Tuần đầu tiên của năm 2017 ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực trên thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index kết thúc tuần tăng 1,83% đứng tại 679,80 điểm, trong khi HNX-Index đóng cửa tại 82,09 điểm với mức tăng tăng 2,31%.
Đóng góp vào sự gia tăng của cả hai chỉ số chính không thể không nhắc tới cổ phiếu nhóm ngân hàng. Không chỉ giá cổ phiếu gia tăng mà tuần qua những cái tên Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Sacombank (STB) còn được lặp đi lặp lại liên tục.
Trong phiên đầu tiên 3/1, ngoại trừ ACB và Sacombank, các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều tăng, thậm chí BIDV và VietinBank còn tăng trần và không còn dư bán.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, chính quyết định 2509 của NHNN về việc nâng tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) từ 80% lên 90% đối với nhóm 3 ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm quyền chi phối ban hành ngay trước ngày nghỉ Tết Dương lịch đã tác động lên thị trường. BID và CTG có lợi hơn bởi tỷ lệ LDR của họ đang ở mức cao hơn 80% trong khi của VCB chỉ khoảng 78%. LDR được nâng lên đồng nghĩa với việc các ngân hàng vốn tưởng như bị "cạn room" nay lại có thêm dư địa để tăng trưởng trong năm 2017.
Cổ phiếu của VietinBank đã giữ đà tăng trọn tuần, từ mức 15.050 đồng/cổ phiếu trước khi nghỉ lễ lên 16.650 đồng, tương đương mức tăng 10,6%. BID của BIDV sụt giảm 1 phiên và tăng 3 phiên còn lại nhưng tổng cộng mức tăng trong tuần lại lớn hơn của VietinBank, tới 10,9% từ 14.200 đồng lên 15.750 đồng. Cổ phiếu VCB của Vietcombank tăng 3 trong 4 phiên với mức tăng tổng cộng 6,9% chốt tuần tại 35.450 đồng/cổ phiếu.
Ngoài quyết định 2509 thì tuần qua còn có nhiều thông tin về ngân hàng tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư như nhận định của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) rằng việc tuân thủ thời hạn áp dụng Basel II với 10 ngân hàng (trong đó có Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Sacombank, MBB) kể từ tháng 9/2017 sẽ rất thử thách với các ngân hàng, đặc biệt là 3 “ông lớn” nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Các biện pháp này có thể là giãn thời gian áp dụng; nâng trần sở hữu nước ngoài để thu hút nguồn vốn mới…
Hay như với VietinBank còn có thông tin về việc ngân hàng này sắp chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7% với ngày chốt quyền là 17/1. BIDV thì có ước kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng và tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng. Vietcombank lại "rực rỡ" với cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) mà nhà băng này đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng hồi năm 2014 nay đã có lãi gần gấp đôi khi HVN chính thức lên sàn UpCOM.
Một thông tin khác cũng làm nhà đầu tư phấn chấn đó là Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 -2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo các mục tiêu cũng như giải pháp đề ra của đề án thì ngân hàng có thể gia tăng nguồn thu phí từ giao dịch tiền mặt trong khi lại tiết kiệm được chi phí đáng kể ở nhiều hoạt động. Và theo lộ trình thực hiện đề án này, các nhà băng còn có thể mở rộng được hoạt động bằng mô hình ngân hàng hiện đại, ngân hàng điện tử mà không phải tốn công sức mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống... Với đề án này, các ngân hàng lớn và có thế mạnh về công nghệ thông tin – tất nhiên bao gồm cả các ngân hàng trên sàn - chắc chắn được lợi.
Ngoài 3 ngân hàng lớn nhất thì Sacombank tuần qua cũng được chú ý. Phiên 4/1, cổ phiếu của ngân hàng này giảm sàn sau thông tin phát đi từ cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước cho biết Sacombank là 1 trong 5 ngân hàng trong diện trọng tâm xử lý năm 2017.
Ban đầu, thông tin chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư e ngại, nhưng ngay sau đó chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã lên tiếng khẳng định Sacombank không phải ngân hàng yếu kém, họ vẫn hoạt động tốt và nằm trong top đầu hệ thống. Nếu không tính Phương Nam thì Sacombank năm 2016 lãi khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đang dành để trích lập dự phòng nên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Sacombank cho biết thêm có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đổ 1 tỷ USD và một nhà đầu tư trong nước muốn mua 20% vốn với giá gấp đôi thị giá, chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn đánh giá rất cao STB.
Chính vị phó chánh thanh tra NHNN đã nhắc tới Sacombank trong buổi họp báo 4/1 hôm sau (tức 5/1) cũng "nói lại cho rõ" rằng ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường và tiếp tục tăng trưởng.
Ngay ngày 5/1, giá cổ phiếu đã tăng trở lại và giữ sắc xanh đến cuối tuần. Trước phiên sụt giảm ngày 4/1, STB cũng đã có chuỗi 6 ngày tăng liên tiếp.
Nhận định về tuần tới, một số chuyên gia vẫn lạc quan về cổ phiếu nhóm ngân hàng. Ngoài các thông tin vừa công bố thì nhà đầu tư còn hưng phấn đón chờ kết quả kinh doanh được các ngân hàng lần lượt công bố qua lễ tổng kết năm 2016 và kế hoạch năm 2017.
Trong tuần sau, thị trường chứng khoán cũng sẽ đón chào "tân binh" VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) trên sàn UpCOM vào ngày 9/1 với giá tham chiếu 17.000 đồng/cổ phiếu. Sau VIB, dự kiến sẽ có thêm các ngân hàng tiếp tục niêm yết khi họ đều đã được cấp mã chứng khoán như Kienlongbank (KLB), Techcombank (TCB).
Tùng Lâm
Theo Trí Thức Trẻ