Thầy Đỗ Hữu Ngập- phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi gặp gỡ cự SV
Cuộc sống cứ mãi trôi đi, trôi đi theo thời gian một cách xô bồ và hối hả, vô tình ta bị cuốn vào những guồng máy của công việc, vào nhịp thở của xã hội, chở bao kỉ niệm dần rời xa tâm trí mỗi sinh viên chúng tôi hồi ấy. Để rồi đôi khi bất chợt nghe đâu đó một câu ca quen thuộc, một cái tên về một ngôi trường rất đỗi thân quen mà mình đã vô tình quên lãng. Tôi vội dừng lại một chút để ngoảnh lại, quá khứ chợt ùa về, rồi như một cuốn phim chiếu chậm, cận cảnh và rõ nét, về một thời sinh viên yêu dấu với bao kỉ niệm đẹp dưới mái trường và thầy cô.
Thầy cô chụp ảnh kỷ niệm cùng các cựu SV HIASTThầy cô chụp ảnh kỷ niệm cùng các cựu SV HIAST
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, nhớ lại ký ức của suốt ba năm thời sinh viên dưới giảng đường HIAST. Tôi đến trường nhập học vào một buổi sáng mùa thu đầy nắng ấm. Những sợi nắng vàng còn sót lại của mùa hè mắc víu trên tán cây xanh lá đã trở nên dần nhạt màu hơn, nhưng vẫn đủ nhuộm một màu vàng óng cho một buổi đầu thu, như hân hoan đón chào những tân sinh viên mới bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường HIAST. Khép nép trong màu áo sinh viên ngày ấy, tôi cảm giác mình như đang trưởng thành lên rất nhiều và tự hào hơn khi được khoác trên người bộ đồng phục mang dòng chữ HIAST trước ngực áo.
Khó có thể quên đi những ngày đầu tiên bước vào lớp, làm quen những người bạn mới, phải dần làm quen với một sự thay đổi thực sự khi phải rời xa những gì đã quá quen thuộc đến nỗi như một phần của cuộc sống. Rồi với bản tính nghịch ngợm không chịu ngồi yên, tôi cũng nhanh chóng hòa đồng với những người bạn mới của mình, một lớp trưởng trẻ con, nghịch ngợm; một bí thư dễ gần nhưng cũng đầy tinh thần trách nhiệm.
Những người bạn lại là những người đồng hành tuyệt vời, luôn sát cánh bên tôi trên con đường học tập. Nhưng để nói tôi của ngày hôm nay, thì thầy cô mới là những người đã có công lớn nhất. Tôi vẫn nhớ cô Phi Yên – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, thầy Của… và đặc biệt là cô Nhàn – chủ nhiệm lớp tôi ngày ấy. Thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng tôi thành người. Ca dao tục ngữ có câu “thầy cô là những người lái đò qua sông”, thì những người thầy cô trường HIAST chúng tôi là những người lái đò xuất sắc nhất như vậy.
Ngôi trường HIAST ngày ấy không được đồ sộ, to lớn như nhiều ngôi trường khác, nhưng đối với tôi nó lại quý giá vô cùng. Đơn giản bởi hàng ngày lên lớp, tôi được học rất nhiều thứ mới mẻ, cảm nhận được thêm tình yêu đất nước to lớn của dân tộc qua những bài thuyết trình của những bộ môn về xã hội học mà các thầy cô thuyết trình. Có được tất cả những điều ấy là nhờ công lao của những thầy cô đã thầm lặng ngày ngày truyền đạt kiến thức cho chúng tôi. Thầy cô dạy chúng tôi những đức tính tốt đẹp, những đạo lý để làm người. Chính các thầy cô, những người luôn tận tuỵ suốt nhiều năm tháng ấy đã dìu dắt tôi đến bến bờ tri thức, để bây giờ mỗi khi nhớ lại là biết bao cung bậc, những cảm xúc khó tả biết chừng nào… Tuy tất cả giờ đây đã mãi xa vời, nhưng những ký ức trong tôi vẫn luôn còn mãi, hiện hữu như chỉ vừa mới hôm qua.
Nhớ lắm những kỉ niệm buồn vui, những lúc sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua trong học tập và cả những tình yêu “chớm nở”, những rung động đầu đời, những cảm xúc ngây ngô, vụng dại của tuổi mộng mơ, tình yêu thời “sinh viên”. Nhớ lắm từng hàng ghế đá quen thuộc nơi tôi, cũng như nhiều sinh viên hồi ấy thường ngồi ôn bài. Do lớp tôi thuộc dân khối quản trị văn phòng, nên phần lớn là các bạn nữ. Cái ghế đá kỷ niệm của mấy đứa bà tám khối C5VP hồi ấy, cứ mỗi lần đi học là cả nhóm tranh nhau ngồi lên chiếc ghế đó để rồi cùng nhau kể chuyện buổi học vừa xong.
Ngôi trường HIAST, nơi ươm những ước mơ, nơi để lại biết bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn của thời sinh viên- một thời để nhớ một thời để thương. Ôi nhớ lắm ngôi nhà C5VP, nhớ về ngôi trường HIAST yêu dấu. Nhớ lắm những ngày cắp sách tới trường, nhớ lắm những ngày 08/03, ngày 20/10, tụi con trai trong lớp C5VP ga lăng hẳn ra với đám con gái khi tranh đi lau bảng, kê lại bàn ghế, và thẹn thùng trao tặng những nhành hoa hồng còn e ấp nụ như chính tuổi của thời sinh viên.
Nhớ lắm những phút giây nghẹn ngào khi chia tay nhau trong vào những năm cuối trước lúc ra trường, những giọt nước mắt như chực rơi lại được lau vội đi vì không muốn tất cả buồn. Chúng tôi, đứa nào cũng bịn rịn với nhau, đứa nào cũng sợ cái ngày thi tốt nghiệp ra trường, bởi trong suy nghĩ ai cũng biết, rồi mai đây, mỗi đứa một phương trời riêng, theo đuổi tương lai riêng, biết bao giờ mới gặp lại. Tôi vẫn nhớ câu nói của cô chủ nhiệm khi mới bước vào học kỳ II của năm cuối: “ kỳ thi tốt nghiệp này sẽ là cánh cửa để các em thực hiện mơ ước cho tương lai của mình”. Câu nói của cô tuy đơn giản, nhưng đã cho chúng tôi thêm niềm tin, động lực để tiến bước xa hơn những gì mà vẫn nghĩ vẫn nghĩ.
Sau bốn năm ra trường, những sinh viên của chúng tôi hồi ấy giờ mỗi người một hướng đi, bạn thì làm kế toán, bạn làm văn thư, có bạn thì về tự mở công ty riêng giờ cũng rất thành đạt. Đã lâu lắm rồi, mùa 20/11 năm nay chúng tôi mới lại có dịp hội tụ cùng nhau khi về thăm mái trường xưa trong ngày “Gặp mặt cựu sinh viên HIAST”, cảm xúc ấy thật là vui sướng biết bao.
Dù đã rời xa ngôi nhà HIAST, nhưng tất cả những sinh viên ngày ấy cũng như bây giờ vẫn luôn nhớ về trường không bao giờ quên. Dẫu biết rằng đường đời còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng chúng tôi những cựu sinh viên HIASTcũng sẽ vượt qua, bởi lẽ chỉ có thế mới đáp lại những gì mà thầy cô đã truyền đạt kiến thức làm hành trang để mình bước vào đời…Xin dành tình cảm tốt đẹp nhất, những lời tri ân nồng thắm nhất dành tặng đến những người thầy, người cô đã cùng chúng tôi đi qua những năm tháng đẹp nhất của thời sinh viên đầy kỷ niệm …
Dẫu biết, mỗi chúng ta ai cũng đã từng có một thời sinh viên hồn nhiên “như cô tiên” với nhiều kỷ niệm như thế…Đôi lúc khi tấp nập bồn bề với cuộc sống, đôi lúc khi đi qua ta lại lãng quên những năm tháng “mộng mơ”, những ngày xưa chất chứa biết bao hoài bão riêng mình … Hãy nhớ về ngày xưa ấy, sống lại những năm tháng của thời “sinh viên” để thấy đâu đó những kỷ niệm thân thương trường lớp, những đứa bạn đáng yêu, tinh nghịch ngày nào và những người thầy, người cô âm thầm lái đò qua sông.
Đức Vượng