Hội nước mắm Phú Quốc phản đối công bố của VINASTAS
Tình hình tiêu thụ nước mắm đã chậm lại, doanh nghiệp nước mắm không thể tự mình giải thích cho từng khách hàng rằng nước mắm chứa asen hữu cơ không độc mà phải có tiếng nói khách quan của cơ quan chức năng.

Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố 105/150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu do đơn vị này lấy mẫu trên thị trường có chứa hàm lượng asen tổng hợp (thạch tín) cao hơn mức cho phép.

Đặc biệt, những mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng hợp vượt ngưỡng quy định càng tăng. Đa số các mẫu chứa asen cao rơi vào các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước. Kết quả này làm người tiêu dùng hoang mang, thông tin bị nhiễu loạn khiến họ không biết đâu là sản phẩm an toàn.

Nước mắm truyền thống bị mang tiếng vì thông tin chứa thạch tín, giới chuyên môn,  người tiêu dùng Việt Nam,  người tiêu dùng,  nhà chuyên môn,  bảo vệ người tiêu dùng,  nước mắm phú quốc, tổ chức hội thảo, tỉnh Kiên Giang, đi châu Âu, sản xuất nước mắm, giải thưởng thương hiệu vàng sáng tạo việt nam, thương hiệu vàng

Nước mắm truyền thống bị "mang tiếng" vì thông tin chứa thạch tín

 

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho hay mấy ngày nay bà và các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc đã nhận nhiều cuộc gọi của khách hàng, người tiêu dùng hỏi về chất asen trong nước mắm. Sau khi DN giải thích cặn kẽ, khách hàng yên tâm hơn. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nước mắm Phú Quốc đã chậm lại.

“Khách hàng nghe giải thích thì có vẻ tin tưởng nhưng làm sao chúng tôi có thể đánh tan mọi hoang mang, lo sợ của người dân trước thông tin nước mắm chứa thạch tín chết người. Theo công bố của Vinastas, hầu hết các thương hiệu nước mắm truyền thống cao đạm của Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết đều chứa asen vượt ngưỡng. Ngay cả những thương hiệu nước mắm đang xuất khẩu đi Châu Âu như Thanh Hà, Hương Thành cũng có trong danh sách. Người tiêu dùng nghe chứa thạch tín thì sợ chứ ít ai quan tâm đó là asen hữu cơ hay vô cơ” – bà Tịnh nói.

Theo bà Tịnh, Vinastas không có chức năng lấu mẫu của DN để kiểm tra và cũng không có chức năng công bố kết quả kiểm tra. "150 mẫu nước mắm dùng để kiệm nghiệm lấy ở đâu? có bảo đảm đúng quy trình không? Thời điểm lấy mẫu khi nào? gửi mẫu cho trung tâm nào kiểm nghiệm mẫu?…" - hàng loạt câu hỏi được bà Tịnh đặt ra về khảo sát của VINASTAS.

Bà Tịnh cũng chỉ ra những điểm vô lý của khảo sát này: “DN chúng tôi chỉ kiểm nghiệm 1 chỉ tiêu đơn giản là ni-tơ toàn phần trong sản phẩm đã mất 12 ngày mới có kết quả. Vậy với chỉ tiêu asen, DN kiểm nghiệm ở đâu và mất bao nhiêu thời gian để có kết quả công bố như vậy? Liệu việc kiểm nghiệm về chất asen và công bố ra công chúng có thật sự khách quan hay có ý đồ gì khác?".

Mặc dù, đã có nhiều ý kiến từ giới chuyên môn và VINASTAS đều khẳng định asen tìm thấy trong các mẫu nước mắm là asen hữu cơ, có sẵn trong cá, độc tính rất thấp hoặc gần như không độc. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, thị trường nước mắm đang bị ảnh hưởng khá nặng bởi thông tin chứa chất thạch tín.

Thống kê của các siêu thị trên địa bàn TP HCM cho thấy, sức mua mặt hàng nước mắm đã giảm so với trước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ cơ quan chức năng về vấn đề này nên các siêu thị vẫn kinh doanh các mặt hàng nước mắm bình thường và chờ kết luận chính thức từ cơ quan quản lý mặt hàng nước mắm.

Trước tình hình thông tin hỗn loạn ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nước mắm truyền thống, có nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này, Hội nước mắm Phú Quốc đã kiến nghị UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang nhanh chóng tổ chức hội thảo về asen trong nước mắm với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, DN nước mắm để sớm cung cấp thông tin đúng đến người tiêu dùng.

Thanh Nhân