Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về vấn đề này.
Ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng giám đốc BSR |
Thưa ông, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do AFTA, VKFTA đã và sẽ có tác động như thế nào đến tình hình tiêu thụ của BSR hiện nay?
Ông Trần Ngọc Nguyên: Theo thông tư hướng dẫn của Bộ tài chính số 24/2013/TT-BTC ngày 1/3/2013 và thông tư số 177/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 về sửa đổi bổ sung hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu tiêu thụ trong nước của BSR thì giá bán hàng của BSR là giá bán bao gồm thuế nhập khẩu. Bắt đầu từ năm 2016, thuế suất thuế ưu đãi (MFN) áp dụng cho sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang cao hơn nhiều so với thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói trên. Theo đó, mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10%, còn đối với BSR là 20% (theo AKFTA) và đối với dầu Diesel là 0% và BSR là 10% (theo AFTA). Như vậy có thể thấy chênh lệch 10% thuế suất (tương đương 4-5 usd/thùng) khi mua từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cao hơn so với hàng nhập khẩu, điều này làm cho các đầu mối kinh doanh xăng, dầu ưu tiên mua hàng nhập khẩu hơn và khoảng cách này càng tăng lên khi giá xăng dầu tăng lên.
Để bán được hàng, chúng tôi buộc phải giảm giá bán, cụ thể là phụ phí cho mặt hàng dầu Diesel giảm 1,3 USD/thùng trong 6 tháng đầu năm 2016 so với 6 tháng cuối năm 2015 và khối lượng mua từ khách hàng cũng giảm đi so với năm 2015. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của BSR.
Như vậy, nếu cơ chế chính sách về thuế không điều chỉnh kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngang bằng với các nước mà chúng ta cam kết hội nhập thì chắc chắn doanh nghiệp nội sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Vậy cần có giải pháp nào để doanh nghiệp nội không thua trên sân nhà, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Nguyên: Hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành rất an toàn và ổn định ở 102% công suất (20.000 tấn/ngày) đáp ứng từ 30-40% nhu cầu cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, nếu thuế suất không được điều chỉnh ngang bằng với thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản thì chắc chắn sản phẩm của chúng tôi không thể cạnh tranh được. Quy luật thị trường ở đâu có sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng và giá thành rẻ hơn ở đó có lợi thế cạnh tranh. Trong khi sản phẩm xăng, dầu chiếm 90% tổng sản lượng của toàn nhà máy, nếu không bán được hàng thì nguy cơ tồn kho cao và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
Có thể thấy chịu thuế nhập khẩu cao hơn đang là một trong những khó khăn khiến sản phẩm xăng, dầu trong nước khó cạnh tranh với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu từ nước ngoài. Thực tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn cho thấy những bài học lớn, những tính toán khoa học, chiến lược không chỉ dừng lại trong quá trình đầu tư, quản lý sản xuất của doanh nghiệp mà còn cả trong xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách và cam kết hội nhập. Bởi khi chúng ta cam kết giảm thuế ở sân chơi toàn cầu thì việc giảm thuế cho hàng nội là điều hiển nhiên và cần thực hiện sớm để doanh nghiệp không bị thua trên sân nhà.
Xin cảm ơn ông!