Từ châu thành Cổ Phong có cung Vĩnh Lạc đến Kim Điện trên Thiên Trụ Phong lát đường bằng đá xanh dài hơn 70 km, dọc đường xây dựng 8 cung, 2 quán, 36 am, 72 miếu đá, 39 cầu, 12 đình đài… tạo thành một quần thể kiến trúc vĩ đại, tổng diện tích xây dựng là 1,6 triệu mét vuông. Xứ sở như chốn thần tiên này có quy mô hoành tráng, tốn phí cực lớn, nói quá lên là trước đó lịch sử chưa từng có.
Võ Đang được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo với Thái Cực quyền và Bát Quái chưởng. Tương truyền, Trương Tam Phong từng tu luyện trên núi Võ Đang, từ đó khai sáng Võ Đang quyền pháp, trở thành một trong những môn phái võ thuật danh tiếng nhất Trung Hoa. Vì thế mà dân gian có câu: “Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang”.
Núi Võ Đang còn có tên gọi khác là núi Thái Hòa. Trên núi có rất nhiều đại điện nổi tiếng như Tịnh Nhạc cung, Cổ Đồng cung, Huyền Thiên Ngọc Hư cung, Tử Tiêu cung, Kim Điện cung, v.v. Hầu hết tất cả các đại điện và những tòa nhà cổ ở đây đều được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Ngoài các tòa nhà cổ xưa, núi Võ Đang còn lưu giữa hơn 7.400 di tích văn hóa quý giá. Đặc biệt là các di sản văn vật Đạo giáo nổi tiếng mang ý nghĩa văn hóa sâu xa.
Tử Tiêu cung là cung điện nổi tiếng nhất, có quy mô lớn nhất, các ngôi nhà cũng được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên núi Võ Đang. Quần thể kiến trúc này hiện có 29 tòa nhà được bố trí trên một sân thượng rộng 6.854 mét vuông.
Nanyan (Nam Nham) cung nằm ở một trong những khu vực đẹp nhất núi Võ Đang.
Biểu tượng của núi Võ Đang chính là ngôi đền vàng Kim Điện làm bằng đồng mạ vàng nặng đến 405 tấn, được xây dựng trên đỉnh núi vào năm 1416.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, núi Võ Đang đã chứng kiến những bậc đạo sĩ, chân nhân tu hành nơi đây. Có lẽ vì vậy mà hòa cùng với sắc núi mây trời còn là một không gian huyền thoại, một vẻ đẹp thoát tục tựa chốn bồng lai.
Hải Yến