Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan Nhà nước, trường Đại học, Viện nghiên cứu, đại diện các tổ chức, đoàn thể, đại diện các cơ quan Lãnh sự của Nga, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Thái Lan, Nam Phi tại TP.HCM. Đặc biệt, có 20 diễn giả uy tín quốc tế tham gia trình bày, đó là các chuyên gia về luật quốc tế, luật biển quốc tế và quan hệ quốc tế đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Nga, Australia, Philippines, Nhật Bản, Vương quốc Bỉ và Việt Nam như: GS.TS. Erik Franckx - Trường khoa Luật quốc tế và Luật Châu Âu, Đại học Vrije Brussel (Bỉ), thành viên Toà trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan; GS.TS.Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia; PGS.TS. Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines (UP); GS.TS.Donld Rodthwell - Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia; TS. Pavel Gudev - Viện nghiên cứu Primakov về kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO), Liên bang Nga; GS. Gregory Rose - Đại học Wollongong, Australia; GS.TS. Hideo Yamagata - Đại học Nagoya, Nhật Bản; …
Hội thảo tập trung vào các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Các tham luận tại hội thảo được tập trung luận bàn trên cơ sở khoa học các vấn đề pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền, quy tắc tố tụng và giá trị phán quyết của Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, đặc biệt là phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc ngày 12/07/2016, đã được đánh giá, bình luận những ảnh hưởng, tác động về chính trị, pháp lý và quan hệ quốc tế của phán quyết này đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới, cũng như cơ chế thực thi phán quyết trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”.
Đây cũng là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, các học giả làm sáng tỏ vị trí pháp lý, bản chất, vai trò, thủ tục giải quyết tranh chấp; giá trị pháp lý của phán quyết cũng như ảnh hưởng và tác động về chính trị, pháp lý, quan hệ quốc tế của phán quyết trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII trong bối cảnh quốc tế ngày nay. Những vấn đề pháp lý và thực tiễn trên đã được các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo phân tích, bàn luận dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế thông qua 3 phiên hội thảo. Cụ thể: Phiên 1: Tổng quan về cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 – Phân tích, bình luận tổng quan về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982, đặc biệt là các quy định về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp tài phán; đánh giá vai trò của các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982. Phiên 2: Những vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phục VII của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 - Tập trung vào các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến Trọng tài luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 như: cách thức thành lập trọng tài; thẩm quyền của Trọng tài; giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài; đặc biệt là phân tích, bình luận sâu về thẩm quyền của Trọng tài và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài ngày 12/7/2016 với vụ Philippines kiện Trung Quốc; bình luận về các lập luận của Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Trọng tài trong vụ kiện này. Phiên 3: Những ảnh hưởng và tác động của phán quyết trọng tài trong vụ kiện Philippines và Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới - Phân tích, luận bàn về các ảnh hưởng và tác động của vụ kiện Philipines - Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới về các mặt: chính trị, pháp lý, tự do hàng hải, tự do hàng không và quan hệ quốc tế; đặc biệt là những ảnh hưởng và tác động của phán quyết ngày 12/7/2016 đối với các nước ASEAN nói chung và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nói riêng, trong đó có Việt Nam.
GS.TS.Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM, trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: Ngày 30/04/1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS 1982) đã được thông qua tại New York và mở cho các quốc gia ký tại Montego Bay – Jamaica ngày 10/12/1982. Tính đến ngày 1/01/2016 đã đó 167 quốc gia tham gia UNCLOS 1982. Trong hệ thống pháp luật hiện quốc tế hiện hành, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế đa phương đồ sộ nhất, và là nền tảng pháp lý để các quốc gia xác lập và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc giá ở nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như các quyền, tự do khác ở biển quốc tế và đáy đại dương. Đặc biệt, UNCLOS 1982 đã dành 27 trong 320 điều và 4 trong 9 Phụ lục quy định chi tiết các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng chính trị - ngoại giao và biện pháp tài phán với 74 điều.
Các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng giải quyết hoà bình các tranh chấp biển. Trong đó, Trọng tài được thanh lập theo Phụ lục VII là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán mềm dẻo, linh hoạt ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới lựa chọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS 1982. Trong gần 15 năm trở lại đây đã có 12 vụ tranh chấp đã và đang được giải quyết bằng thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 182, cụ thể là: Vụ Malaysia – Singapore năm 2003; Vụ Barbados – Trinidad và Tobago năm 2004; Guyana – Suriname năm 2004; Bangladesh - Ấn Độ năm 2009; Mauritius – Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len năm 2010; Argentina – Cộng Hoà Gana năm 2012; Cộng hoà Malta – Cộng hoà São Tomé-et-Príncipe năm 2013; Timor Leste – Australia năm 2013; Croatia – Slovenia năm 2013; Hà Lan – Nga năm 2014; Italia – Ấn Độ năm 2015 và đặc biệt là vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 22/01/2013. Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Trọng tài và từ chối tham gia vụ kiện, nhưng ngày 29/10/2015 Toà trọng tài đã ra phán quyết khẳng định Tòa có thẩm quyền và ngày 12/7/2016 Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện này. Phán quyết này mang ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, có tác động rất lớn tới tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cách xử lý của Tòa trọng tài cũng như các tác động của phán quyết ngày 12/7/2016 là một việc làm rất cần thiết đối với VN trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo này, các diễn giả đã thảo luận về những ảnh hưởng, tác động của phán quyết của Tòa trọng trọng tài trong vụ kiện của Philippines - Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Cụ thể, đối với các quốc gia trong khu vực biển Đông, thì vụ kiện này sẽ có 03 tác động lớn như: (1) Là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trong khu vực điều chỉnh quan điểm, yêu sách và cách thức tiếp cận rõ ràng hơn về mặt pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai; (2) Là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia có tranh chấp biển trong khu vực nghiên cứu, áp dụng để giải quyết tranh chấp hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai; (3) Đây cơ hội để Việt Nam cùng với các quốc gia trong khu vực biển Đông có thêm cơ sở pháp lý và động lực để bác bỏ các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền trái pháp luật quốc tế trên biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác mới cho các quốc gia trong khu vực hợp tác để quản trị biển Đông một cách hòa bình, ổn định và phát triển.
Còn đối với cộng đồng quốc tế, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện này cũng có 3 tác động lớn như: (1) Phán quyết của Tòa trọng tài là đòn bẩy về vai trò của luật quốc tế đối với sức mạnh tập thể để khỏa lấp cho những bất lợi từ những cam kết song phương; (2) Phán quyết đã góp phần giải thích, làm sáng tỏ các quy định của UNCLOS, đặc biệt là quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý trên biển gồm bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, đảo/đá; (3) Phán quyết đã góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và UNCLOS của các quốc gia liên quan đến các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài quốc gia đối với các cấu trúc địa lý trên biển và các vùng biển.
Đặc biệt, Hội thảo cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết, đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan trên biển Đông. Đồng thời, hợp tác hiệu quả với Trung Quốc để xây dựng khu vực Đông Nam châu Á hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Hội thảo cũng đã nhận được sự đồng thuận với quyết định thành lập “Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Biển” của Trường Đại học Luật TP.HCM nhằm thực hiện tốt hơn nữa sứ mạng giảng dạy, nghiên cứu và truyền bá Luật biển quốc tế và luật biển Việt Nam của cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật hàng đầu của Việt Nam.
T.Lan