Đám cưới của cặp thanh ma trúc mã xôn xao Hà Thành đầu thập niên 80 thế kỷ 20
Đám cưới của giai nhân bậc nhất Hà thành cùng cậu ấm út của ông chủ hiệu buôn Tam Kỳ được xem là 1 trong 4 sự kiện lớn nhất của phố Hàng Đào thuở ấy.
Hà Nội có đặc sản “nhà trong ngõ, ngõ trong nhà”. Đi vào một cái “ngõ trong nhà” như thế ở phố Hàng Đào thì lên được căn gác của cặp vợ chồng nghệ sĩ Như Quỳnh Hữu Bảo. Đó không phải một căn gác Hà Nội xưa cũ, và càng lạc lõng với phong cách nội thất hiện đại. Một bộ bàn ghế mây cũ kĩ, tấm thổ cẩm dệt tay tối màu treo trên tường, cái mũ của người Mông đặt trên góc bàn làm việc, và nhiều vật dụng mang dấu ấn của sự nhặt nhạnh trong những chuyến du ngoạn mỏi gối khắp các vùng dân tộc ít người. Bàn thờ tổ tiên trang nghiêm quang đãng ở ngay gian khách với bát hương bằng đồng sạch sẽ cùng những tấm chân dung đặt ngay ngắn uy nghi. Nói là trở về với Hà Nội xưa cũ trong không gian ấy thì không đúng. Nhưng cảm giác rất rõ về sự ngưng đọng thời gian ở nơi này. Như thể mọi xô bồ ồn ào của con phố trung tâm náo nhiệt nhất phố cổ chẳng thể len lỏi được vào đây. Căn gác ấy nhiều gam màu nâu sẫm nhưng không tối, cũ kĩ mà không xập xệ, khác biệt mà không phá phách, chẳng sắp đặt mà cũng không bừa bãi. Nó toát lên đúng cái cá tính của người đàn ông chủ nhân: thích sự đơn giản, minh bạch, dung dị mà không thô lậu, suồng sã.
 
như quỳnh - hữu bảo
Vợ chồng nghệ sĩ Như Quỳnh - Hữu Bảo
 
Ở bề ngoài, Hữu Bảo là một thái cực đối lập của Như Quỳnh. Như Quỳnh nhu mì, nhẹ nhàng, thu mình. Hữu Bảo sôi nổi, mạnh mẽ, quảng giao. Ấy thế mà Như Quỳnh lại nổi tiếng rực rỡ. Còn Hữu Bảo như một nốt lặng, nhưng là một nốt lặng giàu cảm xúc của nhiếp ảnh Việt. Nếu có điểm nào đó chung giữa họ, thì có lẽ là một khí chất vừa cao sang vừa khiêm nhường, vừa lịch thiệp vừa dung dị, mà người ta hay gọi là “người Hà Nội gốc”. 
 
như quỳnh - hữu bảo
Chân dung NSNA Hữu Bảo - chồng NSND Như Quỳnh
 
Nhưng chính Hữu Bảo, chàng công tử Hà Thành là con trai út của cụ Tam Kỳ - nhà tư sản nổi tiếng Đông Dương đầu thế kỉ XX, lại kịch liệt phản đối cái tư tưởng “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Bởi trong quan điểm của ông, không có người Hà Nội gốc nào trong gia phả, mỗi người Hà Nội gốc đều có cái gốc gác nhà quê. Tư tưởng ấy thể hiện rất rõ trong nhiếp ảnh của Hữu Bảo. Hà Nội của Hữu Bảo không phải những chốn quyền quý sang giàu trai thanh gái lịch. Đó là một Hà Nội mộc mạc, gần gũi với những phận người mưu sinh cơ cực, hoặc thảng đôi khi phảng phất hơi hướm vàng son của một thời “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
 
như quỳnh - hữu bảo
Vẻ đẹp hút hồn của Như Quỳnh thời trẻ
 
Sa đà dài dòng vậy, cũng là muốn nói: chồng của NSND Như Quỳnh lạ lắm, hay lắm. Hay và lạ từ cách nghĩ đến cách sống, từ lối nhìn đến lối cảm. Ở bên người đàn ông như thế, bảo sao Như Quỳnh không giữ mãi cái vẻ đẹp nhu mì, trễ nải, tự tại đến mê dụ lòng người.
 
Công tử út nhà Tam Kỳ và ái nữ nhà Tiêu Lang – Kim Xuân
 
Họa sĩ truyền thần nổi tiếng Bảo Sinh nói rằng: trong đời ông được chứng kiến 4 sự kiện lớn nhất của phố Hàng Đào. Một là voi đi qua phố thời Pháp thuộc, hai là tàu điện trượt ray đâm sầm lên vỉa hè, ba là ngày quân giải phóng chiến thắng kéo về thủ đô và bốn là đám cưới Như Quỳnh – Hữu Bảo.
 
như quỳnh - hữu bảo
Đám cưới của Như Quỳnh - Hữu Bảo là 1 trong 4 sự kiện lớn nhất của phố Hàng Đào thế kỷ XX trong nhận định của họa sĩ truyền thần Bảo Sinh
 
Năm 1980, đám cưới của Như Quỳnh – Hữu Bảo diễn ra. Thời điểm ấy, Như Quỳnh đang rất nổi tiếng với những Bài ca ra trận, Đến hẹn lại lên, Mối tình đầu. Hữu Bảo bảo “Lúc ấy Như Quỳnh được xem là giai nhân bậc nhất Hà Thành, là hiện tượng cùng với Ái Vân (ca sĩ Ái Vân – pv). Rất nhiều ảnh Như Quỳnh và Ái Vân được bán ngoài phố. Lính thời ấy hay mua về bỏ vào túi, đến giờ vẫn còn người giữ.
 
Như Quỳnh là con gái của cặp danh ca cải lương đoàn Chuông Vàng: Tiêu Lang – Kim Xuân. Kim Xuân xinh đẹp khó ai sánh bằng, nổi tiếng với vai Thúy Kiều. Vai Kiều của bà trên sân khấu cho đến nay chưa ai vượt qua được về cả sắc đẹp lẫn tài năng diễn xuất. Như Quỳnh giống bà như hai giọt nước, cũng nổi tiếng vì đóng Kiều thay mẹ. Nhưng giọng không bằng mẹ. “Giọng ai như giọng Mộng Dần/ Giọng ai như giọng Kim Xuân Chuông Vàng” mà. Thế nhưng, nàng Kiều nhỏ lại có duyên với điện ảnh. Với vai Nết trong Đến hẹn lại lên, Như Quỳnh khiến khán giả ngất ngây trước một nhan sắc thanh cao khác biệt, vừa nền nã mộc mạc, vừa ngọc ngà quyền quý.

như quỳnh - hữu bảo Vẻ đẹp diễm lệ của cô dâu Như Quỳnh trong bộ áo dài màu huyết dụ
 
Nhưng mình Như Quỳnh nổi tiếng chưa đủ. Đám cưới của cô Nết khiến cả tuyến phố Hàng Đào hai đầu đều bịt kín những người còn vì chú rể là Nguyễn Hữu Bảo - cậu ấm út của cụ Nguyễn Hữu Nhâm – nhà đại tư sản, ông chủ hiệu buôn Tam Kỳ một thời nức tiếng khắp Đông Dương đồng thời là chủ nhà máy da lớn nhất Hà Thành. Hiệu buôn Tam Kỳ những năm 40 là địa chỉ của giới thương gia và gia đình giàu có khi muốn tìm những xấp vải hiếm nhất, quý nhất. Có một câu chuyện đặc biệt mà đến mãi sau này, thế hệ con cháu trong gia đình mới biết. Đó là thời điểm trước ngày Quốc khánh 2/9, ông Nguyễn Hữu Đang, khi đó được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho lễ đài tuyên bố độc lập, đã đến nhà Tam Kỳ vận động bà Tam Kỳ giúp đỡ. Bà Tam Kỳ không ngần ngại vét sạch số lụa đỏ và vàng trong nhà, lại đi quyên góp thêm ở các gia đình cùng phố giao cho ông Nguyễn Hữu Đang. Số lụa quý đó được dùng vào việc kết hoa và chăng ở lễ đài Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. Hai ngày sau, đích thân bà Tam Kỳ xếp 300 lượng vàng vào hộp bánh bích quy mang tới Nhà hát Lớn quyên góp cho Chính phủ lâm thời.
 
Nhà Kim Xuân Chuông Vàng thông gia với nhà Tam Kỳ thì còn ai hơn được nữa. “Chắc giống như đám cưới của thiếu gia với kiều nữ bây giờ phải không ạ?”, Hữu Bảo cười sảng khoái thay cho câu trả lời.
 
như quỳnh - hữu bảo
Cô dâu Như Quỳnh được mọi người chăm chút cho diện mạo trước giờ vu quy
 
Mối tình của tôi với Như Quỳnh cũng buồn cười lắm. Chúng tôi đến với nhau không phải từ những làm quen, tán tỉnh kiểu người hâm mộ với thần tượng hay kiểu thiếu gia – chân dài. Mà đến với nhau bằng mối quan hệ gia đình.” – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo tâm sự.
 
Chị gái ruột của Như Quỳnh lấy anh trai ruột của Hữu Bảo. Do đó, hai người coi nhau như anh em trong nhà. “Mỗi khi sang nhà Như Quỳnh chơi hay Quỳnh sang nhà tôi chơi, đôi khi nóng quá tôi còn mặc quần đùi cởi trần. Rất tự nhiên. Chứ sang tán tỉnh nhau mà ăn mặc thế thì xong rồi. Thế rồi một ngày kia thấy cần có nhau. Mối tình diễn ra ngẫu nhiên lắm.” – Hữu Bảo chia sẻ.
 
như quỳnh - hữu bảo
Cận cảnh gương mặt đẹp như vẽ của Như Quỳnh trong ngày cưới
 
Ngày họ bỗng dưng thấy cần có nhau ấy là thời gian Như Quỳnh đang trải qua nỗi buồn thăm thẳm của mối tình đầu tan vỡ. Người yêu trước của Như Quỳnh cũng là bạn của Hữu Bảo. Dĩ nhiên, ông không phải người lấp chỗ trống. Mối quan hệ thân thiết gần gũi như người trong nhà cộng thêm việc quá hiểu tình cảm của cô em gái đã khiến chàng trai trẻ trở thành chỗ dựa tinh thần cho nữ diễn viên nổi tiếng. Bao nhiêu độ lượng cũng xuất phát từ chỗ quá hiểu nhau và quá thương nhau ấy. Quá hiểu, quá thương nên suốt gần 40 năm qua, họ luôn giữ một mối quan hệ đầy bao dung, trân trọng. Mà nói như Hữu Bảo là: “Cuộc sống của chúng tôi rất dung dị, không màu mè như người khác. Chúng tôi khiêm nhường sống với nhau đúng với bản chất thực của mình. Nhìn nhau mà sống, sửa nhau để sống”.
 
như quỳnh - hữu bảo
NSNA Hữu Bảo: Chúng tôi khiêm nhường sống với nhau đúng với bản chất thực của mình. Nhìn nhau mà sống, sửa nhau để sống.
 
Hữu Bảo nói về người vợ nổi tiếng của mình bằng niềm tự hào không giấu giếm và ánh mắt thì sáng lên lấp lánh. Nhưng không chút phô trương. Ông cứ điềm đạm kể về các vai diễn củaNhư Quỳnh, không để ý rằng người đối diện ông đang trào dâng cảm kích vì một người chồng có thể ghi nhớ sự nghiệp của vợ kĩ lưỡng dường vậy. Dù con đường đi của hai người khác nhau, sự nghiệp khác nhau, đam mê cũng khác nhau. 
 
Bộ ảnh màu đầu tiên của Hà Nội
 
Mặc dù cả hai đều xuất thân trong gia đình danh giá, nhưng qua những biến động thời cuộc, sự danh giá ấy cũng chỉ còn là “vàng son một thời”. Thời bao cấp, nhà ai cũng giống nhau. Cả Hữu Bảo và Như Quỳnh đều không muốn làm phiền bố mẹ mà tự chăm lo chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của mình. “Lễ cưới lúc đó làm ngay trong sân nhà tôi” – Hữu Bảo vừa kể vừa mở cuốn sách có in bức ảnh chụp đám cưới ở sân giữa căn nhà 48 Hàng Đào– “Năm 80 cực kì khó khăn, gần như không đám cưới nào có lễ mặn vì làm gì có điều kiện để làm. Đám cưới tôi và Như Quỳnh cũng thế. Chúng tôi làm tiệc ngọt mời khách. Nhưng vui lắm. Phạm Trọng Khôi đàn piano, Lệ Quyên hát (danh ca Lệ Quyên hiện đang sinh sống tại nước ngoài, không phải ca sĩ Lệ Quyên hiện nay - pv). Bạn bè, họ hàng đều tụ tập trong sân. Người tặng nồi xoong, người tặng khăn mặt, người tặng vải tã trẻ con. Tất cả đều chung tay giúp cho cặp vợ chồng trẻ tạo lập cuộc sống bằng những vật dụng sinh hoạt như thế”.
 
như quỳnh - hữu bảo Vẻ đẹp diễm lệ của cô dâu Như Quỳnh trong bộ áo dài màu huyết dụ
 
Duy có ba thứ được xếp vào hàng “sang” nhất bấy giờ: một là chiếc xe Hải Âu mượn được của công ty xe khách Hà Nội để đi đón dâu, hai là bộ áo dài màu huyết dụ của Như Quỳnh và ba là bộ ảnh màu đầu tiên của Hà Nội.
 
Thời đó người ta đón dâu bằng xe khách, xập xệ xuống cấp như xe chở gia súc bây giờ. Có được chiếc xe Hải Âu là sang lắm đấy.” – Hữu Bảo kể. Khi chiếc xe Hải Âu đi từ Bát Đàn về Hàng Đào, hàng trăm người ở hai bên đường, rồi từ các tuyến phố khác trong khu phố cổ kéo về, bịt kín hai đầu phố, chen chúc nhau để nhìn cho bằng được gương mặt diễm lệ của cô dâu. Biển người ngỡ ngàng hò reo vì Như Quỳnh mặc chiếc áo dài màu huyết dụ và đeo khăn vấn đen y như trang phục của Nết trong Đến hẹn lại lên.
 
như quỳnh
Cô dâu Như Quỳnh ăn mặc và trang điểm giống hệt nhân vật Nết mà cô thủ vai trong phim "Đến hẹn lại lên"
 
như quỳnh - hữu bảo
Chú rể và cô dâu chụp hình bên cạnh bạn bè. Nam thanh niên chơi đàn piano chính là nhạc sĩ Phạm Trọng Khôi thời trẻ.
 
Ngày đó không có váy cưới. Và cũng chẳng có tiền mà may áo dài cưới. Hầu như là người ta đi thuê. Nhà bình dân thì cô dâu có khi chỉ mặc quần lụa đen và áo cánh trắng. Còn Như Quỳnh có chiếc áo dài đó là nhờ bác ruột ở Pháp gửi về cho tấm vải nhung màu huyết dụ, thế là đi may bộ đồ giống trong phim. Lúc Như Quỳnh xuống xe, người dân hai bên đường náo nức trầm trồ vì như gặp được cô Nết ngoài đời.” – Đôi mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo sáng lên lấp lánh.
 
Đảm nhận việc chụp ảnh trong đám cưới Như Quỳnh – Hữu Bảo là đạo diễn Phạm Việt Thanh, chồng của NSND Lê Khanh. Những năm 80 chỉ có ảnh đen trắng chứ chưa có ảnh màu. Nhưng Việt Thanh lại có được 1 cuộn phim màu Kodak, được người nhà từ nước ngoài gửi cho. Ông nói với Hữu Bảo là cứ chụp thử xem thế nào, mặc dù chụp xong thì để đấy vì ở Việt Nam chưa có kĩ thuật in tráng ảnh màu. “Mãi đến năm 84, người nhà Như Quỳnh từ Pháp về chơi mới đem cuộn phim ấy ra nhờ mang sang Pháp rửa. Trong lòng tâm niệm là chắc gì đã được. Vì phim để lâu quá rồi. Ấy thế mà còn nguyên vẹn. Nhìn những tấm hình màu, nhất là màu đỏ huyết dụ của chiếc áo Như Quỳnh hiện lên, mình không khỏi hạnh phúc và có chút tự hào. Đó là bộ ảnh màu đầu tiên của Hà Nội đấy. Bộ ảnh thứ hai là của đám cưới con trai một quan chức lớn Hà Nội, đẹp và hoành tráng hơn rất nhiều nhưng vị trí đầu tiên thì đã thuộc về Như Quỳnh – Hữu Bảo.” – Hữu Bảo dí dỏm tâm sự.
 
như quỳnh - hữu bảo
Bộ ảnh màu đầu tiên của Hà Nội đã thuộc về cặp đôi Như Quỳnh - Hữu Bảo
 
Gần 40 năm từ đám cưới dung dị ấy. Không có quà cưới gì quý giá, cũng chẳng có kỉ vật nào còn giữ lại. Ngoại trừ chiếc áo len Như Quỳnh đan tặng cho chồng trước ngày cưới. “Đến giờ tôi vẫn mặc. Cũng sắp 40 năm rồi đấy nhỉ. Tôi vẫn mặc vì nó đẹp, mặc vẫn thấy được, chứ chẳng phải vì lưu giữ này nọ gì đâu.” – Hữu Bảo tủm tỉm cười. Rồi ông lại hồ như thắc mắc, hỏi mà như chẳng phải để hỏi: “Ừ mà không hiểu sao mặc cái áo ấy vẫn thích thật”.
 
Gần 40 năm, Hà Nội đã thay đổi quá nhiều. Con phố Hàng Đào không còn dấu vết gì của 40 thập niên về trước. Hữu Bảo – Như Quỳnh đã đi qua những năm tháng khó khăn nhất của Hà Nội. Những năm tháng cơm áo không đùa với khách thơ ấy, cậu ấm nhà Tam Kỳ và ái nữ nhà Tiêu Lang – Kim Xuân cũng như mọi cặp vợ chồng nghệ sĩ khác, chật vật và đạm bạc qua ngày. Cũng có lúc Hữu Bảo đã đi làm thêm nghề tay trái là chụp ảnh cưới nhưng rồi phải bỏ vì không “có nghề”, chụp tử tế thì không chụp lại cứ chụp ngẫu hứng, kiểu như bấm máy cái khoảnh khắc chú rể lau nước mắt cho cô dâu. Như Quỳnh thì một thời gian dài vừa đóng phim vừa mở quán cà phê Quỳnh tại nhà. Thế rồi cũng qua hết. 
 
như quỳnh - hữu bảo Vẻ đẹp diễm lệ của cô dâu Như Quỳnh trong bộ áo dài màu huyết dụ
 
Nhưng dù Hà Nội có thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt cùng cơn bão lốc cuồn cuộn những xô bồ ngoài phố, căn gác nhỏ nép trên tầng 2 vẫn tự tại an nhiên. Hữu Bảo – Như Quỳnh cũng an nhiên tự tại như thế. Đủ để mỗi khi nhắc đến nhau là gọi bằng cả tên lẫn đệm, trân quý như thủa ban đầu.