Google nổi tiếng với những câu hỏi hóc búa đến xương tủy trong những buổi phỏng vấn của mình. Tuy nhiên, các ứng viên thất bại cũng đừng buồn quá, vì ngay cả Eric Schmidt, chủ tịch cấp cao của Alphabet - công ty mẹ của Google - cũng phải vật lộn đến toát mồ hôi hột khi đối đầu với những câu hỏi đó.
Cụ thể, trong khi tham dự phát biểu tại một hội thảo công nghệ trước đây với tên gọi "Summit at Sea", Schmidt đã được hỏi một câu hỏi như sau:
"Ông là thuyền trưởng của một con tàu cướp biển và đã tìm thấy một rương vàng kho báu. Toàn bộ thủy thủ đoàn cần phải thống nhất với nhau xem sẽ chia số kho báu đó ra sao. Nếu ít hơn một nửa số thủy thủ đoàn đồng ý với phương án của ông, ông sẽ phải chết. Vậy cách xử lý và chia chiến lợi phẩm của ông được tính toán như thế nào để có thể vẫn dành phần hơn về mình, nhưng vẫn nhận được nhiều sự đồng ý và sống sót?"
Eric Schmidt - Chủ tịch cấp cao tại Alphabet.
Schmidt sau đó đã liên tục câu giờ bằng cách hỏi đi hỏi lại câu hỏi và tìm kiếm thêm những đề xuất, gợi ý khả thi từ đề bài.
"Để tôi tính xem... nếu một nửa chết. À không, nếu tôi chết... Không, nếu họ không đồng tình với tôi, tôi sẽ toi mạng. Câu hỏi này hóc thật đấy," Schmidt lúng túng.
Mặc dù tỏ ra không thích thú lắm khi rơi vào tình thế bị đánh đố bởi chính công ty dưới tay mình điều hành, những Schmidt ít ra cũng đi đến một giải pháp có phần khá nửa vời: "Chỉ cần hơn một nửa số thủy thủ đoàn đồng ý thì tôi sẽ sống phải không? Vậy thì tôi sẽ đem 49% số tiền đó đi đầu tư vào các công ty Internet, còn 51% số thủy thủ đoàn nhận tiền sòng phẳng."
Cũng may mắn là Google đã bỏ đi những câu hỏi "điên rồ" tương tự như vậy vài năm trước vì nhận ra rằng nó không có tác dụng nhiều lắm trong việc phân biệt ứng viên nào sẽ có tiềm năng lớn trong tương lai. Năm vừa rồi, Laszlo Bock, Phó Chủ tịch Quản lý Nhân sự tại Google có chia sẻ với trang tin Quartz rằng nhân viên của họ vốn đã có truyền thống và thói quen đặt ra các câu hỏi khó nhằn cho người được phỏng vấn nên sẽ còn lâu nữa mới có thể thay đổi toàn bộ khuôn phép này.
Mong rằng tính đến thời điểm hiện nay, Google đã hoàn toàn bỏ đi những vấn đề vô ích như vậy, vì biết đâu được họ rất có thể sẽ bỏ lỡ mất một nhân tố tài năng như Eric Schmidt chỉ vì áp dụng chúng một cách máy móc và rập khuôn.