Bảng quảng cáo dầu cù là Mac Phsu, chánh gốc Miến Điện trong một chợ ở Sài Gòn
Đó là sự lưu vong của hoàng tử Myingun sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Điện ở Mandaday, miền bắc Miến Điện.
Ông hoàng này được Pháp coi là có thể dùng sau này để tranh giành ảnh hưởng với người Anh ở Siam (Thái Lan). Myingun Min trốn khỏi Miến Điện sau cuộc khởi loạn ở Mandalay vào năm 1866. Theo báo Le Temps, Myingun đến Sài Gòn vào đầu tháng 11.1889. Ông sống lưu vong 32 năm ở Sài Gòn.
|
|
Người Nam bộ xưa kia gọi nước Miến Điện là Cù Là. Vào cuối thế kỷ 19, người Cù Là (Miến Điện) đã đến miền Tây buôn bán. Ở gần Rạch Giá, có xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số, nơi họ đến định cư và buôn bán. Xóm Cù Là ở Rạch Giá ngày nay vẫn còn tên.
|
|
|
Theo Niên giám Đông Dương 1908, Myingun có địa chỉ ở đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng): “128. M. Mingonn, prince de Birmanie”. Nhưng Niên giám 1909 không thấy tên và Niên giám 1910 cũng trên đường Paul Blanchy nhưng ở số “142. Th. J Myngoon, prince de Birmanie fils”. Niên giám 1911 cho biết Myingun trú ngụ ở số 90 đường Legrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ): “90. rue Legrand de Liraye, Myngoon, prince de Birmanie”. Niên giám 1912 thì lại ghi là ở số 192 trên cùng đường.
Lúc đầu, tạm thời người Pháp cho hoàng tử Myingun trú ngụ trong khi tìm một cơ hội có thể dùng ông được, và cung cấp cho ông một số tiền để sinh sống. Có thể những địa chỉ trên là chỗ của gia đình ông và con cháu của ông ở Sài Gòn. Myingun Min có ba vợ, trong đó có một người là người Việt, ông để lại các con cháu ở Sài Gòn khi ông mất tại đây vào ngày 20.9.1921.
Bài đăng trên báo The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser ngày 16.9.1893 của Tsaw Hla Phroo đã viết về cuộc phỏng vấn của một người Miến vùng Tenassarim với ông hoàng Myingun. Nhân vật người Miến Điện này đã tả khu phố Chợ Lớn lúc bấy giờ nối với thành phố Sài Gòn qua hai phương tiện giao thông: đường thủy qua các ghe đò và bằng chuyên chở công cộng qua các xe “tram” chạy bằng hơi nước đỗ ở các trạm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Vé đi xe “tram” có ba hạng: hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Ông đi Chợ Lớn và ở đây ông đã gặp hoàng tử Myingun. Myingun mặc âu phục nhưng trên đầu vẫn mang khăn đầu “gaung baung” truyền thống Miến Điện. “... Myingun đã hỏi tôi tin tức về các bộ trưởng trước đây trong triều đình, tình hình chung ở Miến Điện và người dân Miến nghĩ gì về ông hoàng Myingun. Tôi đã trả lời là người dân Miến hầu như không còn nhớ đến Myingun, và cho rằng Myingun không thể có hy vọng gì giành lại đất nước ra khỏi tay người Anh khi mà chính Myingun cũng không làm được gì với cha của mình. Đến đây thì Myingun đã ngắt lời tôi, nói rằng không phải bất cứ cố gắng nào cũng dẫn tới thành công, và ông đang mong đợi sẽ lấy lại được Miến Điện ra khỏi tay người Anh với sự trợ giúp của người Pháp, mà họ đã hứa với Myingun khi Pháp có chiến tranh với Anh...”.
Sau này như ta biết, Pháp không muốn gây khó khăn với Anh và trở thành đồng minh với Anh trong những năm đầu thế kỷ 20 đến hết Thế chiến thứ nhất. Số phận của ông hoàng Myingun trở thành một quá khứ quên lãng của người Pháp.
Dầu cù là Miến Điện
Ngài Mahasi Sayadaw, nhà sư nổi tiếng của Miến Điện trong thế kỷ 20 (1904 - 1982), đã có dịp ghé Sài Gòn theo lời mời của bà Daw Phyu, con gái của hoàng tử Myingun. Tài liệu về tiểu sử Sayadaw viết: “Bà Daw Phyu là một thương gia có thế lực ở Việt Nam và rất giàu có. Bà lập gia đình với một người Việt Nam và có các con trai và gái và các cháu nội ngoại. Bà sản xuất, phân phối và buôn bán dầu trị bệnh. Cũng giống như dầu “Tiger Balm” nổi tiếng ở Miến Điện, dầu (cù là Mac Phsu) của bà Daw Phyu được ưa chuộng ở khắp Đông Dương. Dầu “Tiger Balm” có màu đỏ, trong khi đó dầu của bà Daw Phyu ở Đông Dương có màu xanh lá cây. Mục đích chính của sự thỉnh mời đoàn viếng Việt Nam là bà muốn nhờ nhà sư Sayadaw đọc kinh parittas (kinh đọc dùng để xua đuổi ác tà và được công quả) tại mộ của cha bà là vị hoàng tử quá cố Myingun (theo như phong tục của phật tử Miến Điện ở lễ chôn cất)”.
Những người sống ở Sài Gòn vào khoảng thập niên 1960 đều biết đến dầu cù là màu xanh hiệu Mac Phsu. Dầu bạc hà Mac Phsu, cũng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín, rất phổ thông được nhiều tầng lớp dân chúng dùng ở khắp miền Nam.
Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, Q.1), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài.
(Trích từ Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người, NXB Văn hóa - Văn nghệ)
Nguyễn Đức Hiệp