Như một người nặng nợ với rác, tình yêu và đam mê thôi thúc chị mạnh mẽ giữ vững tay chèo, lèo lái đưa con thuyền vượt qua sóng gió.
Nhà máy Phương Thảo có khả năng xử lý tốt rác thải y tế cho các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2009, theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Vĩnh Long, Phương Thảo quyết định đầu tư gần 250 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác Phương Thảo với diện tích sử dụng 8ha tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Bãi rác này nằm trong kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chị tâm sự: “Chứng kiến ngành rác tại Việt Nam chưa được đầu tư bài bản, nạn chôn lắp rác thải làm môi trường ô nhiễm khiến tôi đau đáu và khao khát làm một cái gì đó cho ngành rác. Sau nhiều đêm trăn trở, mày mò, nghiên cứu tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này bất chấp sự khó khăn và mới mẻ của nó”.
Khó khăn, thử thách càng rèn giũa thêm nghị lực của nữ doanh nhân Phương Thảo.
Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động nhà máy buộc phải đóng cửa vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đẩy công ty Phương Thảo đến nguy cơ phá sản. Đứng trước tình thế khó khăn đó, chị không ngừng xoay chuyển tình thế, mạnh dạn gửi đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ “kêu cứu” mong muốn được tháo gỡ để nhà máy hoạt động trở lại, vừa tạo việc làm cho người dân địa phương vừa có tiền trả nợ ngân hàng và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. May mắn đã mỉm cười với chị, khi ngay sau đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long cùng các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tìm giải pháp đưa nhà máy rác vào hoạt động, nhờ đó nhà máy xử lý rác Phương Thảo như được thổi luồng sinh khí mới.
Nhắc lại chuyện cũ, chị mỉm cười: “Khi nhà máy bị đóng cửa khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều người bảo tôi “khùng” vì đổ hàng triệu đô la vào những thứ người ta vứt đi. Một số người khác thì biết tôi ở thế đường cùng, đưa ra cái giá rẻ mạt mua lại nhà máy… nhưng tất cả những điều đó đã cho tôi thêm sức mạnh”. Để giờ đây, mô hình công nghệ xử lý rác thải của chị trở thành kiểu mẫu của khu vực, thu hút đông đảo giới chuyên môn trong ngành tìm tới học hỏi. Chị trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất “dám” đầu tư hàng triệu đô la đưa loại hình xử lý rác thải bằng dây chuyền công nghệ cao nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam.
Với chèo lái của mình, nhà máy Phương Thảo vượt qua khủng hoảng và trở thành đơn vị duy nhất tại Việt Nam sử dụng hoạt động xử lý rác Greentech- Gama – T hiện đại.
Tháng 6/2015 nhà máy đi vào hoạt động trở lại chị quyết định đầu tư thêm hơn 150 tỷ đồng chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ công nghệ lên men hầm kín sang công nghệ lò đốt kiệt triệt của châu Âu. Đây là công nghệ được chuyển giao từ công nghệ của khối G7 châu Âu, được công ty thiết kế thành công và đưa vào hoạt động xử lý rác độc quyền tại Việt Nam mang tên Greentech- Gama – T. Với công nghệ này, nhà máy Phương Thảo có khả năng xử lý tốt rác thải y tế cho các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn lại chặng đường và thành quả mình đạt được trong gần bảy năm qua chị Phương Thảo tự hào chia sẻ: “Bản thân tôi có lúc nhìn lại cũng thấy sao mình mạnh mẽ thế, để vượt qua được những lúc tưởng chừng không thể gượng dậy nổi đã là một may mắn, còn phát triển và thành công như hôm nay thì xem như là một kỳ tích”. Và chị cũng không quên gửi lời cảm ơn đến các cấp ban ngành trung ương, địa phương và bạn bè đối tác đã tạo điều kiện giúp công ty hoạt động trở lại và hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
“Tôi không bao giờ thấy hối tiếc mà còn thấy may mắn khi mình là người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam chọn con đường khó khăn này, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đầu tư, tiếp tục phát triển để bảo vệ và làm giàu cho môi trường sống Việt Nam” – doanh nhân Phương Thảo chia sẻ.
LAM NGỌC