Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Thuận – vị Tổng giám đốc trẻ và đầy nhiệt huyết của Hasco Feed khẳng định: Chúng tôi xác định mục tiêu 3 năm đầu là mục tiêu quan trọng. Nếu vượt qua 3 năm, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu trở thành số 1 trong thị trường thức ăn chăn nuôi, vượt qua những đối thủ nước ngoài.
Bước ngoặt quan trọng
Từ trước tới nay, Hasco chỉ đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp. Vì sao mới đây Hasco lại chuyển hướng, đầu tư vào một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như nông nghiệp, thưa ông?
- Để HascoFeed ra đời, chúng tôi cũng đã phải trả lời câu hỏi này. Xuất phát điểm, tập đoàn Hasco từng hoạt động trong một vài lĩnh vực. Trong đó, điển hình nhất là lĩnh vực cho vay tài chính và cơ cấu doanh nghiệp. Trải qua thời gian, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm việc với Hasco khá nhiều.
Có một thời gian dài, chúng tôi là đơn vị cơ cấu, thậm chí sở hữu 100% những doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm nông sản từ thị trường thế giới về hoặc kinh doanh thương mại trong nước. Vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử, Hasco đã có nhiều lần được tiếp cận với nhóm ngành nông nghiệp và làm việc cùng các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp. Bản thân chúng tôi nhận thấy ngành kinh doanh nông sản ở Việt Nam nhận được khá nhiều ưu đãi, và nếu đạt được quy mô sẽ có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu có thêm một công ty nông sản hay một hệ thống các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản thì việc sử dụng được nguồn vốn ưu đãi này sẽ giúp chúng tôi tạo ra một lợi thế so với các doanh nghiệp khác.
Với chức năng chuyên cho vay tài chính, điều Hasco kỳ vọng nhất khi cho ra đời một “đứa con ngoài luồng” như HascoFeed là gì?
Cá nhân tôi cho rằng một công ty phân phối sản phẩm thức ăn chăn nuôi có quy mô sẽ rất tốt cho Hasco. Nó giúp cho hệ thống của chúng tôi trở nên “lành mạnh” về mặt tài chính hơn rất nhiều, bởi dòng tiền của các công ty nông sản rất tốt, vòng quay tiền mặt của các công ty nông sản diễn ra rất nhanh.
Trong hoạt động cho vay tài chính của tập đoàn, nhiều khi xảy ra trường hợp thiếu hay thừa nguồn tài chính. Có một công ty kinh doanh nông sản trong tập đoàn, nếu thừa nguồn tài chính thì tập đoàn chuyển nguồn đó cho đơn vị khác được, nếu thiếu mình dùng hạn mức ở đó để xử lí vấn đề tài chính được. Vậy nên, một công ty nông sản còn phù hợp với hệ thống hoạt động của Hasco.
Đâu là lợi thế của HascoFeed khi chập chững bước vào một sân chơi có khá nhiều “ông lớn” đang chiếm lĩnh?
- Khi đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, ngoài lợi thế về mặt tài chính, Hasco Feed còn có lợi thế về mặt nguyên liệu bởi trong tập đoàn đã có những công ty nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp, ví dụ như ngô, đậu tương, phân vi lượng... Trong khi các đơn vị khác phải mua nguyên liệu với giá bán do mình đưa ra thì mình lại sở hữu nguồn nguyên liệu sẵn có. Đó là những lợi thế để chúng tôi quyết định thành lập HascoFeed và đầu tư vào thị trường thức ăn chăn nuôi một cách có chiều sâu, có chiều dài.
Thế còn khó khăn thì sao?
Đây mới là cái đau đầu nhất và cơ bản nhất. Khó khăn lớn nhất của công ty là xây dựng hệ thống bán hàng, phân phối sản phẩm. Thời gian để xây dựng một hệ thống bán hàng phải tính bằng năm. Đào tạo đội ngũ bán hàng chuyên cũng cần có quy trình, trải qua nhiều ngày tháng. Thậm chí phải bỏ ra rất nhiều công sức và chi phí.
Khó khăn thứ hai là khó khăn chung của thị trường, mà ai cũng phải đối mặt. Đó là sự biến động của thị trường nông sản thế giới là khá lớn. Lúc đầu, tôi nghĩ sự biến động chỉ dao động trong khoảng từ 5 tới 10%, song thực tế có những thời điểm nó biến động mạnh hơn nhiều. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, một thị trường có tính chất bị kiểm soát. Vậy nên, khi HascoFeed trưởng thành, các đối thủ sẽ chú ý tới mình và có các biện pháp phòng thủ. Trong cạnh tranh, các đối thủ sẵn sàng đầu tư chi phí nhằm hạn chế sự phát triển của mình bởi họ vốn đã có lợi thế về quy môn, lợi nhuận. Họ sẵn sàng làm như vậy để duy trì vị thế đó.
Khó khăn thứ ba là hành lang pháp lý dành cho thị trường thức ăn chăn nuôi, nông sản Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, quy định để thị trường thức ăn chăn nuôi, nông sản Việt Nam phát triển tốt. Song trên thực tế, vẫn còn tồn tại tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng. Nhiều doanh nghiệp vẫn lách luật, áp dụng nhiều biện pháp cạnh tranh không công bằng như sử dụng vi lượng, vi chất kháng sinh. Do họ là doanh nghiệp nhỏ nên họ có thể làm như vậy, điều đó khiến mình mất lợi thế cạnh tranh.
“Càng khó thì trái càng ngọt”
Trong cuộc chơi nào thì người chơi đều phải chấp nhận cả hai khía cạnh: Lành mạnh và không lành mạnh, vì đó mới là cuộc chơi thương trường đúng nghĩa, thưa ông?
- Đúng thế, và chúng tôi có tham vọng riêng của mình. Hiện nay, thị trường thức ăn chăn nuôi có một số doanh nghiệp lớn, thậm chí có cả các doanh nghiệp tới từ nước ngoài như từ Thái Lan, Trung Quốc… Những thế lực trong nhóm ngành thức ăn chăn nuôi và phát triển hệ thống trang trại tại Việt Nam.
Để vượt qua họ, chúng tôi cần có một bài tính hợp lý. Tham vọng của chúng tôi là trở thành một trong hai con ngựa chiến mạnh nhất trên thị trường thức ăn chăn nuôi. Nhưng để đạt được mục tiêu, bài tính của chúng tôi cần phải trải qua giai đoạn thử thách trên thị trường, đó chính là 3 năm đầu tiên. Nếu vượt qua được 3 năm này, tôi tin rằng chúng tôi có đủ cơ sở để tin tưởng mình sẽ đạt được mục tiêu.
Theo quan điểm của tôi, Hasco là đơn vị trong nước sở hữu những thế mạnh không kém gì họ, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, Chính phủ sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực nông sản. Vậy không có lí do gì chúng ta để các đơn vị từ Trung Quốc, Thái Lan sang chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình cạnh tranh sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, vẫn phải đi từng bước một để vươn lên. Chúng tôi xác định mục tiêu 3 năm là mục tiêu quan trọng. Nếu vượt qua 3 năm chúng tôi sẽ đặt mục tiêu trở thành số 1.
Ông quan niệm thế nào về các đối thủ của mình? Đâu là điểm yếu của đối thủ ông có thể tận dụng?
- Tôi không coi đối thủ là yếu, bản thân mình phải biết mình, biết thị trường và hiểu khách hàng của mình. Theo quan điểm của tôi, mình phải biết khách hàng của mình là ai? Khi mình biết họ là ai, cần biết họ cần điều gì?
Khi mình biết người nông dân, trạng trại cần cái gì? Mình phải học tập các đối thủ, xem họ đã làm tốt như thế nào, để mình làm tốt hơn. Mỗi một đơn vị, trong mỗi một thị trường sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, kể cả chúng tôi. Mỗi lần anh em đi thị trường, tôi đều yêu cầu anh em phản hồi thông tin, làm báo cáo ngay. Anh em rất khó chịu khi phải làm báo cáo hàng ngày, nhưng đó lại là cơ sở thông tin để mình đánh giá thị trường, biết khách hàng của mình muốn gì?
Phải tạo cho khách hàng những dịch vụ đặc biệt, đem tới cho họ nhiều hơn những gì họ mong muốn. Tôi xác định khách hàng của HascoFeed là những khách hàng lớn, những người mà khi phục vụ họ, chúng ta kì vọng vào quyền lợi lâu dài.
Đối với nhân viên của mình, tôi vẫn chia sẻ rằng vấn đề mấu chốt là anh em có muốn chinh phục khó khăn hay không? Nếu muốn, anh em có thể về đây, cùng bàn bạc, sẵn sàng đầu tư chinh phục khó khăn. Tôi có quan niệm: “Càng khó thì trái mới ngọt”.
Ông đánh giá như thế nào về yếu tố may mắn trong kinh doanh?
- Không thể mong chờ vào may mắn. May mắn chỉ giống như cơn gió thổi xuôi chiều, giúp con thuyền đi nhanh hơn. Nhưng nếu không có cơn gió đó, anh em vẫn phải chèo thuyền tới đích.
Tôi rất tự tin vì các đơn vị khác không có được nguồn tài chính, sự kết hợp hệ thống giống như mình. Trong một giai đoạn dài công ty HascoFeed có thể không có lợi nhuận, song về mặt bản chất nó vẫn hỗ trợ cho các mảng kinh doanh khác của công ty tạo ra lợi nhuận. Các đơn vị khác trong mảng chăn nuôi nếu làm ăn thua lỗ phải rời bỏ cuộc chơi, nhưng HascoFeed dù lỗ trong thời gian đầu vẫn có thể duy trì được.
Xin cảm ơn ông và chúc HascoFeed sẽ thành công!
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thuận, trong vòng 3 năm đầu, HascoFeed sẽ xây dựng hệ thống nhà máy thức ăn chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc với mục tiêu từ 5 tới 10 nhà máy, mỗi nhà máy có quy mô đầu từ 120 tới 200 tỷ đồng, cộng với xây dựng hệ thống phân phối. Mỗi nhà máy sẽ có công suất khoảng từ 6.000 tới 10.000 tấn/tháng. Nếu kế hoạch triển khai theo đúng lộ trình, trong vòng 3 năm tới, HascoFeed sẽ trở thành đơn vị thứ 3 sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam sau CP, Cargill. |