Ở các quốc gia là thành viên của ITF thì ngoài đội tàu của họ, bất cứ tàu của quốc gia nào ghé tới cảng của họ đều phải chịu sự chi phối của các quy định của ITF. Những tàu từ các quốc gia chưa tham gia ITF khi tới các nước có tham gia ITF vẫn phải chịu sự kiểm tra về lao động của các thanh tra ITF ở các quốc gia đó.
Các nghiệp đoàn thành viên của ITF thường là các nghiệp đoàn độc lập và phi chính phủ, không lệ thuộc một tổ chức chính trị nào. ITF hoạt động với kinh phí đóng góp của các nghiệp đoàn thành viên và đại diện cho các nghiệp đoàn đó để làm việc, đấu tranh với các chủ sử dụng lao động, chủ tàu, các tổ chức môi giới lao động... đang hoạt động tại các quốc gia có các nghiệp đoàn thành viên nhằm đạt được các thỏa thuận với những người sử dụng lao động về các quyền lợi cơ bản và hợp lý của người lao động như tiền lương cơ bản, tiền lương ngoài giờ, ngày nghỉ phép, ngày nghỉ ốm, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc của một ca trên biển, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, điều kiện làm việc của thuyền viên...
Sẽ rất khó khăn và bất lợi cho phía chủ tàu Việt Nam để đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như trên của ITF, trong khi các chủ tàu lớn của Việt Nam phần lớn là những tập đoàn nhà nước hoặc các doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước.
Do đó, việc Tổng liên đoàn Lao động - một tổ chức nhân danh đại diện cho người lao động nhưng cũng lại là một tổ chức thuộc nhà nước khác tham gia về phía bên lợi ích của các doanh nghiệp chủ tàu sẽ khó nhận được sự đồng tình.
Hiện nay, có rất nhiều tàu Việt Nam hoạt động ở các tuyến quốc tế mà đa số các quốc gia này đều tham gia ITF trong khi Việt Nam lại chưa có nghiệp đoàn đại diện cho người lao động tham gia vào ITF.
Do đó, các chủ tàu Việt Nam thực hiện biện pháp đối phó là yêu cầu thuyền viên khi ký hợp đồng lao động cũng đồng thời ký thêm một bản hợp đồng tiếng Anh và ký khống một bản lương theo mẫu của ITF nhằm tránh các đợt kiểm tra của các thanh tra ITF tại các cảng tàu sẽ ghé qua.
Gần đây xảy ra rất nhiều vụ các chủ tàu bỏ rơi thuyền viên Việt Nam trên nhiều cảng khắp các nước, rồi điều kiện sinh hoạt, ăn ở không đảm bảo, bị nợ lương, bị bắt giữ cả tàu và người, thậm chí bị tù đày... làm cho nghề đi biển ở Việt Nam vốn đã nguy hiểm giờ lại càng thêm hiểm nguy.
Cũng chính vì không được tham gia các tổ chức bảo vệ người lao động quốc tế và không được bảo hộ mà lao động Việt Nam, nhất là thuyền viên, phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các đồng nghiệp đến từ các nước khác. Cụ thể, lương thuyền viên Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/2 - 2/3 lương của thuyền viên Philippines ở vị trí tương đương.
Ngoài lý do về tính chuyên nghiệp, khả năng sử dụng tiếng Anh thì việc không có các nghiệp đoàn hỗ trợ để thương lượng về tiền lương, các điều khoản hợp đồng cũng là nguyên nhân đáng kể làm giảm giá trị của thuyền viên Việt Nam.
Theo số liệu từ năm 2014, Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 thuyền viên đi làm thuê cho các tàu nước ngoài so với 400.000 thuyền viên đi làm thuê của Philippines, đây quả thật là con số quá nhỏ bé.
Tuy nhiên, cũng cần công tâm nhìn nhận với điều kiện làm việc yếu kém, lương thấp, không được bảo vệ chính đáng như hầu hết đồng nghiệp của họ tại các quốc gia khác thì không thể yêu cầu đội ngũ thuyền viên Việt Nam cứ phải liều mình theo cái nghiệp lênh đênh trên biển được.
Một quốc gia có hơn 3.200km bờ biển và chúng ta luôn tự hào là khu vực giao thương hàng hải quan trọng nhưng lực lượng thuyền viên ít ỏi thì khó có thể có được nền kinh tế biển phát triển mạnh. Khi kinh tế biển không phát triển mạnh thì việc bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền biển đảo cũng sẽ gặp bất lợi.
Thực tế, ITF đã và đang giúp đỡ khá nhiều trường hợp thuyền viên Việt Nam gặp nạn, bị bỏ rơi, bị nợ lương ở nhiều quốc gia trên thế giới, giúp họ thu hồi đầy đủ lương và hồi hương một cách hợp pháp.
Nâng cao đời sống thuyền viên và tính hấp dẫn của nghề đi biển nhất thiết phải theo kịp với thế giới và việc tham gia các tổ chức có tính chất và chức năng bảo vệ người lao động như ITF là việc cần thiết và nên làm ngay.