Trong rất nhiều tháng qua, Google tìm kiếm ứng cử viên lý tưởng có thể dẫn dắt công ty từ một vị trí yếu thế đến cơ hội thành công, một cái tên đã xuất hiện: Diane Greene. Chỉ nổi tiếng ở Silicon Valley, Greene là huyền thoại trong giới công nghệ và có tình bạn thân thiết với Larry Page và Sergey Brin khi còn học ở Stanford.
Chồng bà là giáo sư khoa học máy tính nổi tiếng, và họ đã sống trong khuôn viên trường nhiều thập kỷ. Greene đã 61 tuổi, nói năng nhẹ nhàng, khuôn mặt tròn, mái tóc vàng ngắn trên vai cùng nụ cười ấm áp luôn nở trên môi.
Nữ giám đốc mảng điện toán đám mây của Google.
Cũng là một con người đầy tham vọng, khi Page và Brin lập ra Google, Greene cùng chồng và 3 người khác cùng nhau thành lập VMware, thay đổi cách thức một công ty quản lý dữ liệu từ xa với kỹ thuật gọi là ảo hóa.
Với cương vị là CEO của công ty trong 10 năm, Greene đã xây dựng một doanh nghiệp có giá trị 49 tỷ USD tại thời kỳ đỉnh cao.
Đồng thời, bà cũng gây dựng được danh tiếng cho bản thân mình: Một tài năng trong ngành khoa học máy tính, người có khả năng lãnh đạo hoàn hảo, người biết cách bán công nghệ cho những công ty lớn nhất thế giới. Với vị trí của bà trong ngành, Page đã mời Greene vào HĐQT của Google vào năm 2012.
Là một thành viên trong HĐQT, Greene bắt đầu đưa ra lời khuyên về một cơ hội bỏ lỡ: Điện toán đám mây. Ý tưởng về dịch vụ điện toán đám mây cho doanh nghiệp đã có một thời gian và Google đã bắt đầu từ năm 2008, cho phép các startup xây dựng ứng dụng của họ trên mạng lưới của trung tâm dữ liệu (Datacenter-DC). Nhưng vì bị phân tâm theo đuổi nhiều thứ khác như tìm kiếm, bản đồ, xe tự lái,... nên Google chưa bao giờ chú tâm kinh doanh điện toán đám mây cả.
Cũng chẳng vì thế mà điện toán đám mây ngừng phát triển. Rất nhiều các startup như Airbnb, Instagram, Pinterest xây dựng hầu hết các hoạt động của mình trên dịch vụ đám mây cung cấp bởi những công ty khác. Gần đây, các tập đoàn lớn như GE, NBC và Shell đều bắt đầu di chuyển nhiều ứng dụng lên các "đám mây".
Không bỏ lỡ cơ hội này, Google đã để cho Greene phụ trách về mảng điện toán đám mây của công ty. Greene được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu của Google Cloud Platform, cho bà cơ hội xây dựng ngũ bán hàng và chi khoảng 10 tỷ USD vào tăng trưởng năm 2015.
Việc bổ nhiệm này đã đẩy Greene vào vai trò đặc biệt, là thành viên HĐQT Alphabet. Theo nghĩa nào đó thì bà là chủ của Page. Là người đứng đầu của điện toán đám mây, bà làm việc cho CEO Google Sundar Pichai, người dưới quyền Page.
Greene phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Trong khi Google mới khởi động thì Jeff Bezos đã có tiến vang trong ngành từ lâu. Từ năm 2006, ông đã đặt cược vào thứ gọi là Amazon Web Services hay AWS, bỏ qua ngành bán lẻ cốt lõi và nhận được thành công đáng ngạc nhiên. Với hơn 1 triệu khách hàng, AWS có thể đạt doanh thu 10 tỷ USD trong năm nay với lợi nhuận khổng lồ thu được (600 triệu USD trong quý I).
Ngày nay, hoạt động của nhiều công ty chạy trên AWS. Như với Netflix, khoảng 30% băng thông hoạt động ở Mỹ chạy qua AWS. Amazon thích khoe khoang rằng, nhờ có AWS mà việc xây dựng một doanh nghiệp công nghệ cao dễ dàng như lắp ráp một bộ Lego. CTO của Amazon Werner Vogels nói trong một sự kiện tại Las Vegas: “Bất cứ ai cũng có thể quản lý một doanh nghiệp toàn cầu nhờ công nghệ”.
Với sự thống trị của Amazon, cuộc chiến điện toán đám mây chỉ vừa bắt đầu. Các công ty trên thế giới bắt đầu thoải mái hơn với ý tưởng thay thế phần cứng máy tính đắt đỏ họ phải mua bằng cách duy trì mô hình "chi tiêu tùy khả năng". Dự kiến thị trường có thể tăng trưởng từ 370 tỷ USD (hơn 10 lần hiện nay) lên đến khoảng 1.000 tỷ USD.
Không có gì ngạc nhiên khi các siêu cường trong ngành công nghệ "chiến đấu" để giành khách hàng. CEO Satya Nadella của Google đã đặt cược vào kinh doanh điện toán đám mây và mong muốn dịch vụ Azure của mình có thể đứng vị trí số 2, sau Amazon.
IBM cũng như vài thương hiệu khác đều tích cực đầu tư để đảm bảo có một phần của chiếc bánh ngon này. Chắc chắn đây sẽ là cuộc chiến khốc liệt trong nhiều thập kỷ. Greene hiểu rằng mình là kẻ yếu thế nhưng bà nói rằng Google có đủ những thứ để thành công: Sự can đảm, tiền bạc và sức mạnh công nghệ cực lớn.
Tham vọng của Bezos là AWS sẽ lớn mạnh hơn mảng bán lẻ của Amazon. Không một ai, kể cả Bezos từng nghĩ điều này có thể trở thành hiện thực khi ông cùng GĐ điều hành khác ấp ủ kế hoạch về AWS hơn một thập kỷ trước.
Trên nhiều mặt thì đây là ý tưởng thông minh. Amazon đã xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt để lưu trữ dữ liệu và chạy các ứng dụng hỗ trợ hoạt động bán lẻ nhanh chóng của mình. Vậy tại sao không "đóng gói" khả năng này lại và cung cấp lại cho những công ty khác?
Sự ra đời của AWS trùng hợp với sự bùng nổ các startup truyền thông xã hội và di động. Các doanh nhân mới chạy đua xây dựng các ứng dụng, họ cũng không muốn đau đầu lo lắng về việc chạy các server hay hệ thống lưu trữ dữ liệu. Ngay lập tức thì AWS ở thành lựa chọn số 1, điều này duy trì tận đến ngày nay.
Tuy đang củng cố vị trí dẫn đầu ngành nhưng Amazon bắt đầu đối mặt với sự phản ứng dữ dội đi sau thành công vượt bậc. Nhiều công ty trở nên do dự khi sử dụng quá nhiều sản phẩm của AWS, họ lo lắng mình sẽ bị "giam cầm" trong thế giới của Bezos. “Một CIO bắt đầu chú ý khi hóa đơn AWS của họ lên đến 50 triệu USD”, Sam Ramji, CEO của Cloud Foundry Foundation nói.
Trong cuộc đua này, Microsoft biết vị trí của mình, tham vọng của Microsoft là giành vị trí số 2. Chiến lược bán hàng của công ty cho các doanh nghiệp lớn rất đơn giản: Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với các yêu cầu của khách hàng lớn.
Microsoft có 30 năm kinh nghiệm bán hàng cho doanh nghiệp và có sản phẩm được sử dụng rộng rãi như Office 365, có thể được bán kèm với Azure. Thương hiệu này cũng có nhiều vùng dữ liệu toàn cầu hơn, bảo mật tốt hơn cũng như linh hoạt hơn trong lưu trữ dữ liệu.
Microsoft còn có cả chặng đường dài phải đi. Các nhà phân tích đánh giá thị phần của công ty này hiện nay khoảng 9%, chưa bằng ⅓ của Amazon. Hiện Azure tăng trưởng hơn 100% mỗi năm, tăng khoảng 120,000 người sử dụng hàng tháng. Một cuộc thăm dò các CIO và CTO của hơn 300 nhà cung cấp cho thấy Microsoft đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn Amazon những năm trước.
Gần đây, Azure đã có một vài thắng lợi, như là NBC Sport với kế hoạch stream hơn 2.000 sự kiện thế thao tại Thế vận hội mùa hè sử dụng "đám mây" của mình. Nhưng để có thể tiến gần hơn đến Amazon, Microsoft cần khách hàng hiện tại của mình (85% công ty lớn nhất) chi tiêu nhiều hơn mức họ chi trả hiện nay.
Hiện nay, Microsoft đã sẵn sàng cho phép phần mềm của mình có thể chạy trên những nền tảng khác, chứ không phải chỉ duy nhất Windows như nhiều thập kỷ qua. Nếu khách hàng muốn chạy một phần dịch vụ của họ trên server của riêng họ, một phần trên AWS và một phần trên Azure, điều này chẳng vấn đề gì cả.
Salesforce cũng từng cân nhắc Azure trước khi chọn AWS là nhà cung cấp dịch vụ đám mây cho hợp đồng 100 triệu USD/năm trong vòng 4 năm của mình. Amazon và Salesforce đều công khai nói rằng AWS giành được hợp đồng nhờ sức mạnh và sản phẩm hoàn hảo của mình. Nhưng nhiều người tin rằng Microsoft mất hợp đồng chỉ vì đã đánh bại Salesforce trong thỏa thuận 26,2 tỷ USD để có được LinkedIn.
Greene có nhiều việc phải làm để Google có thể đứng cạnh Amazon và Microsoft. Gần đây ngoài việc lưu trữ nền tảng xã hội Snapchat, Google hầu như chẳng làm được gì để thể hiện mình biết cách làm việc với khách hàng quy mô lớn.
Greene đang phải làm thêm giờ để khắc phục điều này, tổ chức lại nhóm để hoạt động như một doanh nghiệp độc lập bên trong Google, tập hợp lại các nhóm tiếp thị, kinh doanh, sản phẩm và kỹ thuật. Họ thu hút khách hàng bằng việc cấp quyền truy cập vào các công nghệ ‘phi thường’ của Google: Phân tích, dịch, nhận dạng giọng nói, bản đồ,...
Công ty đã lôi kéo được các công ty công nghệ có nhu cầu dữ liệu lớn như Spotify, một khách hàng của AWS đã chuyển sang nền tảng của Google trong năm nay. Hiện công ty này cũng đang ký kết với các tập đoàn lớn như Coca-Cola và Disney bằng lợi thế của mình.
Rất nhiều khách hàng sử dụng Google cho dữ liệu trong khi vẫn đặt một số ứng dụng quan trọng tại Amazon và Microsoft. CTO của Coca-Cola Alan Boehme nói: “Lợi thế là sự linh hoạt”. Trong khi tất cả các công ty khác dùng các ưu đãi bán hàng như giảm giá, dùng thử miễn phí sản phẩm mới, hỗ trợ kỹ thuật,... thì Google lại dùng cách khác để có được thị phần.
Công ty đang nỗ lực thu hút các khách hàng doanh nghiệp lớn từ Amazon với 01 năm dịch vụ miễn phí. Google đang thể hiện sự kiên nhẫn khác thường khi toàn lực hỗ trợ Greene xây dựng những mỗi quan hệ mà ngay cả bà cũng thừa nhận việc này có thể mất nhiều năm.
Nhiều khả năng là Microsoft sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho vị trí đầu ngành của Amazon trong dài hạn. Do lãi từ Azure cao nên đội ngũ lãnh đạo nhận ra tầm quan trọng chiến lược của điện toán đám mây trong toàn bộ doanh nghiệp. Công ty dần dần bỏ sự độc quyền của Windows và có tổ chức bán hàng cũng như mạng lưới đối tác để đối đầu cùng Amazon.
Điểm hạn chế của AWS là dịch vụ đôi lúc khá đắt đỏ. Trong khi các công ty trong ngành đều lo sợ sức mạnh của Google và Microsoft thì Amazon cũng không ngoại lệ. Sự thống trị thị trường bán lẻ khiến AWS khó chịu với một vài công ty. Người khổng lồ TMĐT của Trung Quốc đã có bộ phận điện toán đám mây của riêng mình, Walmart cũng công bố dự án điện toán đám mây mã nguồn mở với tên gọi OneOps hồi đầu năm.
Trừ khi Amazon đi sai hướng, thật khó để nhìn thấy một công ty khác đạt mức doanh thu 100 tỷ USD. Nhưng nếu Google thể hiện được khả năng thực và Microsoft có thể thu hẹp khoảng cách một chút thì họ cũng sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến theo kịp Amazon.
Khi được hỏi liệu Azure có nghĩ sẽ giành được vị trí đứng đầu trong ngành, Scott Guthrie của Microsoft nói: “Hy vọng rằng người chiến thắng thực sự của tất cả những cuộc đua này là khách hàng".
CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ