CSR – “giấy thông hành” để hội nhập
Nhiều người cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp mới phát triển, lo việc sống còn còn chưa xong thì làm sao thực hiện CSR. Điều này chưa chuẩn xác.
Cần hiểu rằng, phát triển bền vững là sự phát triển hài hòa về 3 mặt Kinh tế - xã hội - môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại tới khả năng phát triển kinh tế xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai.
Như vậy, nếu làm tốt được các hoạt động CSR, doanh nghiệp trước hết đã đảm bảo cho sự phát triển bền vững của chính mình, sau đó góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
Phát triển bền vững là mục tiêu mà các quốc gia đều đã và đang hướng tới. Chúng ta không thể tách mình ra khỏi mục tiêu chung nếu muốn hội nhập.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đã và đang áp dụng các bộ quy tắc ứng xử tiêu chuẩn của thế giới nhằm đánh giá đối tác. Cụ thể, khi nhập khẩu, họ yêu cầu doanh nghiệp xuất hàng phải chứng minh việc thực hiện các quy định như giờ giấc làm việc của nhân viên đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa cuộc sống, công việc và sức khỏe; quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường… Doanh nghiệp không chứng minh được sẽ không thể trở thành đối tác của các nhà nhập khẩu lớn. Ngược lại, uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng cao khi thực thi tốt các hoạt động CSR. Đây cũng là một yếu tố tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, CSR đã rất quen thuộc với các doanh nghiệp trong cả khu vực và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện CSR cũng không đơn giản, vì ngoài nhận thức đúng, doanh nghiệp còn cần đầu tư về tài lực và vật lực. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam - chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực để đảm bảo mảng sản xuất và kinh doanh còn đang rất hạn chế - đây là một việc khó. Song trong bối cảnh chúng ta đang rộng cửa đón các hiệp định thương mại quốc tế lẫn khu vực, đây lại là việc không thể không thực hiện.
Giải pháp được đưa ra là chúng ta căn cứ vào nguồn lực thực tế của doanh nghiệp mà đặt ra lộ trình phù hợp để thực hiện các cam kết.
Kinh nghiệm FPT
FPT thực hiện CSR bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như chăm lo đời sống văn hóa cho thành viên công ty, hỗ trợ việc học hành cho con của họ, thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong khả năng... Và ngày nay, khi đã phát triển lớn hơn, FPT cố gắng mang sức mạnh cốt lõi của mình ra hỗ trợ cho giáo dục, văn hóa, giao thông… thông qua các ứng dụng CNTT.
Làm CSR không phải dễ. Thất bại có thể đến khi ý tưởng tốt mà triển khai chưa tốt, dẫn đến chương trình không đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận lại cách thức tổ chức, triển khai và quyết định đi tiếp hoặc chấm dứt. Đó là bài học chúng tôi thường áp dụng.
FPT cũng khởi đầu từ chạy sấp chạy ngửa lo kinh doanh, rồi chạy sấp chạy ngửa vác từng thùng mì tôm đến các vùng lũ lụt, rồi hiến máu, xây cầu, chung tay cùng các chương trình của các đơn vị khác. Sau đó chúng tôi phát triển những chương trình lấy giá trị cốt lõi của mình là công nghệ để hỗ trợ xã hội; giúp xã hội đưa ứng dụng công nghệ, internet vào học tập, giải quyết các bài toán xã hội…
Mỗi doanh nghiệp có đặc thù và lợi thế riêng, vì vậy sẽ có cách đóng góp riêng cho xã hội.
Yếu tố quan trọng nhất để có thể đạt được thành công khi thực hiện chiến lược CSR ở một công ty chính là nhận thức và quyết tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ cần người lãnh đạo quan tâm và mong muốn thì sẽ có những lời giải phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp mình trước, rồi đến toàn xã hội và cả quốc gia.