Những mức giá chào bán cao ngất
SCIC vừa thông báo bán đấu giá hơn 28 ngàn cổ phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/CP) Mía đường Thanh Hóa, tương đương 28,43% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 569.000 đồng/CP.
Đối với nhiều doanh nghiệp đã lên sàn, SCIC cũng tự tin chào bán phần vốn Nhà nước với giá cao. Cụ thể, SCIC chào bán 2,53% vốn (hơn 409 ngàn cổ phiếu) Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) với giá 10.900 đồng/CP, trong khi thị giá hiện tại của SMA chỉ ở mức 5.800 đồng/CP. Hay SCIC chào bán 5,1 triệu cổ phiếu Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) với giá 19.000 đồng/CP, trong khi mức giá đang giao dịch trên sàn là 10.000 đồng/CP.
Với thị giá như trên, thay vì mua từ SCIC, các nhà đầu tư thực sự muốn đầu tư vào SMC hay AGM hoàn toàn có thể chào mua trên sàn với mức giá chỉ bằng phân nửa. Đặc biệt là trường hợp SMA, SCIC chỉ còn sở hữu 2,53%, đây không phải là tỷ lệ lý tưởng khiến những nhà đầu tư có ý định thâu tóm SMA phải giành giật.
Với trường hợp Mía đường Thanh Hóa, SCIC đưa ra phương thức chào bán là đấu giá trọn lô nên nhà đầu tư nào tham gia sẽ phải chấp nhận chi ra số tiền thấp nhất là gần 18 tỷ đồng để sở hữu chưa đến 30% vốn của một doanh nghiệp có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Công ty này có hoạt động chính là vận chuyển mía và hàng năm có ký hợp đồng trồng mía nguyên liệu để cung cấp cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, đơn vị liên kết của Mía đường Thanh Hóa, với giá trị 44,4 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn điều lệ Công ty. Có thể nói, hoạt động kinh doanh của Mía đường Thanh Hóa đang khá phụ thuộc vào đơn vị liên kết.
Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động chính của Mía đường Thanh Hóa hầu như chỉ đủ trang trải chi phí hoạt động, không đem lại nhiều lợi nhuận. Chẳng hạn, trong năm 2015, doanh thu sụt giảm từ 35,5 tỷ đồng (năm 2014) xuống 26,7 tỷ đồng, nguyên nhân là sản lượng và giá cước vận tải giảm; nhờ giá vốn giảm tương ứng nên lãi gộp tăng 21%, đạt 5,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý ở mức cao 4,9 tỷ đồng đã “ngốn” gần hết lợi nhuận gộp. Do vậy, lợi nhuận ròng của Công ty tuy đạt khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh chính, mà đến từ hoạt động liên doanh, liên kết. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty chỉ đạt 420 triệu đồng lãi ròng, thấp hơn dự kiến do chưa ghi nhận khoản thu từ hoạt động liên doanh, liên kết.
Mặc dù vậy, Mía đường Thanh Hóa có một điểm “ăn tiền” là vốn điều lệ 10 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu gần 62 tỷ đồng (chủ yếu nằm ở vốn khác của chủ sở hữu và chênh lệch tỷ giá hối đoái), chiếm 88% tổng nguồn vốn. Lịch sử trả cổ tức của Công ty khá hấp dẫn, đều đặn trên 20%/năm và dự kiến từ năm 2016 là trên 10%/năm.
Bán vốn Nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đặc biệt chú ý đến việc tư vấn định giá vì liên quan đến “đồng tiền, bát gạo của nhân dân”. Theo quy định, việc xác định giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp phải bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán trên sổ sách kế toán của SCIC (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn).
Một chuyên gia trong việc tư vấn định giá cho SCIC thoái vốn cho biết, quy định trên dẫn đến không ít trường hợp phải thông báo bán nhiều lần và phải hạ mức giá khởi điểm.
Chẳng hạn, trường hợp Mía đường Thanh Hóa nêu trên. Cuối tháng 8/2016, SCIC thông báo bán đấu giá cổ phiếu của công ty này với giá khởi điểm 632.000 đồng/CP, nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham dự nên phải hạ giá khởi điểm và sẽ tổ chức lại vào đầu tháng 11 tới tại Công ty Chứng khoán Maritime.
Có trường hợp giá khởi điểm tăng nhưng thời gian giữa hai đợt đấu giá khá xa nhau. Trước khi bán đấu giá thành công trọn lô hơn 286 ngàn cổ phiếu Thủy Sản Cafatex với giá 101.200 đồng/CP (giá khởi điểm 101.100 đồng/CP) vào ngày 7/10 vừa qua thì vào tháng 3/2015, SCIC đã thông báo bán đấu giá cổ phần Cafatex với giá 100.000 đồng/CP nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Được biết, Cafatex hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận liên tục giảm trong 3 năm gần đây và tính đến 30/6/2016 vẫn còn lỗ lũy kế hơn 21 tỷ đồng. Đồng thời, sức khỏe tài chính cũng khiến nhà đầu tư chùn bước khi hệ số nợ gấp 5 lần vốn chủ trong nhiều năm liền, nợ ngắn hạn chiếm trên 84% tổng nợ phải trả.
Một trường hợp khá kinh điển phải thực hiện chào bán nhiều lần đã diễn ra trong năm 2015 là khi SCIC chào bán hơn 450 ngàn cổ phiếu Du lịch Đồ Sơn, với giá khởi điểm 70.400 đồng/CP. Phiên đấu giá đáng lẽ rất thành công khi thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, nhưng do một nhà đầu tư có lẽ đặt nhầm lệnh khi đưa ra mức giá lên đến 58,5 tỷ đồng/CP, dẫn đến việc không thể thực hiện theo kết quả đấu giá. Sau đó, SCIC thông báo tổ chức bán đấu giá lại nhiều lần cổ phiếu Du lịch Đồ Sơn, nhưng với mức các giá cao khủng khiếp, lần lượt là 58,5 tỷ đồng/CP, 40,54 tỷ đồng/CP, rồi chuyển sang bán thỏa thuận với giá 336.600 đồng/CP, gấp 5 lần giá khởi điểm phiên đấu giá lần đầu tiên.
Không ít ý kiến đánh giá, quy định không được bán vốn nhà nước dưới giá trị sổ sách là một trong những rào cản khiến cung cầu khó gặp nhau, vì có những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, triển vọng khó khăn, không hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cần có quy định về định giá hợp lý hơn để việc bán vốn nhà nước tránh phải thông báo bán nhiều lần mới thành công.
Tâm An