The Coffee Inn và câu chuyện về cái chết của một thương hiệu.
Kinh doanh cà phê đương nhiên là khắc nghiệt, nhưng dấu chấm hết của The Coffee Inn không phải là không có nguồn cơn của nó, khi mà yếu tố sống còn của các cửa hàng ăn uống là chất lượng sản phẩm bị xem nhẹ.

The Coffee Inn là một trong những quán cà phê kem Ý đầu tiên và tạo nên trào lưu cà phê đá xay tại Hà Nội, vào đầu năm 2013 - thời điểm mà các hàng cà phê với cốc đá xay đầy ụ kem tươi mở ra như nấm khắp Hà Nội.

Địa điểm đầu tiên của quán đặt tại Nguyễn Hữu Huân – con phố cà phê sầm uất bậc nhất Hà thành. Quán tại điểm này, gần như đông khách ngay lập tức.

Tận dụng độ hot, chỉ vẻn vẹn vài tháng sau quán đầu tiên, The Coffee Inn mở thêm một cửa hàng lớn hơn tại vị trí cực đẹp ở phố Phan Chu Trinh. Và cũng ngay lập tức, quán như thỏi nam châm, hút kha khá lượng khách từ Argento gần đó.

Thời điểm này, trên newfeed Facebook cũng ngập tràn checkin tại quán cà phê teen sang chảnh, thời thượng nhất Hà thành này. Ai đi qua phố Phan Chu Trinh đều không thể không ghé mắt vào quán cà phê lúc nào cũng chật ních khách cả trong lẫn ngoài.

Có cái gì mà người ta xếp hàng đông thế?

Hồi ấy, tôi cũng phải vào The Coffee Inn mỗi tuần một lần, vừa uống cà phê vừa ngắm gái (cười). Đồ uống vừa miệng (cái gì mới mà chả thích) và chỉ uống độc một món Matcha Cookies.

Cũng chỉ được một thời gian ngắn sau, tôi bắt đầu chán thứ đồ uống đá xay đó. Thế nhưng, quán vẫn đông khách nườm nượp. Tuy không ghé uống nữa, nhưng cứ có dịp chạy xe qua. tôi lại ghé mắt nhìn vào quán. Có thể nói, giai đoạn 2013-2014 là thời điểm cực thịnh của The Coffee Inn, cũng như trào lưu cà phê kem Ý.

Đến giữa năm 2014, Starbuck chính thức nhảy vào thị trường Hà Nội. Highland Coffee cũng có nhiều cải tiến về chất lượng đồ uống, tập trung vào phân khúc cà phê đá xay với món cà phê kem thạch.

Kinh doanh cà phê, The Coffee Inn, dấu chấm hết, chất lượng sản phẩm, cà phê đá xay, trào lưu, phố cà phê, cà phê teen, sang chảnh, thời thượng, giải thưởng thương hiệu vàng sáng tạo việt nam, thương hiệu vàng xây dựng việt nam, thương hiệu vàng nội thất

Đúng như nó phải thế. Bị cạnh tranh nhiều, cộng với khách hàng tuổi teen cũng là nhóm cả thèm chóng chán, The Coffee Inn bắt đầu chậm lại. Điển hình là việc bắt đầu phải bán thêm mỳ Ý, bún bò, cơm cùng các thứ vốn chả liên quan gì đến cà phê.

Sang năm 2015, Hà Nội bắt đầu du nhập thêm nhiều nhãn hàng của nước ngoài. Sau tất cả, các bạn tuổi teen lại quay về trà sữa (DingTea hồi đó thực sự làm vương làm tướng và bành trướng khắp thị trường trà sữa tại Hà Nội). Dân tình yêu thích cà phê cũng bắt đầu chuyển sang uông cà phê tại Starbuck và Highland nhiều hơn. Đơn giản vì họ bắt đầu quan tâm đến chất lượng hơn là mấy thứ đá xay toàn đường với hương liệu.

Lúc này, các hàng lom dom, lìu tìu gần như đã sập hết. The Coffee Inn khi ấy đã "phình" to hơn, vẫn kiên cường bám trụ, rất chịu khó décor quán, thay đổi chủ đề theo mùa, tổ chức sự kiện. Giá thuê địa điểm chắc cũng phải tăng theo nhưng quán vẫn tiếp tục mở thêm cơ sở tạu Chùa Láng, nhằm thu hút thêm khách là sinh viên.

Mỗi khi có dịp đi qua, tôi vẫn quan sát The Coffee Inn. Quán vẫn có lượng khách tương đối ổn, nhưng cảnh xếp hàng nườm nượp, ngồi vòng trong vòng ngoài đã không còn. Và cho đến năm 2016, người ta thấy thương hiệu này thực sự khó khăn khi các địa điểm tại Nguyễn Hữu Huân, Thái Phiên đã trả lại mặt bằng. The Coffee Inn co cụm lại phòng tuyến chiến lược nhất là Phan Chu Trinh. Điểm chùa Láng cũng không còn hút khách như xưa.

Sức ép từ tiền thuê nhà, nhân viên trong khi doanh thu không được như trước khiến The Coffee Inn không còn long lanh như trước. Quán đã xuống cấp, nhiều chi tiết cố décor lại nhưng trông có vẻ như làm cho có. Chủ quán ít xuất hiện hơn, có vẻ như họ đã có niềm vui mới(?!).

Và điều gì đến cũng phải đến. Địa điểm tại Phan Chu Trinh đã đóng cửa đúng vào ngày đầu tiên của tháng 9/2016. Đây gần như là dấu chấm hết cho The Coffee Inn – một thương hiệu đã từng vô cùng đình đám tại Hà Nội.

Kinh doanh cà phê đương nhiên là khắc nghiệt, nhưng dấu chấm hết của The Coffee Inn không phải là không có nguồn cơn của nó, khi mà yếu tố sống còn của các cửa hàng ăn uống là chất lượng sản phẩm bị xem nhẹ.

Tôi để ý có rất nhiều phàn nàn của khách về chất lượng đồ ăn thức uống của quán mà không được phản hồi nghiêm túc hoặc lờ đi. Lần một, khách hàng có thể châm chước. Lần hai, khách sẽ khó chịu. Và để tái diễn thêm lần nữa thì chắc chắn là mất khách.

Rõ ràng, việc mở ra hệ thống chuỗi mà không thể quản trị được chất lượng sản phẩm lẫn nhân viên chính là sai lầm lớn nhất của The Coffee Inn.

Các ông chủ trẻ tại Việt Nam luôn luôn nôn nóng làm giàu hay nói cách khác là ăn xổi, khi mới chớm có chút thành công là họ luôn tìm cách nhân rộng mô hình. Chăm chút hình thức, décor cửa hàng nhưng cái quan trọng nhất là CHẤT LƯƠNG và KHÁCH HÀNG họ lại không quan tâm.

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang quá thiếu các cửa hàng có bản sắc và tồn tại lâu đời. Tôi cứ ước sẽ có nhiều hơn những hàng quán kiểu gia đình, tồn tại nhiều năm kiểu như ở bên Nhật.

Theo Trí thức trẻ