Doanh nhân Minh 'nhựa': Nhựa Long Thành không vay một đồng bạc nào của ai
Phạm Trần Nhật Minh cho rằng Long Thành đủ bản lĩnh để cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập TPP.

 công ty gia đình, Nhựa Long Thành, Phạm Trần Nhật Minh, thương hiệu vàng bạc đá quý việt nam, thương hiệu vàng quốc gia việt nam, thương hiệu vàng quốc tế, thương hiệu vàng hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu vàng asean, thương hiệu vàng đông nam á

Doanh nhân trẻ Phạm Trần Nhật Minh, người từng được biết đến nhiều hơn với biệt danh Minh “nhựa” và là chủ sở hữu những chiếc siêu xe đình đàm như Bugatti Veyron nay đang đảm đương trọng trách Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Nhựa Long Thành ở tuổi 32.

Minh “nhựa” nhận định việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) một thách thức lớn buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong ngành nhựa nói riêng, khi phải nhanh chóng “chuyển mình” nếu không muốn bị mất thị phần và thua ngay trên sân nhà.

Dù Nhựa Long Thành vẫn là một công ty gia đình nhưng Phạm Trần Nhật Minh tự tin rằng công ty do ba anh là ông Phạm Văn Mười gầy dựng nên từ một cơ sở sản xuất nhỏ vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước đủ bản lĩnh để cạnh tranh trong bất kì cuộc chiến nào, kể cả sân chơi TPP đầy thách thức.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi gia nhập TPP các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Vậy theo anh, khi Việt Nam gia nhập TPP, đây sẽ là cơ hội hay thách thức đối với ngành nhựa nói riêng?

Theo quan niệm của tôi, một môi trường có cạnh tranh là một môi trường tiến bộ. Tôi thấy đó là cơ hội. Khi doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì họ sẽ là người góp phần tạo ra “luồng gió mới”, nhu cầu mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cứ lấy một ví dụ, khi Starbucks hay McDonald’s thâm nhập thị trường Việt Nam, người dân trong nước lúc đầu chưa biết ngon hay dở nên phải uống thử, ăn thử…

Với ngành nhựa cũng thế, mình sản xuất ra một sản phẩm, người ta nghĩ đó là sản phẩm bình thường cho những nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp nhựa nước ngoài vào, có thể họ sẽ thay đổi suy nghĩ sử dụng hàng nhựa của người tiêu dùng trong nước. Và lúc này, hóa ra nhựa không phải là sản phẩm đơn giản. Những sản phẩm mới lạ, tinh xảo được làm từ nhựa, giá lúc này có thể đắt hơn thủy tinh hay những vật liệu cao cấp khác.

Thường thì “nhập gia tùy tục”, theo ông sẽ có khó khăn gì cho doanh nghiệp nước ngoài khi họ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, dù thuế suất bằng 0%?

Tôi cho rằng, đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nước ngoài nào vào Việt Nam cũng thành công như mong đợi. Có thể họ có vốn mạnh hơn mình, thương hiệu họ mạnh hơn mình nhưng văn hóa làm việc tại Việt Nam chưa chắc họ bằng mình. Lúc này Việt Nam mặc định là sân nhà của mình và là sân khách của họ.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, hầu hết các công ty nhựa tại Việt Nam đều là công ty gia đình, quy mô cũng như năng lực quản lý thường được đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, khả năng “chuyển mình” chậm. Anh có thấy đây là một vấn đề lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa trong nước hay không?

Nếu nói như vậy thì mình cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, thực ra có rất nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới xuất phát từ cái nôi gia đình như: Wal-Mart, Toyota, Ford, Peugeot, Samsung, Benetton, Hyundai… Và tôi nghĩ, thiếu chuyên nghiệp là chuyện rất bình thường đối với một công ty gia đình, nhưng công ty gia đình sẽ có những thế mạnh không thể thay thế. Và thế mạnh lớn nhất là họ dễ thành công trong việc chuyển giao quản lý qua thế hệ kế tiếp.

Hạn chế lớn nhất của công ty gia đình là có thể họ thiếu quan tâm đến tương lai của nền kinh tế và khó đổi mới trước sự chuyển mình quá nhanh của xu thế. Các công ty gia đình trong ngành nhựa Việt Nam cũng không thoát khỏi hạn chế này và đó thực sự là một vấn đề lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa trong nước khi gia nhập TPP.

Nhựa Long Thành cũng là một công ty gia đình, vậy vấn đề chung của ngành nhựa có phải là vấn đề của Nhựa Long Thành hay không, thưa ông?

Nhựa  Long Thành là một công ty gia đình nhưng có cái hơn và cũng là may mắn của chúng tôi khi chúng tôi học hỏi được cách quản lý của các tập đoàn đa quốc gia.  Đối tác của Nhựa Long Thành là các tập đoàn đa quốc gia thuộc mọi lĩnh vực.

Khi chọn một nhà cung cấp làm đối tác thì họ sẽ đào tạo, huấn luyện quy trình cho nhà cung cấp đó để sản xuất sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, dù là công ty gia đình nhưng Nhựa Long Thành quản trị theo mô hình của các công ty lớn trên thế giới. Hiện tại, Nhựa Long Thành đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 do Quacert và Bureau Veritas cấp.

Thời gian gia nhập vào TPP không còn nhiều nữa, vậy Nhựa Long Thành đã chuẩn bị gì cho cuộc cạnh tranh mới này?

Để cạnh tranh thì có rất nhiều thứ phải chuẩn bị.

Vốn là vấn đề lớn mà tất cả doanh nghiệp nhựa Việt Nam rất lo lắng. Nhưng có thể nói, vốn là một thế mạnh của chúng tôi và tôi dám khẳng định rằng, đến bây giờ Nhựa Long Thành không vay một đồng bạc nào của ai cả.

Thế mạnh thứ hai là công nghệ, trang thiết bị đầu tư, Nhựa Long Thành nổi tiếng là một nhà đầu tư công nghệ rất mạnh tay trong ngành nhựa từ xưa đến nay.

Thứ ba, chúng tôi đang có định hướng, tạm gọi là “kế hoạch 15 năm” với quy mô nhà máy mới khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại tiên tiến và hệ thống phần mềm đứng hàng đầu trên thế giới.

Tôi không thể “móc ruột” để chia sẻ chiến lược hành động, nhưng với vị trí là người định hướng và lên chiến lược lâu dài cho Nhựa Long Thành, tôi có niềm tin rằng Nhựa Long Thành đủ bản lĩnh để cạnh tranh trong bất kì cuộc chiến nào. Chúng tôi đã chinh phục được thị trường trong nước và nhiều thị trường nước ngoài kể cả Thái Lan - thủ phủ ngành nhựa, kể cả Mỹ - thị trường tiêu thụ khó tính bằng các sản phẩm pallet, sóng, két nhựa, thùng rác, thùng giữ lạnh… chất lượng vẫn chưa đủ để nói lên sức mạnh của Nhựa Long Thành.

Điều đáng tự hào là trong hơn 1.000 công ty nhựa (số liệu 2014 của Tổng cục Thống kê - PV), các thương hiệu và tập đoàn lớn như: Samsung, Coca-Cola, Pepsi, Tribeco, Lavie, Sai Gon Bia, Sapporo, Heineken, Mỹ Hảo, Tân Hiệp Phát, Masan, Mobil, Syngenta, Bayer… đã tin chọn Nhựa Long Thành làm đối tác chiến lược trong nhiều năm qua.

Theo anh, những bí quyết gì làm nên thành công của Công ty Nhựa Long Thành hiện tại và trong tương lai?

Để làm nên được kỳ tích đó, chất lượng và chữ tín luôn được Nhựa Long thành đặt lên hàng đầu. Chữ tín khẳng định bởi chất lượng sản phẩm được kiểm định chặt chẽ qua nhiều khâu trước khi đến tay khách hàng, đảm bảo mọi sản phẩm đến tay khách hàng đều là sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn. Chữ tín là tác phong chuyên nghiệp xuyên suốt quá trình làm việc với đối tác: tư vấn đúng, sản xuất sản phẩm đúng yêu cầu đối tác đưa ra, giao hàng đúng thời gian thỏa thuận, đi kèm dịch vụ bảo hành và sửa chữa tốt.

Văn hóa doanh nghiệp của Nhựa Long Thành là văn hóa nghĩa tình. Hiện tại, tổng số nhân viên của Nhựa Long Thành gần 1.000 người. Đặt hiệu quả công việc lên trên hết nhưng ban giám đốc không chỉ nhìn vào kết quả mà bỏ mặc nhân viên tự xoay xở các vấn đề khó dễ của mình. Ngược lại, Ban giám đốc đóng vai trò như một người hướng dẫn kiên nhẫn – kiên nhẫn giải thích tường tận các câu hỏi tại sao, như thế nào để nhân viên hiểu được bản chất của vấn đề và giỏi lên từng ngày. Đối với công nhân của mình, tôi chỉ có một lời khẳng định là chắc chắn, tôi có nghèo nhất cũng không để công nhân của tôi đói.

Long Thanh Plastic là cũng là công ty tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật mới để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bằng chứng là trong đầu năm 2015, Long Thanh Plastic đã tung ra dòng sản phẩm sóng nhựa mới được áp dụng công nghệ sản xuất két nhựa của các đối tác chiến lược như Cocacola, Pepsi, Heneiken, Tiger…

Vừa qua, Nhựa Long Thành đã ra mắt website 3D nhằm đẩy mạnh kênh thương mại điện tử, anh có thể cho biết những ưu điểm của dự án này?

Ngày 17-7-2015 vừa qua, Long Thanh Plastic đã tung ra “át chủ bài” website 3D đầu tiên trong ngành nhựa tại Việt Nam. Điểm ưu việt nhất của website mới là ứng dụng thông minh của công nghệ 3D đa chiều trong mô phỏng sản phẩm nhựa thực. Tính năng xem phối cảnh sẽ hỗ trợ khách hàng dễ dàng hình dung mô hình thực tế từ cấu trúc tổng quát cho đến những thiết kế chi tiết ở mọi góc độ của vật thể với hình ảnh cực nét.

Chỉ một cú nhấp chuột nhanh, longthanhplastic.com sẽ mang cả showroom rộng lớn chứa đầy thông tin hữu ích, những hình ảnh thực tế, đa chiều của các sản phẩm nhựa đến trước mắt người dùng mà không cần tốn nhiều công sức tìm kiếm. Website thông minh này là một trong nhiều dự án kinh doanh nổi bật nhất mà công ty đầu tư, phát triển.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Duy Khánh

Theo Trí Thức Trẻ