Facebook hiện đang là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới với hơn 1,5 tỷ người dùng. Trong những năm gần đây, Facebook cũng liên tục phát triển nội dung mới, trong đó có Facebook Video. Và không phải ngẫu nhiên chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, Facebook tự hào tuyên bố đã thu hút 8 tỷ lượt xem video mỗi ngày vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên cũng từ khi Facebook Video xuất hiện, News Feed của người dùng luôn tràn ngập video và đó có thể không phải là những video bản quyền, hoặc đơn giản chỉ là do người dùng "câu trộm" về và đăng tải lại. Câu chuyện này cũng kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến số lượng người xem, thời gian mỗi người dành xem video và chắc chắn dính líu tới quảng cáo.
Mặc định dù chia sẻ hay đăng mới, gần như những nhà sáng tạo nội dung buộc phải xuất bản công khai thành quả của họ trên mạng xã hội nhưng không hề nhận được thù lao xứng đáng, trái lại Facebook lại đang dùng chính video để làm phương tiện cho các nhà quảng cáo. Và làm thế nào để bán được quảng cáo và không gian quảng cáo? Tất cả nhờ việc chào mời các con số liên quan đến tổng số người xem hay thời gian xem trên Facebook.
Theo Bloomberg, Facebook đã có nhiều báo cáo ấn tượng đến "ngỡ ngàng" về tốc độ tăng trưởng lượng người xem video trên Facebook để rồi giới công nghệ và người xem tưởng nhầm, đây sẽ là một mối lo vô cùng lớn cho YouTube. Tuy nhiên thực tế, nhiều nhà sáng tạo nội dung đã nghi ngờ về những con số sai lệch và xuyên tạc thực tế đó của Facebook. Đó là bởi, Facebook luôn đặt cơ chế đếm lượng xem và thời gian xem nội dung video ngay cả khi người xem lướt qua video đó, bởi lẽ mặc định video luôn trong trạng thái "autoplay" (tự động phát).
Nếu sai lầm không biết cách sửa sẽ là một câu chuyện khủng hoảng khác. May mắn thay, Facebook đã chính thức lên tiếng xác nhận sai lầm đó vào hôm thứ Sáu (23/9) vừa qua. Mặc dù thừa nhận sai lầm nhưng Facebook khẳng định những con số về lượng người xem và thời gian xem sai lệch không làm ảnh hưởng tới hóa đơn quảng cáo. Công ty quảng cáo Publicis Media cho biết, Facebook từng đưa thông báo về thời gian trung bình xem video trung bình của người dùng có thể lên tới 60-80% như một lời chào mời để thu hút các nhà quảng cáo.
Tiếp nối câu chuyện còn dang dở, Facebook đưa lời giải thích như sau:
"Chúng tôi đã định nghĩa trước đó rằng, thời lượng xem video trung bình là Tổng thời gian xem video chia cho tổng số người đã mở video. Nhưng chúng tôi đã tính toán sai lầm. Thời gian xem video trung bình được hiểu là Tổng thời gian xem video chia cho duy nhất một số người dùng thường xem video từ ba giây trở lên".
Sai lầm đó buộc Facebook phải đưa ra hai chỉ số mới để tính toán lượng người xem video trung bình chính xác hơn:
- Thời gian xem trung bình: được tính bằng công thức Tổng thời gian xem video của người dùng chia cho tổng người nhấn mở video. Chỉ số này bao gồm các video được mở tự động và người dùng click để mở.
- Tỷ lệ xem video: phản ảnh tỷ lệ người xem video trung bình mỗi phiên trên tổng thể tất cả các phiên xem video, bao gồm cả tự động mở và nhấn click để mở.
Việc công bố hai chỉ số mới nhằm tính toán thời gian xem và lượng người xem video chắc chắn sẽ khiến Facebook phải một phen lao đao. Đặc biệt giờ đây, mạng xã hội tỷ dân sẽ phải tìm một chiêu bài mới nếu không muốn các nhà quảng cáo lần lượt rời bỏ sân chơi "béo bở" nhưng ngập đầy sự gian dối này.
Dù chỉ lướt qua video, bạn cũng đã bị Facebook tính là đã xem video đó
Tờ Wall Street Journal dẫn lời Rob Norman, giám đốc tại công ty quảng cáo GroupM chia sẻ về thông báo của Facebook cho biết: "Không ai nói rằng, Facebook đang lừa dối tất cả chúng ta nhưng những gì họ đã làm cho thấy họ đã sai lầm trong việc tính toán mọi thứ".
Với những công ty truyền thông và xuất bản thông tin, dữ liệu về lượng người xem video không chính xác còn là con dao hai lưỡi khiến họ có thể đưa ra những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu tới một bộ phận độc giả.
Dựa trên những dữ liệu tính toán sai lầm, các nhà quảng cáo có thể đánh giá sai hiệu suất quảng cáo video mà họ đã mua từ Facebook trong hai năm qua. Những đánh giá đó cũng góp phần tác động đến quyết định chi tiêu trên Facebook của nhiều nhà quảng cáo so với các dịch vụ khác như YouTube, Twitter và thậm chí là truyền hình.
Nói cách khác, số liệu có thể không sai nhưng những gì đã bị thổi phồng lên quá mức chắc chắn sẽ là một vết nhơ và là dòng nước chảy xói mòn niềm tin nghiêm trọng.
Tiến Thanh