Nhìn những hình ảnh khách du lịch cắm trại giữa bãi rác thải ngập hồ Hàm Lợn ở Sóc Sơn, hình dung đầu tiên là về sự quá tải ở những điểm vui chơi công cộng, là ý thức giữ gìn vệ sinh của du khách. Song, sống chung với rác, là một bi kịch tất yếu của những điểm tham quan như hồ Hàm Lợn.
Bi kịch rác thải ở hồ Hàm Lợn một phần nảy sinh từ sự thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh của du khách. Song, thực tế, dù nơi đây đã trở thành một điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn nhiều năm nhưng không hề có một điểm thu gom rác, không có dịch vụ vệ sinh. Với lượng khách lên tới cả ngàn người trong những dịp cao điểm, việc phải phóng uế, xả rác với khối lượng lớn là không thể tránh khỏi, nhưng điều này không hề được tính đến.
Quang cảnh ngập ngụa rác thải bên hồ Hàm Lợn dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khi khả năng di chuyển của xã hội được cải thiện nhờ sự phát triển của phương tiện, và hạ tầng giao thông, những làng quê yên bình, những hồ nước, triền đồi bất kỳ đều có thể trở thành một điểm đến, điểm dừng của du khách mà không cần phải nằm trong bất kỳ một bản quy hoạch du lịch nào. Tuy nhiên, chỉ những địa điểm được quy hoạch, đầu tư khai thác du lịch thì mới có những hạ tầng dịch vụ như vệ sinh môi trường.
Ở những điểm du lịch chưa được khai thác chuyên nghiệp như hồ Hàm Lợn ở Sóc Sơn, Tuyệt Tình Cốc ở Thủy Nguyên, hay thậm chí cả những nơi nổi tiếng hơn như hồ Suối Hai ở Ba Vì, hay bãi giữa sông Hồng… du khách đều thải rác và phóng uế một cách tự nhiên mà không hề có dịch vụ thu gom, xử lý.
Ở bất cứ nơi đâu có con người, nơi đó có nhu cầu xả rác. Sẽ không thể kêu gọi một thứ gọi là ý thức suông về việc ngưng xả rác. Có con người là có rác thải sinh hoạt, và đương nhiên cần có nhu cầu thu gom, xử lý rác. Thu gom, xử lý rác phải là một phần tất yếu trong chuỗi nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội. Và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng đồng nghĩa với việc làm, với thu nhập của một bộ phận dân cư trong cộng đồng.
Quang cảnh ngập ngụa rác thải bên hồ Hàm Lợn dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hồ Hàm Lợn sẽ không chìm trong rác, du khách sẽ không phải cắm trại giữa bãi rác nếu như cộng đồng dân cư địa phương nắm bắt được nhu cầu này, xin phép tổ chức thu phí vệ sinh, môi trường của du khách để thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, cái nhu cầu ấy không hề được tính đến ở hồ Hàm Lợn, cũng như ở hầu hết các cộng đồng dân cư nông thôn khác.
Theo ước tính của Bộ Tài nguyên môi trường, lượng rác sinh hoạt trung bình mỗi người thải ra môi trường hàng ngày là 0.3kg. Mặc dù vậy, việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay mới chỉ được tổ chức ở thành thị. Tại nông thôn, dù nhiều làng xóm có thành lập những tổ thu gom rác, song sau thu gom, rác cũng chỉ được tập trung tại các điểm chôn lấp, hoặc được đốt thủ công.
Quang cảnh ngập ngụa rác thải bên hồ Hàm Lợn dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dọc những con đường ở bất cứ làng quê nào cũng không khó để gặp những bãi rác tự phát dọc đường. Nông thôn Việt Nam đang đối mặt với việc phải sống chung với rác, do thói quen sinh hoạt đã thay đổi với xu hướng xả rác nhiều hơn, trong khi hạ tầng, dịch vụ không cùng thay đổi.
Nếu như trước kia, người dân nông thôn chủ yếu sử dụng các loại vật dụng hữu cơ có khả năng tự phân hủy như lá cây để bao gói thực phẩm thì ngày nay, các loại hộp xốp, túi ni lông đã được phổ cập. Trong khi đó, hạ tầng dịch vụ ở nông thôn vẫn chưa thay đổi để thích ứng với điều này.
Ngay trong tiêu chí môi trường trong các nội dung để đạt chuẩn nông thôn mới thì cũng chưa đề cập cụ thể về mô hình chuẩn thu gom, xử lý rác thải. Các giải pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường ở nông thôn hiện nay vẫn tập trung vào việc tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Giải pháp này sẽ không thể duy trì khi mà hạ tầng dịch vụ thu gom xử lý rác chưa trở thành một thiết chế cứng của hạ tầng nông thôn.
Xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, đã đến lúc cần phải được nhìn nhận như một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư, như điện đường trường trạm.
Phạm Trung Tuyến