Bài học gì sau thương vụ Vinamilk?
Khi bị “hỏi xoáy đáp xoay” quanh câu chuyện Vinamilk trong họp báo chuyên đề về tái cơ cấu DNNN chiều 23.12, ông Đặng Quyết Tiến - Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, đây là “một phi vụ lớn” mang tầm quốc gia và chỉ có thể trả lời câu hỏi thành công hay không khi nhìn nhận vào bối cảnh triển khai thương vụ này. Theo ông Tiến, thương vụ được tiến hành khi chưa có nhiều kinh nghiệm mà thời gian thực hiện gấp bởi SCIC xây phương án từ khi có chủ trương vào quý IV/2015 nhưng đến tháng 8 – 9.2016 mới duyệt phương án và chỉ còn khoảng 3 tháng để “chạy đua” nhiều việc từ đấu thầu, tư vấn, chào bán, tới truyền thông. Không chỉ vậy việc chào bán còn không thuận lợi khi có việc người trong nhà kích vấn đề tiêu cực lên gây nhiễu loạn thông tin. Bên cạnh đó, việc chào bán xảy ra vào tháng cuối năm - thời điểm nhiều nhà đầu tư tiến hành tất toán nên cũng bớt thuận lợi. Tuy nhiên, hai cổ đông chiến lược vẫn mua với giá cao nên việc chưa bán được hết 9% như dự kiến cũng không phải là vấn đề bởi “không bán được hết thì sang năm bán tiếp” và ông Tiến nhận định 3,6% còn lại vẫn là sản phẩm tốt nên nếu rút kinh nghiệm tuyên truyền tốt chắc chắn sẽ thành công.
Từ câu chuyện Vinamilk và hàng loạt DNNN vừa CPH, lãnh đạo Vụ Tài chính DN cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ công bố công khai các DNNN và mức cổ phần nhà nước cần giữ đồng thời không điều chỉnh giảm theo đề xuất của DN như trước. Bên cạnh đó, theo ông Tiến, thời gian tới sẽ đổi mới cách thức bán, đa dạng cách thức chào bán, công khai thông tin tốt hơn và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không khống chế, không có tiêu chí như trước. Ngoài ra, để bán vốn hiệu quả nhất, các DNNN không nhất thiết phải bán ngay lúc đầu vì tuỳ thuộc thị trường, niêm yết rồi lại bán tiếp và thoái vốn phải đúng pháp luật, tương ứng với diễn biến trên thị trường.
Lãnh đạo trây ỳ CPH, đã và tiếp tục xử lý
Cũng trong cuộc họp chuyên đề này, lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ ra các tồn tại của cổ phần hoá DNNN, trong đó có vấn đề “không đồng đều, nơi mạnh nơi yếu, về lượng mà chưa về chất.
Qua quá trình kiểm tra, bộ nhận thấy nhiều nơi không xây dựng quy chế quản lý nợ và đến khi con nợ “chết rồi” không đòi được dẫn tới thua lỗ. Có DN cho rằng nợ cứ để đó rồi khi nào CPH đưa vào một thể.
Liên quan tới việc minh bạch thông tin, lãnh đạo bộ cũng cho rằng, công khai thông tin thôi chưa đủ bởi nếu công khai cái tốt giấu cái xấu thì không ổn. Do đó, việc công khai minh bạch phải có cơ quan đánh giá. Trong thời gian tới, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và cộng đồng DN sẽ chấm điểm và bộ sẽ có hệ thống phần mềm kết nối các DN để tăng tính minh bạch. Tương tự chất lượng báo cáo tài chính cũng sẽ phải nâng cao vì còn tình trạng báo cáo kiểm toán rất nhiều nhưng công bố ra lại thiếu các vấn đề tồn tại.
Khi được hỏi về việc xử lý các DN trây ỳ CPH hoặc gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình thoái vốn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, bộ đã và tiếp tục xử lý các DN sai phạm tuỳ theo mức độ và hiện cũng đang rà soát để xử lý.
Khánh Hòa