Theo bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2016 được đăng tải trên CNN của Millward Brown, một hãng con thuộc công ty quảng cáo WPP, trong top 10 có tới 9 thương hiệu công nghệ quen thuộc.
Bảng xếp hạng này được Millward Brown thực hiện dựa vào việc sử dụng dữ liệu tài chính riêng và phỏng vấn kết quả từ ba triệu người dùng trên toàn cầu.
1. Google - Alphabet: 229 tỷ USD
Đứng đầu trong danh sách này là điều không mấy ngạc nhiên đối với Google, hãng khổng lồ công nghệ của thế giới. Google đã tăng 32% giá trị thương hiệu chỉ trong một năm với việc giữ vững thành tích là ông trùm mảng tìm kiếm cùng nhiều dịch vụ đi kèm. Google đã tự bó gọn các dịch vụ của mình vào công ty mẹ là Alphabet, đồng thời phát triển thêm các mảng như xe tự hành, công nghệ chống lão hóa.
Trước khi vươn lên vị trí số 1 trong năm nay, Google cũng đừng đứng top đầu của danh sách Millward Brown vào giai đoạn 2007 - 2010 và năm 2014.
2. Apple - 228 tỷ USD
Dù chỉ kém vị trí đứng đầu là Google với mức chênh lệch 1 tỷ USD nhưng năm vừa qua không phải là năm may mắn đối với Apple. Giá trị thương hiệu của Apple đã giảm 8% trong năm, có lẽ phần lớn tới từ việc nhận thức của người dùng với thương hiệu này đã thay đổi. Vẫn bán được hàng triệu chiếc iPhone cùng những sản phẩm khác trong hệ sinh thái mà mình tạo ra, thế nhưng "họ cần tạo ra được mạch cảm xúc mạnh mẽ hơn với người dùng, cần cải thiện mức liên quan của sản phẩm với người dùng", giám đốc Millward Brown cho biết.
Apple khá khôn ngoan khi sử dụng khoản tiền khổng lồ của mình đầu tư vào nhiều mảng khác, ví dụ như đối thủ của Uber ở Trung Quốc là Didi.
3. Microsoft - 122 tỷ USD
Sau nhiều nỗ lực vực dậy, giá trị thương hiệu của Microsoft đã tăng nhẹ 5% trong năm vừa qua, xếp ở vị trí thứ ba bảng xếp hạng. Bên cạnh việc phát triển tiếp "con gà đẻ trứng vàng" Windows thì hãng còn tập trung mạnh vào thực tế ảo trong thời gian gần đây.
4. AT&T - 107 tỷ USD
Dù là hãng viễn thông Mỹ nhưng AT&T không phải cái tên xa lạ với dân công nghệ trên toàn thế giới. Thậm chí ở Việt Nam, nhiều sản phẩm smartphone đang bán trên thị trường được nhập về từ nhà phân phối thuộc nhà mạng này. Giá trị thương hiệu của AT&T đã tăng 20% so với năm trước, hãng này đang nỗ nực để trở thành thương hiệu đại diện lối sống cho người tiêu dùng, cung cấp nhiều dịch vụ giải trí bên cạnh viễn thông truyền thống.
5. Facebook - 103 tỷ USD
Giá trị thương hiệu năm tới 44% trong năm qua giúp Facebook lần đầu xuất hiện trong danh sách này. Đạt được thành công trên phần lớn nhờ vào việc Facebook tập trung phát triển thị trường mới bởi người dùng ngày càng ít trung thành với thương hiệu. Để giải quyết vấn đề, các thương hiệu cần xây dựng hệ sinh thái xoay quanh họ.
Việc định giá này được thực hiện riêng với Facebook, không tính gộp hai sản phẩm mà Facebook sở hữu là Instagram và WhatsApp.
6. Visa - 101 tỷ USD
Giá trị thương hiệu của Visa tăng 10% so với năm trước, vẫn là thương hiệu được người dùng tin tưởng về độ bảo mật. Visa đang nỗ lực cải thiện việc thanh toán của người dùng.
7. Amazon - 99 tỷ USD
Giá trị thương hiệu của Amazon tăng cao nhất trong danh sách, ở mức 59% và góp phần giúp thương hiệu này xuất hiện trong bảng thống kê. Không còn đơn thuần là một nơi bán hàng trực tuyến, họ đang tạo ra nội dung giải trí riêng của mình, cải thiện hoạt động giao hàng và logistic, đe dọa các ông lớn như UPS.
8. Verizon - 93 tỷ USD
Giá trị thương hiệu Verizon tăng 8% trong năm qua với việc liên tục cung cấp nhiều nội dung hơn cho các khách hàng. Verizon đã mua lại AOL với giá hàng tỷ USD, mục đích trở thành ông lớn đi đầu trong ngành kinh doanh nội dung kỹ thuật số.
9. McDonald's - 89 tỷ uSD
McDonald's là thương hiệu duy nhất không liên quan tới công nghệ xuất hiện trong bảng xếp hạng này. Thương hiệu McDonald's vẫn xoay sở tốt khi phải chật vật với nhiều nhận xét tiêu cực từ cả người dùng và các cơ quan về vấn đề an toàn thực phẩm. Giá trị thương hiệu McDonald's tăng 9% trong năm nay.
10. IBM - 86 tỷ USD
IBM đang chuyển mình sang mảng điện toán đám mây. Khi mới bắt đầu thực hiện chuyển đổi, giá trị thương hiệu của IBM đã giảm 13% trong năm 2015 và 8% trong năm 2016. Tuy nhiên IBM vẫn có cơ sở để tin tưởng vào tương lai của mình khi họ tâp trung phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy tính tự nhận thức.