Trước đây, khi nhắc đến mì gói, hầu hết người dân Việt Nam đều nghĩ ngay đến Miliket- sản phẩm của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket bởi mức giá khá rẻ và thị trường mì gói lúc đó gần như không có lựa chọn nào khác.
Hình ảnh những con tôm in trên bao bì bằng giấy cũng là đặc điểm nhận dạng nổi bật của Miliket. Có lẽ, thuật ngữ “mì tôm” mà chúng ta hay sử dụng ngày nay bắt nguồn từ Miliket dù rằng gần như chẳng có chút hương vị nào của tôm xuất hiện trong gói mì.
Là thương hiệu đình đám một thời nhưng Miliket đang ngày càng gặp khó khăn khi khẩu vị người tiêu dùng thay đổi và thị trường đã xuất hiện những tên tuổi mới như VinaAceCook, Asia Foods, Masan hay thậm chí cả Kido.
Để mua được gói mì Miliket thời điểm hiện tại khó hơn nhiều so với việc mua mì của các thương hiệu khác. Ngay cả trong siêu thị cũng rất ít nơi bày bán mì Miliket và điều này khiến nhiều người nghĩ rằng thương hiệu vang bóng một thời này đã biến mất.
Âm thầm tồn tại trước áp lực cạnh tranh từ các ông lớn
Trên thực tế, dù đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt nhưng Miliket vẫn sống tốt nhờ tập trung vào sản phẩm phân khúc giá rẻ truyền thống phục vụ thị trường nông thôn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, doanh thu Miliket thường đạt khoảng 500 tỷ đồng và lợi nhuận quanh ngưỡng 40 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh trong 2 năm gần nhất đã cho thấy sự chững lại của Miliket. Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu Miliket đạt 477 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 5% so với mức đỉnh cao ghi nhận vào năm 2013. Sự chững lại của Miliket có thể đến từ việc phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng phân khúc giá rẻ, dưới 3.500đ như Hảo Hảo (VinaAcecook) hay Kokomi (Masan Consumer), Gấu Đỏ (Asia Foods)….
Miliket hiện có số dư tiền mặt khá lớn, lên tới 111 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản công ty và lượng tiền này được duy trì trong suốt nhiều năm. Điều này cho thấy Miliket dường như đang “hài lòng” với tình hình hiện tại và chưa có kế hoạch sử dụng số dư tiền này ngoài việc gửi tiết kiệm.
Ngày vui kéo dài bao lâu?
Nhìn vào hoạt động của Masan, có thể thấy những khó khăn mà Miliket đang gặp phải trước các “đại gia” với tiềm lực tài chính hùng hậu cùng hệ thống phân phối rộng khắp.
Chỉ tính riêng năm 2015, Masan Consumer đã chi ra gần 1.500 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, gấp 3 lần tổng doanh thu Miliket và một phần không nhỏ số tiền quảng cáo này tập trung cho mảng mì gói.
Với số tiền chi cho quảng cáo hùng hậu như trên, không bất ngờ khi mảng mì gói mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu cho Masan Consumer mỗi năm dù chỉ mới chân ướt chân ráo tham gia lĩnh vực này. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng doanh thu của mảng mì gói Masan Consumer chỉ tăng mạnh từ năm 2012, đây cũng là thời điểm Kokomi- một sản phẩm cùng phân khúc với Miliket được tung ra.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại cùng quy mô sản xuất lớn, Masan Consumer đã tiết giảm đáng kể chi phí, giá vốn bán hàng và yếu tố này khiến tỷ suất lãi gộp của mảng mì gói Masan Consumer vượt trội hoàn toàn so với Miliket.
Theo đánh giá của Euromonitor, sức tiêu thụ ngành hàng mì gói ở Việt Nam đang sụt giảm trong những năm gần đây, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng tập trung vào phân khúc giá rẻ khiến thị phần này ngày càng chật chội và đây sẽ là những thách thức lớn dành cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ như Miliket.