Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông VietinBank. (Nguồn: VietinBank)
Lãnh đạo Vietinbank cho hay, nguyên nhân của sự chậm trễ việc sáp nhập này là do có sự thay đổi của pháp luật trong lĩnh vực sáp nhập ngân hàng (Thông tư 04/2010/TT-NHNN đã bị thay thế bởi Thông tư số 36/2015/TT-NHNN). Vì vậy, Đề án sáp nhập và Hợp đồng sáp nhập cần được hai ngân hàng cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với quy định mới.
Nội dung sửa đổi chính của Đề án sáp nhập gồm: Cập nhật tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của Vietinbank và PGBank đến ngày 31/12/2015, phương án kinh doanh dự kiến sau 3 năm sáp nhập của VietinBank. Đánh giá tác động và phương án xử lý của việc sáp nhập, tỷ lệ đảm bảo an toàn của Vietinbank sau sáp nhập…
Ngoài ra, nội dung Hợp đồng sáp nhập còn sửa đổi các điều khoản quy định các hành vi bị cấm đối với các bên tham gia sáp nhập. Theo đó, đã có quy định hai bên không được chia cổ tức trước khi sáp nhập để đảm bảo không làm giảm giá trị sổ sách mỗi cổ phần của các bên.
Tuy nhiên, do giao dịch sáp nhập kéo dài, VietinBank đã thực hiện chia cổ tức năm 2014. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, Hội đồng quản trị VietinBank đã đàm phán với PGBank và trình Đại hội cổ đông sửa đổi Hợp đồng sáp nhập theo hướng VietinBank không được chia cổ tức trước sáp nhập (trừ trường hợp chia cổ tức trước khi sáp nhập theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chính sách của Nhà nước). Tương tự, PGBank cũng không được chia cổ tức trước sáp nhập. Các nội dung khác của hợp đồng sáp nhập chưa thay đổi.
Ngoài ra, do đến nay giao dịch sáp nhập chưa hoàn tất nên việc phát hành cổ phiếu CTG để hoán đổi chưa thực hiện được. Do đó Hội đồng quản trị trình Đại hội cổ đông thông qua Đề án sáp nhập và Hợp đồng sáp nhập sửa đổi, đồng thời thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu CTG để hoán đổi cổ phiếu PGBank.
Sau khi sáp nhập thành công, VietinBank dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên đến 64.000 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II, nâng cao vị thế cạnh tranh của VietinBank trên thị trường khu vực và quốc tế.
Theo báo cáo của VietinBank, tính đến ngày 31/12/2015, tổng tài sản của VietinBank 779.483 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng đạt 676.688 tỷ đồng, tăng 24,7%; nguồn vốn huy động đạt 711.785 tỷ đồng, tăng 19,6%; vốn chủ sở hữu đạt 56.110 tỷ đồng; vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 7.345 tỷ đồng, tăng 0,6%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng đạt 0,73%...
Đại hội cũng công bố các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2016 với những con số ấn tượng như: Tổng tài sản dự kiến đạt 889.550 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 789.492 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng 3%....
Với các chỉ tiêu này, VietinBank phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu về lợi nhuận và hiệu quả sinh lời trong hệ thống ngân hàng thương mại, không ngừng đa dạng hóa cơ cấu thu nhập hoạt động, tăng tỷ trong thu nhập ngoài lãi và thu dịch vụ. Với mức lợi nhuận kỳ vọng, dự kiến ROAA của VietinBank năm 2016 trong khoảng 0,9%-1,2% và ROAE đạt từ 10%-11%./.
Kết thúc quý 1/2016, kết quả lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh doanh của VietinBank với lợi nhuận trước thuế 2.405 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm qua. Ngoài ra, tổng tài sản của ngân hàng đạt 791.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ tín dụng đạt 688.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, cao hơn trung bình ngành ngân hàng; cho vay nền kinh tế đạt 553.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng nguồn vốn đạt 721.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng 0,8%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay 0,99%. |