Thưa bà, với bài thi tổ hợp, 60 câu cho 3 môn, thí sinh làm bài trong 90 phút, liệu có đủ sức để phân loại thí sinh hay không?
Một trong những lợi thế của thi theo hình thức trắc nghiệm là đề gồm một số câu hỏi nhỏ và các câu hỏi đó sẽ được bố trí ở những mức độ khó khác nhau (kiểm tra kiến thức cơ bản, kiến thức tổng hợp, vận dụng và vận dụng ở mức độ cao) nhằm phân loại thí sinh. Trong đánh giá, một đề thi tốt không phải là đề thi có nhiều câu hỏi mà là đề thi có số lượng câu hỏi tối thiểu nhưng đủ để phân loại thí sinh. Dự thảo phương án thi/tuyển sinh dự kiến trong bài thi tổ hợp có 60 câu cho 3 môn thi thành phần. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng ma trận đề thi sắp tới, các chuyên gia ra đề thi sẽ cân nhắc đề xuất số lượng câu hỏi phù hợp để có thể đánh giá được năng lực thí sinh cho cả 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Dư luận phản ứng mạnh nhất là trắc nghiệm môn Toán, Bộ sẽ tiếp thu điều này như thế nào? Liệu môn toán sẽ vừa thi trắc nghiệm vừa thi tự luận như môn ngoại ngữ không?
Trắc nghiệm khách quan không chỉ yêu cầu thí sinh đánh dấu vào ô đúng hay ô sai mà có rất nhiều cách thể hiện khác nhau. Ví dụ đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ có thể kiểm tra được nhiều kỹ năng của thí sinh chứ không phải chỉ kiểm tra mỗi kỹ năng đọc hiểu. Vì vậy, các chuyên gia ra đề thi trắc nghiệm môn toán cũng sẽ có những loại câu hỏi khác nhau để kiểm tra được khả năng suy luận, tư duy logic, tính sáng tạo của thí sinh. Thực tế, từ năm 2012, Bộ đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thực hiện thí điểm đổi mới công tác tuyển sinh. Đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đã thực hiện theo phương thức trắc nghiệm khách quan. Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn thực hiện đề tài nghiên cứu so sánh giữa kết quả thi theo hình thức trắc nghiệm có mức câu hỏi tối thiểu với hình thức thi tự luận truyền thống thì kết quả phân loại thí sinh cũng tương đương.
“Đến nay, Ngân hàng đề thi của ĐHQGHN đã khá lớn. Ngay từ đầu năm học, Cục KT&KĐCLGD của Bộ đã xác định tập trung chỉ đạo việc chuẩn hóa lại ngân hàng câu hỏi của ĐHQGHN theo yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia...”. Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng
Về ngân hàng đề thi, chỉ còn thời gian rất ngắn, Bộ chuẩn bị như thế nào với số lượng nhiều môn thi như thế? Trong khi đó, Bộ dự định sẽ tổ chức thi mỗi thí sinh một đề, không có câu hỏi nào trùng nhau trong một phòng thi?
Đến nay, Ngân hàng đề thi của ĐHQGHN cũng đã khá lớn. Ngay từ đầu năm học này, Cục KT&KĐCLGD của Bộ đã xác định tập trung chỉ đạo việc chuẩn hoá lại ngân hàng câu hỏi của ĐHQGHN theo yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia và tập trung các chuyên gia giỏi để xây dựng bổ sung bộ đề chuẩn hoá theo đúng quy trình đánh giá của phương thức trắc nghiệm khách quan hiện đại. Với điều kiện chuẩn bị và lực lượng chuyên gia ra đề thi giàu kinh nghiệm trên toàn quốc, bộ đề thi sẽ được chuẩn bị đầy đủ, với chất lượng cao nhất.
Trong dự thảo thì các trường sẽ được tự tổ chức tuyển sinh nếu đủ năng lực. Nếu trao quyền cho các trường tổ chức thi đánh giá năng lực, điều này có thể hiểu là một số trường sẽ phải tổ chức thêm một kỳ thi nữa ngoài kỳ thi THPT Quốc gia? Vậy sẽ có 2 kỳ thi. Cụ thể thì các trường ĐH sẽ được chủ động đến mức độ nào trong tuyển sinh, thưa bà?
Trong thực tế 2 năm qua, công tác tổ chức thi đã đảm bảo được độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt nên hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã sử dụng kết quả này để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển sinh riêng. Năm 2017, phương án thi được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia trong hai năm qua nên những kết quả tốt của Kỳ thi chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2017.
Thực tế, quyền tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong luật Giáo dục ĐH nhưng từ khi luật có hiệu lực đến nay, chỉ có những trường đặc thù (các ngành nghệ thuật, thể dục, thể thao...) và một số ít trường khác tổ chức thêm các hình thức đánh giá năng lực hoặc thi thêm các môn năng khiếu ngoài kỳ thi chung. Đối với những trường tổ chức thi đánh giá năng lực, dự thảo phương án thi 2017 quy định việc tổ chức đánh giá năng lực phải lựa chọn hình thức phù hợp, đảm bảo không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh.
Xin cảm ơn bà.