Lúc ban đầu, khi Đức Thích Ca Mâu Ni truyền giảng Pháp ở Ấn Độ là không có chùa chiền. Về sau, vì để cung cấp nơi chốn cho Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Pháp nên người ta bắt đầu xây dựng “Tịnh xá”. Đây được xem là nguồn gốc ra đời đầu tiên của chùa chiền.
“Chi Viên tịnh xá” và “Trúc Lâm tịnh xá” ở nước Xá Vệ của Ấn Độ cổ xưa được xem là những ngôi chùa miếu đầu tiên của nước Ấn Độ. “Trúc lâm tịnh xá” là do Vua Bimbisāra, đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca Mâu Ni trong hàng Vua chúa xây cất và phát tâm cúng dường Phật cùng các chư tăng làm nơi an cư.
Ngoài ra, vào thời kỳ đầu, Phật giáo tại Ấn Độ chủ yếu hoạt động ở trong các công trình kiến trúc hang đá. Vô luận là hang đá hay tịnh xá thì mục đích chủ yếu là để chúng tăng sinh sống và tu hành. Bởi vậy mà ban đầu trong đó cũng không có tượng Phật và kinh sách như trong chùa chiền ngày nay.
Nguyên nhân là bởi vì khi Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp hoàn toàn đều là truyền miệng, không có ghi chép lưu lại. Hơn nữa, Phật Thích Ca Mâu Ni không cho phép mọi người tạc tượng để cúng bái. Đó là bởi vì ngài yêu cầu các đệ tử của mình dựa vào Phật Pháp làm gốc để tu hành chứ không phải dựa vào những thứ bề ngoài như uy tín, quyền uy.
Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, thi thể của ngài được hỏa táng. Tám vị quốc vương ở Ấn Độ cổ phái sứ giả đến nơi hỏa táng, yêu cầu được chia xá lợi Phật. Nhưng còn hai Quốc vương nữa đến nhưng không nhận được xá lợi Phật, nên một người liền lấy chiếc bình đựng xá lợi, một người lấy tro cốt của Đức Phật về an táng.
Tám quốc gia được phân chia Xá lợi Phật đã trở về nước mình xây tháp để an táng và định kỳ tổ chức lễ hội tưởng niệm. Cho nên, ở toàn thể nước Ấn Độ cổ thời ấy đã kiến tạo mười tòa tháp, bao gồm tám tòa tháp an táng xá lợi Phật, một tòa tháp an táng chiếc bình đựng xá lợi Phật và một tòa tháp an táng tro cốt Phật.
“Tháp” trong tiếng Phạn là Stupa có nghĩa là phần mộ cao, thông thường là phần mộ để tưởng niệm ở các địa phương.
Ngoài ra, thời kỳ ấy, các tăng nhân cũng bắt đầu biên tập, sửa sang lại các nội dung mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng nói. Bởi vậy, từ đây bắt đầu xuất hiện kinh Phật (kinh của Phật Thích Ca Mâu Ni).
Vào thời kỳ Vua Ashoka, khoảng thế kỉ thứ 3 TCN, Phật giáo trở thành quốc giáo ở Ấn Độ. Vì muốn mở rộng và làm hưng thịnh Phật Pháp, Vua Ashoka đã hạ lệnh khai quật tám vương xá lợi tháp lên. Nhưng, trong đó, có một, hai tòa tháp bởi vì kiến tạo quá chắc chắn nên không thể khai quật được. Toàn bộ phần xá lợi Phật sau khi lấy ra, một lần nữa được chia làm 84.000 phần được đựng trong 84.000 hộp quý giá nhỏ được an táng trong 84.000 tòa tháp.
Tại chùa Pháp Môn ở Tây An, Trung Quốc cất giữ xá lợi xương ngón tay của Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuận theo việc các nơi xây dựng tòa tháp, xá lợi cũng được truyền đến rất nhiều nơi tín ngưỡng Phật giáo. Cũng bởi vì thế mà tháp trở thành nơi người dân cúng bái Phật Thích Ca Mâu Ni. Về sau, tháp cũng trở thành một trong những kiến trúc chủ yếu của Phật tự, đền thờ Phật giáo.
Sau này, nghệ thuật tạc tượng từ Hy Lạp được truyền vào đất Ấn Độ, các Phật tử bắt đầu kiến tạo tượng Phật, tượng Bồ Tát. Việc thờ phụng trong Phật giáo cũng theo đó mà chuyển từ thờ phụng xá lợi sang thờ phụng tượng Phật.
Sau khi xuất hiện việc tạc tượng, người ta bắt đầu phải xây dựng nơi để đặt tượng Phật. Cho nên, chúng ta có thể thấy kiến trúc chùa chiền ngày nay cũng là thuận theo đó mà được xây dựng, trong đó tạc tượng chiếm một vị trí rất quan trọng. Tạc tượng cũng theo đó mà truyền nhập vào Trung Quốc và các nước khác.
Trên thực tế, bất luận là tháp, Phật tượng hay kiến trúc chùa chiền thì ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia lại có sự khác nhau.
Phật tử thông thường lễ bái là kinh Phật, Phật tháp (xá lợi) và Phật tượng, trong đó Phật tượng là phổ biến nhất. Phật tự (chùa miếu) bản thân nó vốn chủ yếu cũng là để thờ cúng kinh Phật, tượng Phật, tượng Bồ Tát mà được kiến tạo.
Mặc dù việc kiến tạo Phật tượng cũng không phù hợp với lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế: Không dùng tượng làm đối tượng tín ngưỡng. Nhưng con người luôn mong muốn dùng một hình tượng hữu hình tốt đẹp nào đó để biểu đạt lòng mình. Chính vì thế mà xuất hiện việc điêu khắc tượng Phật và kiến tạo chùa chiền.
Từ nguồn gốc sự ra đời của chùa chiền có thể thấy, điều quan trọng nhất của tu luyện là tu tâm, phải dựa vào Phật Pháp làm gốc để tu hành. Nếu chỉ đặt tâm tư, suy nghĩ vào điêu khắc tượng Phật, xây dựng chùa chiền mà không thật tâm tu thì sẽ rất khó để có thể tu hành được đến đích.
An Hòa (biên dịch và t/h)