Từ một cán bộ tài chính đến nữ doanh nhân địa ốc thành đạt
Từng làm Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư tại Ngân hàng hàng đầu Đan Mạch là Danske Bank. Ngay khi trở về Việt Nam cuối năm 2008, Phạm Thị Vân Hà được mời về làm Phó giám đốc Đầu tư tại Công ty cổ phần Vincom (nay là Vingroup). Năm 2012, Vân Hà tiếp tục con đường phát triển những dự án bất động sản (BĐS) của một ông lớn khác.
Cơ duyên nào đã khiến chị “bén duyên” với BĐS?
Khi tôi còn đi học, chuyên ngành của tôi là tài chính, cũng rất gắn liền với BĐS. Ra nước ngoài, tôi cũng được học liên quan đến ngân hàng tài chính. Trở về Việt Nam, tôi vào làm việc ở một công ty BĐS hàng đầu. Từ đó, tôi thấy BĐS đã ngấm vào mình lúc nào không hay.
Tôi nghĩ BĐS đã chọn tôi, bởi thú thực, định hướng ban đầu của tôi không hẳn đã chọn lĩnh vực này. Nhưng do những công việc gắn liền với BĐS, nên tình yêu với BĐS đã được bồi đắp. Tôi được gặp rất nhiều người giỏi và học hỏi được từ họ rất nhiều. Từ đó, tôi ngày càng hứng thú với lĩnh vực nhiều thử thách này.
Điều quan trọng nữa là tôi gia nhập thị trường vào những năm 2008-2009 - giai đoạn bùng nổ. Bức tranh BĐS hiện lên rõ ràng, với quy mô lớn và sự cạnh tranh hứa hẹn khốc liệt đã quyến rũ tôi. Thế là tôi đã quyết định gắn bó với BĐS từ đây.
Trước khi về đầu quân cho TNR Holdings Việt Nam (TNR), được biết chị đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau, chị có thể chia sẻ những công việc đó đã giúp ích gì cho chị?
Trước khi về TNR, tôi có trải qua học tiến sĩ tại trường Copenhagen Business School – trường có chất lượng đào tạo tốt thứ ba trong lĩnh vực kinh doanh tài chính ở Châu Âu. Trong thời gian đó, tôi làm ở một ngân hàng tại Đan Mạch, về lĩnh vực quản lý danh mục đầu tư.
Ngay khi về Việt Nam, tôi làm việc tại Vincom (nay là Vingroup) với chức danh Phó Giám đốc Đầu tư và sau đó thì tôi về TNR. Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm mà tôi có được ở một tổ chức quốc tế và một doanh nghiệp BĐS lớn đã hun đúc cho tôi một tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Có những thời điểm, cả tuần tôi chỉ có từ 2-3 tiếng để ngủ. Tôi có được nền tảng từ những lần làm việc với các luật sư, các quỹ đầu tư tài chính, các nhà phân tích tài chính nước ngoài…
Khi về đầu quân cho TNR, mặc dù giai đoạn đầu cực kỳ vất vả khi phải xây dựng từ bộ máy, con người và phát triển dự án ngay từ đầu nhưng tôi không nản chí và truyền được lửa đam mê đến với các cán bộ của mình, cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, phát triển TNR ngày càng tốt và lớn mạnh hơn nữa.
Chị từng mong ước mình sẽ trở thành một người như thế nào?
Trước đây, tôi cũng có rất nhiều mơ mộng, đương nhiên là có mong muốn thành công. Nhưng đúng là mình không thể lường trước được những gì sẽ đến. Sự chăm chỉ và thái độ làm việc chuyên nghiệp đã giúp tôi thực hiện mong muốn, song thành đạt là điều cần phải cố gắng mỗi ngày. Khi mình ở vị trí đó và đối diện với nó thì đúng là không đơn giản chút nào. Vì thế mình phải luôn luôn thay đổi và luôn luôn học tập, đó là điều rất quan trọng.
Tuy nhiên, tôi cũng chưa hình dung được mình sẽ đứng ở một vị trí như thế nào, và tôi cũng không hình dung được là lĩnh vực bất động sản mà mình đang làm lại đau đầu như vậy, mệt mỏi và gian truân đến thế!
“Người đàn bà thép” nhưng giống như một dòng nước
Ngành BĐS được cho là khó khăn và gian khổ, là người đứng đầu TNR– công ty đã và đang triển khai nhiều dự án lớn trên cả nước, chị có thể chia sẻ cảm nhận của mình về lĩnh vực này?
Tôi nghĩ rằng ngành BĐS lúc nào cũng có rất nhiều sắc thái riêng: Luôn đầy thử thách, đòi hỏi những người làm BĐS phải rất bản lĩnh và luôn có hướng đi cho riêng mình.
Năm nay thị trường sẽ có rất nhiều bất ngờ, đòi hỏi những người làm BĐS càng cần phải có sự cải tiến hơn nữa, có lối đi mang màu sắc riêng, bởi vì thị trường khá phân hoá. Ví dụ, những dự án của chủ đầu có tên tuổi hoặc có uy tín, chất lượng tốt vẫn được thị trường đón nhận và ngược lại.
Vậy nên, tôi cho rằng chúng ta cần phải luôn luôn đổi mới mình, nắm bắt được xu thế thị trường một cách dài hơi hơn để có được sự chuẩn bị tốt cho doanh nghiệp của mình.
Những điều thú vị nhất của chị khi làm BĐS là gì?
Khi mình gặt hái được quả ngọt sau những gian truân vất vả, đó là điều thú vị nhất. Còn nhớ, khi TNR bước vào phát triển dự án Goldmark City hồi cuối 2014, công việc còn quá mới mẻ với tôi. Hơn nữa, dự án này trước đó cũng đã có trên thị trường nhưng không để lại dấu ấn gì nên thị trường rất nghi ngờ và không đón nhận. Lúc đó, có lúc tôi nghĩ rằng sẽ thất bại.
Nhưng với niềm tin mãnh liệt vào sự đi lên của thị trường, chúng tôi đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bền bỉ trong chiến lược kinh doanh. Sau 3 tháng tung ra thị trường, có tháng chúng tôi đã bán được 300 căn hộ, đó thực sự là một con số kinh ngạc. Khi nhìn nhận lại những tháng ngày này, tôi nghĩ đây là một điều rất thú vị. Tôi nhận ra rằng, nếu chúng ta cố gắng, dồn tâm sức vào và có bước đi chiến lược dài hạn thì chắc chắn sẽ thành công.
Trong lĩnh vực nhiều áp lực như vậy, nhiều người cho rằng người phụ nữ điều hành doanh nghiệp BĐS lớn phải có một “tinh thần thép”, quan điểm của chị như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý. Mỗi lãnh đạo đều phải có tinh thần thép, nếu là phụ nữ thì đó phải là “người đàn bà thép”. Tuy nhiên, theo tôi, cần áp dụng có chọn lọc. Ở đây tôi muốn nói tới sự quyết đoán trong mỗi quyết định, bởi là người điều hành một doanh nghiệp, bạn có rất nhiều sự lựa chọn, nếu chọn không đúng có thể ảnh hưởng đến cả bộ máy. Tuy nhiên, ở vào một thời điểm khác chúng ta có khi lại phải mềm mại, nhẹ nhàng hơn, giống như một dòng nước mềm mại nhưng mạnh mẽ có thể chảy ở bất cứ đâu.
Đây là thử thách nhưng cũng lại là điểm mạnh với các nữ CEO, vì ở một lúc nào đó cần phải hết sức quyết đoán ra quyết định, nhưng để dung hòa tất cả mọi yếu tố lại cũng cần sự linh hoạt, mềm mỏng, nhẹ nhàng. Tính nữ mềm mại ở phụ nữ sẽ phát huy tác dụng vào những lúc này.
Vậy chị thích là “một người đàn bà thép” hay là “một dòng nước mềm mại nhưng mạnh mẽ có thể chảy ở bất cứ đâu”?
Bản thân tôi muốn có sự hoà trộn cả hai yếu tố sẽ tốt hơn, chứ tôi không nghiêng hẳn về yếu tố nào, bởi như tôi nói ở trên, người lãnh đạo khi ra quyết định phải với một “tinh thần thép”, không thể có sự chần chừ hay nhẹ nhàng được. Nhưng, trong giao tiếp hàng ngày, trong cuộc sống xã hội và trong công việc của mình, sự mềm mỏng, nhẹ nhàng, khéo léo… cũng rất cần thiết.
Khi gặp khó khăn chị thường làm gì?
Gặp khó khăn thì không nên từ bỏ, đó là quan điểm của tôi. Chúng ta cũng xác định rõ ràng rằng khi kinh doanh khó khăn sẽ nhiều hơn là thuận lợi, sẽ có nhiều khó khăn từ môi trường cạnh tranh, deadline công việc, hạn mức…
Những lúc như vậy, tôi thường chọn cho mình giải pháp để cho tâm thế của mình nhẹ nhàng đi một chút như nghe nhạc hay tập gym… Nhưng ngay sau khi thoải mái, tôi quay lại đối mặt với khó khăn đó, phân tích tình huống, tìm những giải pháp để vượt qua. Điều quan trọng không phải là khó khăn mà chính là thái độ của chúng ta với khó khăn đó!
Là một nữ doanh nhân đang điều hành rất nhiều dự án lớn nhỏ như Goldmark City, GoldSeason, GoldSilk, The GoldView..., nguyên tắc quan trọng nhất trong công việc của chị là gì?
Đó là tính cam kết. Thứ nhất là cam kết với khách hàng các sản phẩm của mình đưa ra thị trường, sau đó là mở rộng các giá trị của sản phẩm đảm bảo những gì chúng tôi đã quảng cáo với khách hàng.
Thứ hai, với đối tác phải đảm bảo rằng, công việc của họ phải được tự tin để làm. Chẳng hạn với nhà thầu thì phải cung cấp đủ tài chính cho họ để xây, với các nhà phân phối, công việc của họ là bán hàng nên chúng tôi cam kết sẽ cung cấp đầy đủ giấy tờ và điều kiện để.
Còn với cán bộ nhân viên, chúng tôi cam kết khi họ làm việc tại TNR, họ sẽ cảm thấy yêu TNR bằng những chính sách phúc lợi, làm cho họ mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Đó là những điều mà tôi mong muốn thực hiện để cho các dự án của mình thành công.
Không đặt áp lực lên những người đàn ông trong ngày 8/3
Đối với chị ngày 8/3 có ý nghĩa như thế nào?
Tôi cảm thấy rất tự hào vì có khá nhiều ngày tôn vinh dành cho chúng tôi, đặc biệt là ngày 8/3. Đương nhiên trong ngày này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì tôi được nhận rất nhiều sự quan tâm từ gia đình, bạn bè tới đồng nghiệp, đối tác...
Tuy nhiên, chia sẻ với bạn một chút là tôi không đặt áp lực đấy lên những người đàn ông xung quanh mình, tôi cố gắng coi nó như 364 ngày còn lại để mọi người cảm thấy hết sức thoải mái. Đối với tôi, năm nào ngày 8/3 cũng đều có những sắc thái riêng nhưng tựu chung lại, tôi rất vui và cảm thấy thực sự tự hào khi mình là phụ nữ.
Nhiều phụ nữ thường thích được tặng hoa, quà, rồi đi xem phim, du lịch trong ngày 8/3… còn chị thì sao?
Thực ra, tôi cũng không đặt nặng vấn đề là tôi thích gì, sự quan tâm giản dị của mọi người như một lời chúc, một bông hoa hay một tấm thiệp thôi cũng đủ khiến tôi rất vui rồi.
Vì 8/3 thường cũng hay rơi vào ngày trong tuần nên tôi vẫn duy trì công việc như mọi ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp tôi 60% là nữ giới nên chúng tôi thường được các đấng mày râu tổ chức buổi ăn trưa nho nhỏ toàn công ty. Công đoàn cũng như bộ phận hành chính công ty sẽ có những món quà nhỏ dành tặng các bạn nữ.
Còn ở gia đình thì đương nhiên tôi sẽ được gia đình và đặc biệt là ông xã đưa đi ăn, có thể là buổi tối hôm đó hoặc một ngày cuối tuần gần nhất để kỷ niệm.
Nếu chọn một câu để nói về Phạm Thị Vân Hà, thì đó sẽ là?
Tôi sẵn sàng chọn con đường gập ghềnh nhưng có thể tiến đến thành công chắc chắn, để tiến xa hơn!
Điều đó thể hiện ý chí của tôi, như bạn có đề cập ở phần đầu cuộc trò chuyện, nếu biết rằng chắc chắn có nhiều khó khăn, tôi cần tìm cách vượt qua nó. Để đạt được thành công, tôi sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Xin cám ơn chị!
Theo Trí thức trẻ