chị Phạm Nguyệt Nga, chủ Nhà Hàng Nga
- Chào chị, cơ duyên nào khiến chị quyết định kinh doanh ẩm thực?
- Tôi cho rằng, bất kỳ ai đến với ngành nghề nào đó cũng đều có cái duyên cả. Trước đây, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ kinh doanh ẩm thực, công việc chính của tôi là cán bộ tỏng cơ quan nhà nước. Khi chuyển vào Sài Gòn, tôi cũng xin vào làm ở cơ quan nhà nước. Nhưng đồng lương công chức thời bao cấp không đủ trang trải cuộc sống nên tôi quyết định phải buôn bán thêm một cái gì đó. Và ẩm thực đến một cách rất tự nhiên giống như người phụ nữ thì phải biết nấu ăn vậy. Có điều đây không phải là phục vụ cho gia đình nhỏ của mình mà phục vụ cho những người Hà Nội xa quê và những người miền Nam muốn khám phá ẩm thực Bắc Bộ.
- Mang hương vị đất Bắc xâm nhập vào giới sành ăn của miền Nam, chị gặp phải những khó khăn như thế nào?
- Để tạo nên sự khác biệt với những nhà hàng Hà Nội khác tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tôi đã xác định phải giữ được phong vị Bắc chính gốc, không được lai tạp. Để làm được điều này đích thân tôi phải chọn nguyên liệu chính gốc từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn chế biến. Ngoài ra, điều đặc biệt tại Nhà hàng Nga của chúng tôi đó là sử dụng hoàn toàn nguyên liệu sạch, tươi ngon, đảm bảo sức khỏe tuyệt đối cho khách hàng.
- Khẩu vị của người miền Bắc và người miền Nam khá khác biệt, chị có bí quyết gì để cân bằng điều này, thu hút khách đến với Nhà hàng Nga?
- Nói về ẩm thực thì không đâu đa dạng bằng Sài Gòn. Tinh hoa ẩm thực của tất cả các vùng miền hội tụ nơi đây. Lúc đầu tôi cũng gặp khó khăn khi đem hương vị lạ tiếp cận giới sành ăn. Tôi phải vừa nấu vừa lắng nghe ý kiến của khách hàng để gia giảm cho vừa với khẩu vị của người miền Nam nhưng vẫn giữ được cái hồn của món Bắc đã có chỗ đứng vững chắc trên “thánh địa” ẩm thực miền Nam. Khó khăn nhất đối với nhà hàng bây giờ là làm sao giữ được hương vị đã định vị trong tâm trí khách hàng. Điều này không hẳn là khó khăn nhưng cũng là một thử thách nếu bạn không thường xuyên nêm nếm, tuân thủ những chuẩn mực đã định sẵn.
- Được biết chị vừa khai trương thêm một cơ sở mới tại thành phố Hồ Chí Minh, chị có thể chia sẻ một chút về điều này?
- Chúng tôi muốn mở rộng để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Nếu như ở Nhà hàng Nga số 21 Tôn Đức Thắng mang phong cách của Hà Nội xưa thì ở địa chỉ 50 Hồ Tùng Mậu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi design theo phong cách hiện đại để phù hợp với nhu cầu của giới công chức và nhân viên văn phòng. Thực đơn cũng đa dạng hơn, đặc biệt là món nướng (sườn heo nướng quản sấu Hà Nội), món chả cá Lã Vọng (nguyên liệu là cá lăng sông đánh bắt từ hồ thủy điện Trị An)
- Hơn 22 năm kinh nghiệm trong nghề ẩm thực, hẳn chị có rất nhiều những đúc kết quý báu cho mình?
- Hầu như ai cũng bảo kinh doanh phải cần cái tâm, tôi xin bổ sung thêm là cần cả sự đam mê, chăm chỉ và chịu khó. Nguyên tắc kinh doanh của tôi là phải trung thực, không đi đường vòng, đường tắt. Đường thẳng dù có hơi dài, khó khăn hơn nhưng thành quả sẽ lâu bền hơn. Ẩm thực cũng được xem là thành quả của một ngành dịch vụ, cho nên việc phục vụ khách hàng sao cho tốt là rất quan trọng. Dù khách ít hay nhiều cũng đều được đối xử như nhau.
- Luôn bận rộn với công việc kinh doanh, vậy thời gian đâu để chị thư giãn, chăm sóc bản thân, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống?
- Tôi may mắn có được sự đồng hành của những người bạn Hà Nội trong công việc. Với tôi lao động cũng là cách để thư giãn. Có thể bạn và nhiều người không tin, nhưng chính lao động giúp tôi có sức khỏe, trẻ đẹp và tự tin hơn. Thời gian rảnh rỗi tôi thường về Hà Nội gặp gỡ bạn bè và học làm thêm những món ăn ngon.
- Tôi thấy nhiều thương hiệu ẩm thực cho người Việt xây dựng thành công, sau đó họ franchise ra khắp thế giới. Chị có nghĩ sẽ đưa Nhà hàng Nga xuất ngoại?
- Điều này đã nằm trong kế hoạch của tôi từ lâu. Tuy nhiên trước mắt tôi muốn phát triển chuỗi Nhà hàng Nga thật vững chắc tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tự tin mình nhất định làm được điều này, và việc Nhà hàng Nga xuất hiện trên các nước bạn không hề xa.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị./.