Tại sao có tên 'Hòn ngọc Viễn Đông'?
Cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đầu tiên sử dụng cho toàn cõi vùng đất Đông Dương, sau này không ít người ghép nó với danh xưng Sài Gòn là vùng đất đầu tiên người Pháp chiếm được ở Đông Dương giữa thế kỷ 19.

Ăn chơi về đêm tại Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” thời Pháp

Từ tham vọng ban đầu của các đề đốc hải quân Pháp muốn biến Sài Gòn thành một tiền đồn thịnh vượng, kinh qua hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, thành phố mang tên mới Hồ Chí Minh đang vượt lên thành trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam và đang có xu thế hình thành một đại đô thị nằm tại ngã ba đường giao thương quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.

Tôi vào học ở Sài Gòn giữa những năm 1950. Ở khu trung tâm thành phố, các ngôi biệt thự vẫn là các villa kiểu Pháp giống như ở Đà Nẵng hoặc Huế nơi tôi lớn lên, nhưng thật sự tôi choáng ngợp trước các tòa dinh thự công quyền đồ sộ và uy nghi của một thủ phủ, to lớn hơn rất nhiều công trình đã từng nhìn thấy trước đó, với các đại lộ rộng, trồng cây thẳng tắp, ngăn nắp, trật tự, công viên xinh đẹp có mặt khắp nơi...

Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến danh xưng và phần nào cảm nhận hết ý nghĩa của nó: Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông”.

“Hòn ngọc Viễn Đông”?

Trước tiên thử xét đến cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong quyển sách France in Indochina: Colonial Encounters (Nước Pháp ở Đông Dương: các cuộc đụng đầu thuộc địa), xuất bản năm 2001, tiến sĩ Nikki Cooper, Đại học Bristol, giải thích quá trình Pháp chiếm Đông Dương làm thuộc địa như sau:

“Quá trình thực dân hóa nhiều vùng lãnh thổ khác nhau mà sau này tạo nên xứ Đông Dương thuộc Pháp diễn ra trong nhiều năm.

Người Pháp trước tiên chinh phục ở phần đất phía nam tại Nam kỳ trong thập niên 1860. Suốt 30 năm tiếp theo, nước Pháp đã vững vàng tiến lên phía bắc, chiếm thêm Trung kỳ, Bắc kỳ và cả Campuchia lẫn Lào. Các vùng đất này đã được chính thức gộp chung lại dưới tên gọi “Đông Dương thuộc Pháp” vào năm 1885.

Mong muốn tạo lập một đế chế thuộc Pháp tại Đông Nam châu Á ấy, đã phần nào tạo động lực ganh đua với đế quốc Anh. Đông Dương thuộc Pháp được dự kiến sẽ cạnh tranh với Ấn Độ thuộc Anh.

Pháp tạo ra “Hòn ngọc Viễn Đông” để đối ứng với Ấn Độ mà Anh “tấn phong” là “viên châu báu trên vương miện”.

Như vậy cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” đầu tiên sử dụng cho toàn cõi vùng đất Đông Dương, sau này không ít người ghép nó với danh xưng Sài Gòn là vùng đất đầu tiên người Pháp chiếm được ở Đông Dương giữa thế kỷ 19.

Danh xưng có lẽ muốn vừa nói đến thực chất tươi đẹp và thịnh vượng của Sài Gòn, cũng vừa mang tính chất tượng trưng lẫn định hướng phát triển.

Ý đồ ban đầu của thực dân Pháp là đầu tư mạnh mẽ vào Sài Gòn, có quy hoạch xây dựng phù hợp để thành phố này trở thành thủ phủ của Đông Dương; nhưng thật sự là không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là thành phố được đánh giá số 1 của cả khu vực Đông Nam Á vào thời điểm đó.

Tại sao có tên “Hòn ngọc Viễn Đông”?
Logo (huy hiệu) của TP Sài Gòn từ năm 1870

Bừng sáng giữa vùng rừng ngập nhiệt đới

Xưng tụng Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông” còn mang nhiều yếu tố tâm lý của khách lữ hành phương Tây.

Anh bạn kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn có lối lý giải khá độc đáo: “Sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng trời, từ hải cảng Marseille miền nam nước Pháp qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước.

Cung cuối chặng đường khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm, chuyến hải trình theo sông Lòng Tàu xuyên qua rừng đước Cần Giờ, một thứ rừng ngập mặn nhiệt đới mà nhiều người châu Âu chưa gặp bao giờ, cảm giác xa lạ tưởng như càng đi càng xa thế giới văn minh phương Tây quen thuộc.

Trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, bỗng một chiều bừng sáng một thành phố mang nét phương Tây ngay khi tàu cập cảng Sài Gòn.

Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái xuân thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là “Hòn ngọc Viễn Đông” đâu có gì lạ...

Dĩ nhiên, nó hoàn toàn không là hòn ngọc với thợ thuyền xưởng đóng tàu Ba Son, cu li bốc vác cảng Sài Gòn, phu xe kéo và đông đảo người dân bản xứ mang trên mình bản án nô lệ, kẻ mất nước!

Vậy thì “Hòn ngọc Viễn Đông” với những dấu ấn thuộc địa chẳng có gì đáng tự hào sao lại là mơ ước của một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh năng động ngày hôm nay, từng tạo nên những giá trị tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước cách đây 30 năm?”.

Như vùng đất hứa

Huy hiệu Sài Gòn đã nói lên ý hướng phát triển của thành phố thời thuộc địa Pháp. Huy hiệu (logo) đó khắc hình con cọp và cây cảnh Sài Gòn, dưới ghi câu tiếng Latin “Paulatim Crescam” (“Từ từ tôi sẽ phát triển lên”) do Hội đồng thành phố Sài Gòn duyệt năm 1870, làm phù điêu treo ở phòng khánh tiết Dinh xã Tây (Tòa thị chính Sài Gòn) vào năm sau đó. Từ ấy, Sài Gòn không chỉ phát triển từ từ, mà còn phát triển vượt bậc vào hàng nhất nhì trong số các thương cảng thuộc địa Pháp.

Thời gian này nước Pháp đang kinh qua đế chế Napoleon III với nhiều tham vọng thi đua cùng các cường quốc châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ... chiếm lĩnh thuộc địa.

Ý đồ này càng mạnh mẽ hơn với sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản công nghiệp thời cộng hòa khát khao các nguồn nguyên liệu, thị trường các năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Một khi đã chiếm lĩnh toàn bộ Đông Dương, người Pháp xây dựng Sài Gòn thành thủ phủ phía Nam, chủ yếu nhằm khai thác nguồn tài nguyên, nhân lực và thị trường rộng lớn một vùng đất gồm Đông Dương, Đông Nam Á và cả miền Hoa Nam của Trung Quốc. Sài Gòn đón nhận những con người năng động nhất đến từ khắp nơi, tìm cách làm giàu ở thương cảng lớn này.

Vết tích kiến trúc nhà cửa của họ hiển hiện khắp nơi: từ mạng lưới ngõ xóm của người Việt, nhà dãy dạng “shophouse” (nửa ở nửa buôn bán) của Hoa kiều Hong Kong, Singapore, Hoa Nam, phố “bazaar” (cửa hàng buôn và ở) của người Chà Chetty (Nam Ấn Độ), rồi người Java, Mã Lai, người Tagal (Philippines), phố Tây, đặc biệt là dạng villa vườn của người Pháp, người Bỉ, người Đức...

Sài Gòn từ thuở ban đầu đã được thể hiện như một khát vọng, một ý chí vươn lên của đế quốc Pháp. Mong rằng hiện nay “Hòn ngọc Viễn Đông” sẽ không còn là mong ước, ảo vọng mà trở thành một mục tiêu để hướng tới của người TP.HCM!

Kỳ tới: Phù điêu lạ trên Dinh phó toàn quyền

 

Những mốc lịch sử

1698: Chúa Nguyễn cho lập phủ Gia Định, 
 dinh Phiên Trấn.

1772: Xây lũy Bán Bích ngăn quân Xiêm ở mạn Tây, đào kênh Ruột Ngựa nối liền đồng bằng sông Cửu Long.

1790: Xây dựng Gia Định thành theo kiểu phòng thủ Vauban.

1859: Quân Pháp hạ thành Gia Định.

1862: Phương án quy hoạch Coffyn cho thành phố Sài Gòn.

1868: Xây cất Dinh thống soái Nam kỳ.

1923: Kiến trúc sư Hébrard chỉnh lý quy hoạch 
 Sài Gòn.

1930: Sáp nhập Chợ Lớn vào thành phố Sài Gòn.

1954-1975: Sài Gòn, thủ đô chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

1975: Thành phố được giải phóng.

1976: Sài Gòn đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh, rộng trên 2.000km2, bao gồm cả Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định cũ.

 

KTS NGUYỄN HỮU THÁI