Ngày 16/9/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 6960/ NHNN – TTGSNH về việc chấn chỉnh cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là một quyết sách nhằm chấn chỉnh các hoạt động cho vay liên quan mà bất chấp sự phản đối rất kịch liệt từ ngân hàng thương mại.
Và qua chính sách này cộng với nhiều ý kiến trái chiều, người viết nhận ra vài điều, cụ thể như sau:
Từ trước đến nay, tại Việt Nam, ngân hàng đã hiểu sai về cho vay tuần hoàn
Đối với các khoản cho vay doanh nghiệp, ngân hàng thương mại sẽ có nhiều hình thức cho vay khác nhau, và trong đó, các loại cho vay phổ biến bao gồm:
Các khoản cho vay kinh doanh ngắn hạn: Cho vay mua hàng dự trữ (self – liquidating inventory loans); Cho vay vốn lưu động (working capital loans); Cho vay tạm thời các công trình xây dựng (interim construction financing); Cho vay kinh doanh chứng khoán (security dealer financing); Cho vay kinh doanh bán lẻ (retailer financing); Cho vay được đảm bảo tài sản (các khoản phải thu, bao thanh toán, và các khoản hàng tồn kho). Cho vay hợp vốn (Syndicated loan).
Các khoản cho vay kinh doanh dài hạn: Cho vay mua máy móc thiết bị và các tài sản cố định khác; Cho vay tuần hoàn (revolving credit financing); Cho vay tài trợ dự án (Project loan); Cho vay trung và dài hạn khác.
Theo đó, cho vay tuần hoàn cho phép khách hàng kinh doanh có thể vay tới một mức tối đa xác định trước, hoàn trả toàn bộ hoặc một phần khoản vay, và tiếp tục vay khi có nhu cầu cho đến khi hợp đồng tín dụng đến hạn. Đây là một trong số những khoản vay kinh doanh linh hoạt nhất, yêu cầu tín dụng tuần hoàn thường được ngân hàng chấp nhận mà không đòi hỏi bảo đảm bằng bất cứ tài sản nào.
Các khoản vay này có thể là ngắn hạn hoặc có thể kéo dài 3, 4, 5 năm. Hình thức cho vay tuần hoàn được áp dụng cho những khách hàng là doanh nghiệp không chắc chắn về thời gian các dòng tiền mặt hoặc về quy mô chính xác của nhu cầu vay vốn trong tương lai.
Còn tại Việt Nam, cho vay tuần hoàn đối với doanh nghiệp thường được hiểu là hạn mức tín dụng, cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức thấu chi…là không hợp lý. Và hai hình thức cho vay từng lần và hạn mức tín dụng ở Việt Nam tương ứng với cho vay mua hàng dự trữ và cho vay vốn lưu động ở trên (là những khoản vay ngắn hạn).
Nên nhớ, có thể phân biệt cho vay theo hạn mức ở Việt Nam với cho vay tuần hoàn ở các điểm sau: (1) ở kỳ hạn, cho vay hạn mức chỉ dưới 1 năm. Còn cho vay tuần hoàn có thể là ngắn hạn hoặc có thể kéo dài 3, 4, thậm chí 5 năm; (2) cho vay hạn mức khi ngân hàng xác định được các thời kỳ cao điểm của chu kỳ kinh doanh để nhận diện dòng tiền. Còn cho vay tuần hoàn được áp dụng khi không chắc chắn về thời gian các dòng tiền mặt; (3) tài sản là các khoản phải thu, hàng tồn kho, bất động sản…sẽ được đảm bảo cho khoản vay theo hạn mức. Riêng cho vay tuần hoàn thường được ngân hàng chấp nhận mà không cần bất cứ tài sản đảm bảo.
Thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu dừng và rà soát
Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn yêu cầu dừng và rà soát, chứ đâu cấm loại cho vay tuần hoàn (theo cách hiểu ở Việt Nam). Nếu theo phân tích ở trên, động thái dừng là để chấn chỉnh lại các loại cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, và trả lại bản chất cho vay tuần hoàn. Quyết sách này có thể nhìn nhận như sau:
Thứ nhất, tại sao các ngân hàng lại phản ứng quyết liệt với chính sách này? Phải chăng có gì đó bất ổn? Và chắc chắn rồi, khả năng kiểm soát rủi ro của ngân hàng ở hình thức này đang có nhiều dấu hiệu mất kiểm soát. Đồng thời, nợ xấu được che dấu khá nhiều thông qua những hoạt động giải ngân những khế ước sau để đảo nợ cho các khế ước trước. Về thực chất, khoản dư nợ mới không hề tham gia vào vốn lưu động của doanh nghiệp.
Thứ hai, thiết nghĩ NHNN không cấm mà chỉ dừng và có thể thời gian tới sẽ ban hành những quy định mới để chuẩn hóa các loại cho vay ở ngân hàng thương mại. Lẽ tất nhiên, cho vay tuần hoàn, cho vay hạn mức, cho vay từng lần…lần lượt được định nghĩa cho phù hợp.
Thứ ba, một chính sách ban hành không phải vì lợi ích một nhóm (hệ thống ngân hàng thương mại) mà hướng đến sự ổn định tài chính. Mọi dấu hiệu bất ổn hiện tại nếu tiếp tục che dấu sẽ dẫn đến những đổ vỡ sau này.
Ngân hàng thương mại hãy ngừng than thở và thích ứng
Từ trước đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại rất yếu và thiếu trong các nghiệp vụ tín dụng, chứ đừng nói đến các nghiệp vụ ngân hàng khác. Chẳng hạn, ngân hàng cấp tín dụng chỉ dựa vào tài sản thế chấp mà thiếu chặt chẽ trong hoạt động thẩm định, quy trình tín dụng chưa được chuyên môn hóa, hệ thống quản trị rủi ro không được chú trọng, quản trị danh mục tín dụng chưa quan tâm…và kể cả các hình thức cho vay lại được hiểu sai trầm trọng.
Chính vì thế, hoạt động chuẩn hóa và hướng đến Basel II là điều cần phải làm mà NHNN đã chính thức phát động. Lúc này, ngân hàng thương mại chỉ có chấp hành một mệnh lệnh “thay đổi hay là chết”, và lần này dừng loại cho vay trên là một ví dụ.
Do đó, ngân hàng thay vì than thở và chống đối thì hãy thích nghi lẫn rà soát lại những dấu hiệu bất ổn trong hoạt động cho vay hạn mức, cho vay từng lần…đặc biệt là các món vay có dấu hiệu đảo nợ, dùng sai mục đích cho các hoạt động đầu tư dài hạn, bất động sản…
Tóm lại, NHNN đã cân đo đong đếm trước khi ban hành chính sách trên. Lợi ích của chính sách đã quá rõ ràng nhằm: rà soát các hình thức cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn; trả lại bản chất cho khoản vay tuần hoàn; kiểm soát nợ xấu và hoạt động dấu diếm nợ xấu; và minh bạch thông tin trong hệ thống ngân hàng thương mai. Ngay lúc này đây, ngân hàng thương mại buộc phải thích nghi và trăn trở “thay đổi hay là chết”.