Doanh nhân Đinh Thị Thức: Bông hồng vàng đất Tổ
Từ nhà giáo chuyển qua kinh doanh ngành dệt rồi lại in ấn bao bì và sản xuất chè… các lĩnh vực xem ra không mấy liên quan tới nhau, nhưng Chị Đinh Thị Thức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Phong bằng sự chịu khó, lăn lộn, quyết tâm và đầy nghị lực đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, khẳng định bản lĩnh và tài đức của mình trong việc chèo lái con thuyền Tân Phong đi đúng hướng và trở thành gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu của mảnh đất Phú Thọ anh hùng.

Năm 1993, khi thành lập doanh nghiệp Tân Phong, chị Thức và Công ty gặp vô vàn khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, nhân lực, cũng như thị trường tiêu thụ…. . Với số vốn ít ỏi vay của bạn bè, chị lập một xưởng dệt. Đầu tư thiết bị nhà xưởng đã khó nhưng đến khi sản phẩm làm ra tiêu thụ còn khó hơn nhiều. Lúc đầu vải dệt ra không bán được, chị phải lặn lội mang lên tận Xín Mần - Hà Giang bán cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 1994, sau hơn 20 cuộc hẹn, chị mới gặp được người đại diện của Công ty Cao su Sao Vàng để chào hàng, sau đó lại mất rất nhiều thời gian đi lại làm việc sản phẩm của Tân Phong mới được chấp nhận. Nhờ chữ tín, sự thành tâm và chất lượng tốt, Công ty trở thành đối tác chung thuỷ của Sao Vàng và nhà máy Giày Thượng Đình.

Sự thành công của nhà máy dệt đã khích lệ chị mạnh dạn đầu tư sang chế biến chè, sản xuất bao bì cacton. Ở lĩnh vực sản xuất nào, Chị Thức cũng không ngừng phấn đấu làm chủ công nghệ sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến để sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Bên cạnh việc sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến nhất hiện nay, Công ty Tân Phong rất chú ý đầu tư cho vùng chè nguyên liệu. Công ty đã thực hiện phương thức hỗ trợ cho hơn 1000 hộ trồng chè của các tỉnh Hà Tây ( cũ ), Phú Thọ, Yên Bái... bằng cách ứng trước một năm tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật cùng bà con canh tác sao cho được nguyên liệu tốt nhất, ổn định nhất. Chè của Tân phong được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như Anh, Đức, Hà Lan... Đặc biệt giá bán chè của Tân Phong luôn đứng đầu giá bán của các nhà máy chè Việt Nam, thậm chí giá bán một số loại sản phẩm còn cao gấp đôi so với các doanh nghiệp khác. Sở dĩ có được lợi thế đó, ngoài chất lượng sản phẩm, chị Thức theo dõi rất sát tình hình thị trường để có phương án sản xuất và chủ động trong đàm phán ký kết hợp đồng. Để làm được điều này, Tân Phong đã mời một tiến sỹ có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thị trường. Trong một ngày, Tân Phong nhận được thông tin về thị trường chè thế giới ít nhất là 3 lần, phản ảnh đầy đủ về tình hình tiêu thụ tại các thị trường lớn ra sao, tình hình sản xuất tại các nước có sản lượng chè lớn trên thế giới như thế nào rồi nước nào được mùa, nước nào mất mùa. Cũng chính nhờ những thông tin chính xác và kịp thời nên Tân Phong chủ động trong việc đàm phán giá bán.

Chị Đinh Thị Thức chia sẻ: “Chẳng có nghề nào là dễ cả, cơ bản là mình phải tìm cách vượt qua được. Bản thân tôi cũng không ít lần cận kề với phá sản. Nào là mắc về kỹ thuật, mắc về tiêu thụ rồi nhân lực… nhưng lúc khó nhất là lúc mình quyết tâm nhất, cơ bản là xây dựng được một bộ máy đồng lòng nhất trí. Đó cũng là một thế mạnh của Tân Phong”.

Cũng như các nữ doanh nhân tiêu biểu khác, chủ nhân của Cúp Bông Hồng Vàng trên đất Tổ những năm qua đã không ngừng phấn đấu, thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng chị đã xuất sắc vượt qua những thách thức và khẳng định chính mình. Mặc dù đắm mình trong hàng núi công việc, với bao mối lo toan của chuyện làm ăn, chuyện gia đình nhưng ở người phụ nữ ấy vẫn âm thầm tuôn chảy nhiều ý tưởng sáng tạo kinh doanh mới, luôn muốn bứt lên bằng lối đi riêng. Chị quan niệm dù đàn ông hay phụ nữ, chỉ cần có sự say mê công việc, có bản lĩnh chắc chắn sẽ vượt qua được mọi rào cản để đi tới thành công.

Minh Xuân