Buổi làm việc diễn ra ngày 28-11. Tại đây, theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Bộ Công an đã làm việc về đề án tổ chức lại lực lượng hình sự đặc nhiệm. Công an TP.HCM có lấy tên gọi SBC (săn bắt cướp) không quan trọng, mà quan trọng là đề án phải hiệu quả.
Phải giữ thương hiệu SBC
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết chịu trách nhiệm về phòng chống tội phạm xâm hại tài sản không chỉ có đội hình sự đặc nhiệm mà còn có đội phòng chống lừa đảo, trộm đột nhập. Trong năm qua, dù hai đội này đã cố gắng kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự do xâm hại tài sản nhưng vẫn không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Theo thiếu tướng Minh, bước đi của đề án còn dài bởi hầu hết trưởng công an quận huyện muốn giữ lại hình sự đặc nhiệm phục vụ phòng chống tội phạm theo yêu cầu địa phương, không muốn đưa về TP thành lực lượng chung.
Bộ Công an yêu cầu làm lại đề án và cho thí điểm một cụm gồm 5 quận huyện từ 1-2 năm, sau đó sẽ quyết định tổ chức toàn TP hay duy trì mô hình như hiện nay. Đề án sẽ cho in logo, có thẻ đặc biệt khó bị giả dạng, thẻ có đủ thẩm quyền kiểm tra giấy tờ và tư trang của người nghi vấn trên đường.
Ông Đinh La Thăng đánh giá trong năm qua, PC45 nỗ lực và đã đạt được kết quả quan trọng, tỉ lệ tội phạm giảm 14-15%.
Bàn về đề án, ông Đinh La Thăng nói: “Không biết các đồng chí gọi tên gì nhưng phải giữ được thương hiệu SBC trước đây. Nói đến lực lượng SBC là tội phạm khiếp sợ, giờ đội hình sự đặc nhiệm cũng phải thế. Tất nhiên bây giờ khung khổ pháp lý khác, điều kiện kinh tế - xã hội cũng khác thì chúng ta phải tính”.
Ông Thăng đưa ra nhiều đề nghị cho đề án về thiết bị kỹ thuật hiện đại, kết nối thông tin, trình độ ngoại ngữ và quan trọng là đào tạo con người bản lĩnh chính trị, sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng hình sự đặc nhiệm phải năng động sáng tạo, dũng cảm, sử dụng được các phương tiện và đặc biệt phải giỏi võ nghệ. “Lực lượng SBC ngày xưa có chừng 30 ông giỏi võ có tiếng, trộm cướp nghe tên là sợ luôn” - ông Thăng nói.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng cho biết phải lo nhà ở xã hội, lương thưởng và phải có bảo hiểm đặc biệt cho lực lượng hình sự đặc nhiệm. Công an TP.HCM, các sở ngành phải tìm vị trí xây dựng nơi làm việc, doanh trại cho lực lượng hình sự đặc nhiệm trong thời gian tới.
Trực thăng chữa cháy: chưa mua được thì phải thuê
Đây là yêu cầu của ông Đinh La Thăng khi làm việc với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM vào chiều cùng ngày.
Tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hoa - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - cho biết trước đây TP.HCM từng có dự tính mua trực thăng dùng để chữa cháy, tuy nhiên do kinh phí quá lớn nên đã tạm gác lại.
Bà Hoa cho biết hội đồng thẩm định dự án đã tính toán kinh phí mua một chiếc trực thăng chữa cháy bao gồm sân đỗ, điều hành không lưu... lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Điều kiện ngân sách hiện nay chưa thể đáp ứng được. Ngoài ra, kinh phí lớn như vậy sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Ông Đinh La Thăng vẫn cho rằng với một đô thị như TP.HCM thì trực thăng chữa cháy là rất cần thiết vì du khách, nhà đầu tư nước ngoài khi vào TP.HCM rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cháy nổ. Do đó khi chưa đủ tiền mua thì sẽ thuê trực thăng của Tổng công ty Trực thăng thuộc Bộ Quốc phòng để chữa cháy.
Phương án của ông Thăng là: “Sẽ đặt hàng cho Tổng công ty Trực thăng và đặt số tiền theo hằng năm. Nếu trong năm không có vụ cháy nào xảy ra cần trực thăng chữa cháy thì trả theo một số tiền nhất định. Còn nếu có các vụ cháy mà trực thăng tham gia chữa cháy sẽ trả kinh phí tùy theo số vụ việc tham gia”.
Theo ông Đinh La Thăng, vấn đề là bàn cho ra cơ chế, nhất là trong bối cảnh ngân sách khó khăn mà Nhà nước dùng tiền đầu tư thì rất khó.
Cũng tại cuộc làm việc, ông Đinh La Thăng yêu cầu Cảnh sát PCCC TP.HCM rà soát toàn bộ các đối tượng thuộc quyền quản lý. “Đừng để cháy karaoke thì chỉ đạo rà soát karaoke, cháy chợ thì rà soát chợ, cháy chung cư mới rà soát chung cư. Cảnh sát PCCC phải chủ động rà soát trước và có tính toán, phân cấp quản lý như thế nào cho phù hợp nhất” - bí thư Thành ủy nói.
VIỄN SỰ - SƠN BÌNH