Doanh nhân Nguyễn Thị Thy Phương và mẹ - Ảnh: Thanh Phong
Khi được hỏi về tình cảm của cha mẹ dành cho con, mẹ chị Nguyễn Thi Thy Phương chỉ đáp ngắn gọn: tình cảm của cha mẹ dành cho con thì không bút nào tả hết. Còn ba chị, người là chỗ dựa cho vợ con những ngày tháng khó khăn thì vẫn nhớ như in quãng thời gian vất vả làm lụng nuôi con ăn học.
Doanh nhân Nguyễn Thị Thy Phương và ba - Ảnh: Thanh Phong
Nhắc lại những ngày tháng cơ hàn, cha của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thy Phương vẫn không giấu được những bùi ngùi. Khi chị Phương lên lớp 8 thì gia đình gặp biến cố, kinh tế gia đình đi xuống nghiêm trọng. Cái ăn, cái mặc của cả một gia đình dường như quá sức với đôi vai gầy guộc của người đàn ông xứ Quảng, trụ cột của gia đình. Khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn là dấu tích còn lại của những tháng ngày lao động cực nhọc, bòn mót từng đồng để dành dụm cho vợ cho con. Đã có lúc quá mệt mỏi, ông bảo con nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng cô con gái Nguyễn Thị Thy Phương của ông thì cứ năn nỉ ba để được đi học. Thương con ông lại tự nhủ với lòng mình: thôi, ráng thêm chút nữa, rồi tới đâu hay tới đó. Đôi dòng nước mắt của ông lão gần 70 tuổi trực trào ra khi nhớ về những ngày tháng tưởng như chưa xa lắm. Ngày đó, nếu ông không “ráng thêm chút nữa” thì giờ đây chắc gì trong ngành in đã có một nữ doanh nhân thành đạt Nguyễn Thị Thy Phương, giám đốc Công ty in Lâm Kiến Vân để cho ông và cả gia đình tự hào?!
Gia đình nhỏ của doanh nhân Nguyễn Thị Thy Phương, Giám đốc Công ty in Lâm Kiến Vân - Ảnh: Thanh Phong
Nguyễn Thị Thy Phương vào đậu đại học, ông vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình học hành giỏi giang, điều kiện gia đình không bằng người ta nhưng học hành thì lại không thua ai cả, xem điểm thi cho con mà ông không tin nổi vào mắt mình. Còn nỗi lo thì cũng không phải là nhỏ. Ba năm Thy Phương học cấp 3, ông đã phải khăn gói xa nhà đi làm thuê trong Sài Gòn, giờ thêm 4 năm đại học nữa, biết xoay sở thế nào đây? Không nỡ để cho con phải nghỉ học, ông lại tự nhủ mình “ráng thêm chút nữa” cho tương lai của con thêm rộng mở.
Nhưng cô con gái yêu của ông không để ông phải nuôi hết 4 năm đại học. Năm thứ 2 của đại học, Nguyễn Thị Thy Phương đã cùng với bạn bè mua hàng về bán lại kiếm lời, lấy tiền trang trải học phí và sinh hoạt. Không những kiếm đủ tiền tự lo cho bản thân, chị Phương còn có tiền gửi về phụ giúp cho cha mẹ khi vẫn còn chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Thương cha mẹ, không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình, với bản tính thông minh, nhạy bén vốn có, chị luôn cố gắng làm việc, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình với khát vọng thoát nghèo, vừa để lo cho tương lai của bản thân, vừa để giúp đỡ người thân, vừa làm giàu cho xã hội.
Cha mẹ chị vất vả, không có điều kiện để dạy dỗ gì nhiều cho các con. Thành công ngày hôm nay của chị là do chị tự thân vận động, cha mẹ không giúp được gì nhiều, nhưng cả cuộc đời sống chân chất, lương thiện của cha mẹ chính là bài học làm người quý giá nhất mà cha mẹ đã dạy cho chị, để khi bước vào kinh doanh, chị cũng phục vụ khách hàng một cách chân tình.
Hai cô cháu gái xinh xắn, dễ thương luôn là niềm vui cho ông bà ngoại
Khi có gia đình, sinh con chị càng hiểu tấm lòng cha mẹ dành cho con. Chị luôn lấy bản thân mình ra làm tấm gương cho các con học tập. Chị tạo mọi điều kiện cho các con có thể học tập tốt nhất. Nhưng với chị, tốt nhất không có nghĩa là phải tốn nhiều tiền. Vẫn chưa quên những ngày tháng khó khăn của gia đình, chị không chiều chuộng con theo kiểu con nhà giàu muốn gì được nấy. Hai cô con gái của chị hàng ngày vẫn đi học tại một trường công lập như bao bạn bè khác mặc dù chị có đủ điều kiện để gửi con vào học trong những ngôi trường đẳng cấp hơn. Chị mong con không có thói quen đua đòi, biết sống hòa đồng với các bạn nghèo khó hơn mình, biết vâng lời cha mẹ.
Với cha mẹ ruột cũng như cha mẹ chồng, chị luôn chu toàn. Mặc dù các cụ đều sinh sống ngoài Đà Nẵng, thỉnh thoảng mới vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con cháu, nhưng lần nào cha mẹ vào thăm, mặc dù công việc rất bận rộn chị cũng cố gắng sắp sếp thời gian chăm sóc, tạo cho các cụ những niềm vui những mong cha mẹ có thể sống lâu, sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
Mùa Vu Lan báo hiếu, chị hạnh phúc khi vẫn còn đủ cả cha lẫn mẹ để được quan tâm, phụng dưỡng và để cho cha mẹ chứng kiến từng bước trưởng thành của bản thân. Với chị, như vậy là hạnh phúc. Hiếu thảo với cha mẹ hôm nay cũng chính là lời răn dạy thiết thực nhất cho các con biết ơn ông bà, cha mẹ, sống làm một người con hiếu nghĩa.
Viết Cương - Phật Giáo và Doanh Nhân