1. Phát tâm sân hận
Theo Phật giáo Đại Thừa, lúc phiền não nghiêm trọng nhất là lúc sinh tâm sân hận. Tâm sân hận nổi lên thì hủy hoại cả trăm kiếp tích lũy thiện nghiệp. Tích lũy công đức từ những việc nhỏ, trải qua lâu dài mà chỉ vì một phút nóng nảy, thiếu kiên nhẫn là hủy diệt hết. Vừa giận lên là trăm ngàn nghiệp chướng kéo đến, thiêu đốt công đức.
2. Tự xưng là công đức
Cố ý khoe khoang với người khác về công đức của mình, khoe khoang việc tu hành của mình, tuyên truyền về điểm tốt của mình thì thiện nghiệp tiêu tán. Thiện từ tâm, chân tâm thì có thiện. Nếu hành thiện để khoe, để oai thì thiện ấy là gian dối, biến thành ác mất rồi.
3. Hối hận vì làm thiện
Làm thiện mà hối hận, ví như bố thí hay tiến tu công đức nhưng rồi lại tiếc tiền, nghĩ là lãng phí thì lại mất hết nghiệp. Thiện nghiệp chỉ được tích lũy khi bản thân tự nguyện làm, cảm thấy thoải mái khi làm, hiểu được mục đích ý nghĩa của việc mình làm mà thôi.
4. Hướng đi sai lầm
Nhiều người cho rằng, mình hành thiện để mong được hồi báo, đó là con đường sai lầm. Mong dựa vào thiện căn để trở nên mạnh mẽ, áp chế người khác, là sai trái. Lấy tham, sân, si là mục tiêu thì hướng đi không thể đúng đắn được. Bất cứ khi nào bản thân làm thiện vì cái “tôi” chứ không phải cái “tâm” đều sẽ phá hủy thiện nghiệp. Cuộc đời có nhân quả, dẫu trong ý nghĩ cũng có nhân quả, nên làm gì, nghĩ gì để sẽ nhận được điều tương ứng.
Thiện nghiệp là nghiệp lớn, do tâm con người phát ra. Mỗi khi làm điều gì, chỉ cần tâm hướng thiện thì sẽ là lành. Tâm viên mãn ắt nghiệp lành viên mãn. Khi hành thiện, đừng nghĩ ngợi, so đo hay tính toán, vì một khi đã vướng vào những điều ấy, hành thiện sẽ không còn là hành thiện, mà chỉ là giả hành thiện mà thôi.