Trong bài viết riêng cho chúng tôi, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khai Silk, cho rằng điều cần nhất của một doanh nhân thành đạt là tạo ra giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội.
Chúng tôi xin đăng nguyên văn những cảm nhận, chia sẻ về trách nhiệm với đất nước của vị doanh nhân này.
Gần đây liên tục có những nhận định thật phiến diện, chủ quan, khiến trong mắt bạn bè quốc tế hình ảnh người Việt Nam trở nên xấu xa. Đầu tiên, người ta nói người Việt Nam lười biếng, dễ hài lòng. Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến 90 triệu dân Việt.
Đừng nhìn quán cà phê đông khách mà nói người Việt lười biếng
Lời nói chẳng mất tiền mua, nhận định một vấn đề rất cần phải dựa trên cơ sở khoa học. Bạn có thể nói một số người thì tôi đồng ý, nhưng nói cả 90 triệu dân Việt Nam thì rõ ràng không nghiêm túc.
Mọi nghiên cứu, đánh giá về con người là không có mẫu số chung, mà phải dựa trên cơ sở khoa học và truyền thống văn hóa. Bằng chứng phản biện người Việt Nam không lười là rất nhiều cơ ngơi được chính người Việt gây dựng vững vàng và đang ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo ra của cải cho xã hội.
"Tôi, bạn bè tôi đều có khát vọng toàn cầu, và chúng tôi biết cách để hội nhập vững chắc nhất", doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Việt có quy mô vốn, tài sản không thua các tập đoàn nước ngoài. Và trong vài năm gần đây, có rất nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập mà chính doanh nghiệp Việt mua lại, làm chủ doanh nghiệp ngoại. Đừng phiến diện nhìn những quán cà phê, hàng nước đông đúc, nhộn nhịp mọi thời điểm trong ngày để đánh giá chúng tôi… chơi nhiều hơn làm. Đó là văn hóa, là dòng chảy của kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Người Việt Nam uống cà phê không phải là lười, người ta uống cà phê không phải là bỏ việc, mà có rất nhiều người làm việc, bàn việc, ký kết hợp tác ở quán cà phê. Ở quán cà phê còn có rất nhiều khách du lịch, người ta đi chơi, nghỉ phép… còn biết bao nhiêu nhu cầu khác chứ.
Những nhận định cho rằng, không đất nước nào nhiều quán cà phê như Việt Nam, trong giờ làm việc quán cà phê vẫn đông đúc, thì không khác gì tôi nói: Đến giờ làm việc rồi, sao ngoài đường xe vẫn chạy nhiều thế, trung tâm thương mại, chợ búa lại đông khách thế!
Tôi thấy buồn là người ta mang hình ảnh người già ở Việt Nam so sánh với người già của các nước mà kinh tế họ đi trước chúng ta nhiều năm, và kết luận người ngoài 60 tuổi ở Việt Nam lười, chỉ thích vui thú điền viên.
Các nước phát triển họ có chính sách của riêng họ để bảo vệ, hỗ trợ công dân, tạo việc làm cho người về hưu. Đừng vội khen người già ở Singapore chăm lái xe, quét rác. Đó là chính sách của Chính phủ Singapore để bảo hộ quyền lợi của người già, để khuyến khích người đủ sức khỏe lao động tham gia làm những công việc khác. Hoàn toàn không phải người 60-70 tuổi ở Singapore muốn đi làm thêm với những công việc như thế.
Ở Việt Nam, chúng ta hãy ra ruộng, ra đồng, ra chợ mà xem. Người Việt trên 60 tuổi lao động nhiều lắm, còn nhiều người già vất vả lắm. Dù những công việc của họ không phải để làm giàu, mà họ đi làm để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội, để có thể lo bữa cơm cho chính mình.
Thật sai hoàn toàn khi có nhận xét rằng, một trong những lý do khiến người Việt mãi nghèo là ngoài 60 tuổi đã muốn vui thú điền viên, sum vầy bên gia đình, con cháu. Đây là truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam, là nét đẹp văn hóa từ nghìn năm để lại. Với người Việt, kể cả anh thành đạt hay không thành đạt thì niềm vui gia đình hạnh phúc vẫn là trên hết. Gia đình là điều thiêng liêng, rất quan trọng mà không có điều gì có thể thay thế được.
Muốn“bơi” ra thế giới phải có tích lũy xã hội
Là một doanh nhân, vươn ra làm kinh tế từ khi đất nước chưa mở cửa đến thời hội nhập, tôi khẳng định các doanh nghiệp Việt nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung hết sức năng động, vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Nhiều người phê phán người Việt với tư duy quanh quẩn xó nhà là hoàn toàn không hiểu gì về đất nước, con người Việt Nam.
Việt Nam là đất nước đang phát triển, muốn bước ra thế giới phải có tích lũy lao động, tích lũy xã hội thì mới tạo ra được sự phát triển đồng đều trong nước, để vươn tầm, sánh ngang với thế giới. Đừng dùng lý thuyết suông ngồi mơ ước chuyện “bơi” ra ngoài.
Tôi không hiểu người ta dựa vào nghiên cứu khoa học nào để nhận định điểm yếu của người Việt Nam là không có máu chinh phục, không có máu kinh doanh quốc tế, không có khát vọng toàn cầu hóa. Rất nhiều cái không nổi lên, và tôi thấy buồn lòng: Sao người Việt Nam chúng tôi tệ quá vậy.
Nền kinh tế phát triển ở một quốc gia đâu phải ai ai cũng thi nhau ra kinh doanh quốc tế. Mỗi người, mỗi doanh nghiệp sẽ làm theo sức lực, khả năng và ngành nghề cốt lõi của mình. Với tôi, sản xuất kinh doanh ở đâu mà tạo ra lợi nhuận phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển của đất nước thì đó là công ty làm ăn đúng hướng.
Hãy nhìn thực tế sau ngày đất nước mở cửa, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã liên kết làm ăn với nước ngoài, liên tục vươn ra nước ngoài làm ăn. Nói không có quốc tế hóa, không có khát vọng toàn cầu tại sao chúng ta có hàng loạt ngân hàng ngoại, doanh nghiệp ngoại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang làm ăn tại Việt Nam, đó là quốc tế hóa đấy. Đừng nghĩ quốc tế hóa là chỉ có người Việt mang vốn, mang con người ra nước ngoài mở công ty, quốc tế hóa là mở cửa, hội nhập chứ.
Tôi khẳng định rằng tôi, bạn bè tôi đều có khát vọng toàn cầu, nhưng chúng tôi chọn thời điểm nào phù hợp để vươn ra biển lớn. Con chúng ta sinh ra sẽ trải qua quá trình tập đi, đi chập chững, bước đi vững chãi rồi sẽ chạy. Hãy nhớ điều này để bước đi thật tự tin, vững chắc.
Chúng ta có quyền phát ngôn, nhưng không có quyền áp đặt, xúc phạm. Quan trọng nhất với tôi, doanh nhân thành công là phải biết truyền cảm hứng. Hình mẫu đẹp của các doanh nhân thành đạt sẽ là thông điệp hay, những bài học có giá trị, có sức lan tỏa để chuyển tải cho lớp trẻ. Đừng mang tài sản của mình, dùng vị trí của mình để phê phán, chê bai, dạy đời, nhận xét phiến diện.