vẫn còn khó khăn.
Bà Vera Jourova - ủy viên phụ trách các vấn đề tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới của EU – cho biết: “Chúng tôi có 2 thử thách trước mắt. Một là dịch vụ bán hàng online phân phối sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Và hai là sự hiện diện của phần lớn hàng hóa Trung Quốc trong danh sách cảnh báo.
Trong năm 2015, đồ chơi (27%) và quần áo, phụ kiện thời trang (17%) là 2 mục sản phẩm cần có biện pháp khắc phục. Đây cũng là những sản phẩm nổi bật nằm trong danh sách cảnh báo năm ngoái.
Bà Vera Jourova cho rằng, báo cáo vẫn chưa sát thực tế và bà sẽ đề cập đến vấn đề này với giới chức Trung Quốc vào tháng 6 tới.
RAPEX là hệ thống cảnh báo châu Âu nhằm trao đổi thông tin nhanh giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng Na Uy, Iceland (Ai-xơ-len) và Liechtenstein (Lít-ten-xtanh) về những sản phẩm độc hại, trừ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế.
Giới chức các quốc gia thành viên EU báo cho trung tâm liên lạc trực thuộc EC khi họ phát hiện các sản phẩm nguy hiểm trên thị trường. Khi EC chuyển thông tin tới các quốc gia thành viên khác, việc bán sản phẩm có thể bị cấm tại các quốc gia này hoặc phụ thuộc vào các điều kiện.
Mặc dù có sự hợp tác về an toàn của sản phẩm nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất phần lớn các sản phẩm nguy hiểm. Không dưới 62% số lượng cảnh báo hồi năm ngoái liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc, giảm 2% so với năm 2014. Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn khi 1/3 trường hợp không thể xác định được nguồn gốc của sản phẩm nguy hiểm.
Hồng Anh