Nhìn Zara làm mưa làm gió ở ''sân nhà'', nhớ Foci thời oanh liệt nay còn đâu?
Trong khi Zara - một thương hiệu quốc tế đang làm mưa làm gió tại Việt Nam những ngày khai trương, thì trong nước, rất nhiều thương hiệu nội lại đang sống mòn, dù từng gây dựng được tên tuổi nổi tiếng 1 thời. Trong đó có cái tên Foci.

 

Nhìn Zara làm mưa làm gió ở "sân nhà", nhớ Foci thời oanh liệt nay còn đâu?

 

Một thời, cách đây khoảng hơn 10 năm, nhiều người trẻ chọn áo phông, quần Jeans của Foci bởi chất đẹp, mát và cách phối màu hợp nhãn. Nhưng giờ Foci đã trở thành vang bóng.

Foci là thương hiệu quần áo của Công ty Thời trang Nguyên Tâm ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp và từng rất thành công. Năm 2007, Foci đã mở đến 60 cửa hàng. Thời đó, Foci trở thành hàng hiệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, thương hiệu này vắng bóng trên thị trường.

Trên website Foci, thương hiệu này ghi 3 số máy liên lạc của 3 cửa hàng tại TP HCM nhưng đều không liên lạc được. Phóng viên đã tìm đến địa chỉ cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 nhưng không thấy điểm bán nào của Foci.

Fanpage facebook của Foci cũng không được cập nhật từ tháng 3/2014. Hoạt động gần đây nhất trên facebook của thương hiệu này là từ 17/3/2014.

Một số độc giả hỏi về địa chỉ cửa hàng của Foci trên Facebook và được quản trị trang nói rằng Foci bán online.

Lần tìm trên internet, phóng viên tìm được 1 website bán hàng online có bán sản phẩm của Foci với giá khoảng 600.000 đồng/chiếc, con số có thể không phải là thấp so với nhiều thương hiệu đầm công sở khác.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (chủ thương hiệu Foci), từng chia sẻ rằng kinh doanh thời trang cần mặt bằng lớn, trong khi giá thuê mặt bằng lại rất cao nên doanh nghiệp gặp khó.

Vừa gặp khó vì sức mua giảm, công ty này còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái. Lượng hàng nhập lậu hoặc theo đường tiểu ngạch đang tràn ngập thị trường với giá rất thấp nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh lại được.

Bà Báu sau đó đã chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng. Nhân viên của nhà hàng Nhật Bản Shabu Kichoo xác nhận bà chủ của thương hiệu chính là bà Báu, người sáng lập ra thương hiệu Foci nổi tiếng một thời. Hiện nhà hàng có 4 chi nhánh tại TP HCM.

Kinh doanh thời trang gặp khó không phải là câu chuyện của riêng Foci, mà còn của nhiều thương hiệu nội địa khác.

Đáng nói là, sự khó khăn của các doanh nghiệp nội lại đặt trong bối cảnh thị trường thời trang Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng.

Theo nhận định của ông Eric Duy Huỳnh, quản lý cao cấp của Sun FDS Holdings chia sẻ tại sự kiện thời trang VIFF 2014, nếu tính gộp toàn thị trường tại thời điểm này thì tổng doanh thu bán lẻ thời trang tại Việt Nam vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Với tốc độ tăng trưởng đều đặn 15-20% mỗi năm, có thể ước tính hiện tổng doanh thu thị trường này vào khoảng hơn 130.000 tỷ đồng - con số khổng lồ hấp dẫn bất kỳ thương hiệu thời trang quốc tế lớn nào.

Dệt may Việt Nam cũng luôn dẫn đầu thế giới với giá trị kim ngạch đạt 22,81 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 31 tỷ năm 2016. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm xuất khẩu lại là hàng gia công.

Cũng theo ông Huỳnh, những năm gần đây các doanh nghiệp tham gia VIFF chỉ đóng góp khoảng 10% thị phần trong tổng sức mua thị trường trong nước.

Xem xét trên thị trường thời trang số lượng thương hiệu Việt được người tiêu dùng biết đến còn khá ít ỏi, có thể kể đến như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10. Một số thương hiệu có thể kể đến như Blue Exchange của công ty thời trang Xanh Cơ Bản, PT200 của công ty TNHH may Phạm Tường 2000, Ninomaxx của Công ty thời trang Việt.

Điểm yếu chung của những doanh nghiệp may mặc trong nước có lẽ là là thiết kế chưa đuổi kịp được xu hướng thời trang của khu vực & thế giới, quy mô còn nhỏ & thiếu sự hợp tác với các nhà thiết kế tên tuổi.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều hạn chế trong cuộc đua tài chính giành mặt bằng đẹp trước sự tấn công của các thương hiệu lớn của quốc tế. Đồng thời cũng khó đấu lại chiến lược đổ bộ quần áo giá rẻ của Trung Quốc hay Thái Lan.

Thế Trần