Năm xưa vào thời Tam Quốc, lúc nhà Hán lụn bại, khi đàm luận về thời thế với Tào Tháo, Lưu Bị từng nói rằng: “Gốc rễ của đại loạn trong thiên hạ, đầu tiên là do lòng người đại loạn”. Lịch sử nhân loại mấy ngàn năm qua cũng đã nhiều lần chứng tỏ điều đó.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự suy vong và sụp đổ của các nền văn minh nhân loại đều bắt nguồn từ sự trượt dốc và suy đồi về văn hoá và các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Khi con người ở các tầng lớp trong xã hội, từ người làm quan cho đến dân thường không còn bị ước thúc bởi các giá trị đạo đức, thì tất yếu sẽ dẫn đến sự thoái hoá của bộ máy cầm quyền, sự sa đọa của các thành phần trong xã hội, các loại tệ nạn và các loại tội phạm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.
Con người dù ở trong xã hội nào, khi họ bị xa rời các giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức thì họ sẽ không phân biệt được tốt xấu, đúng sai, hay thiện ác… Do vậy họ có thể tự cho phép mình hành động theo bản năng và dục vọng cá nhân mà không cần suy xét ảnh hưởng tới các thành viên khác hay tới toàn xã hội.
Ngày nay, người ta đánh giá sự thành đạt của một cá nhân chủ yếu nhìn vào vị trí công việc, mức thu nhập hay số tài sản mà người đó đang có hơn là tính cách, lối sống và đạo đức của họ. Một xã hội quá đề cao sự thành công về mặt vật chất sẽ làm tăng thêm tính vị kỷ và lòng tham của con người. Có những người sẽ chỉ vì một chút lợi ích mà không việc xấu nào không dám làm.
Luật pháp sẽ không thể nào giải quyết tận gốc cho một xã hội đang trượt dốc về văn hóa và đạo đức. Điều mà pháp luật trừng phạt là hành vi phạm tội của con người chứ không phải là tư tưởng. Nếu chính quyền của một nước tiếp tục bổ sung thêm các đạo luật mới để giải quyết ở phần ngọn của vấn đề, thì những loại tội phạm mới hơn, tinh vi hơn rồi sẽ lại xuất hiện. Người dân lúc đó sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề…
Năm xưa vào thời Tam Quốc, lúc nhà Hán lụn bại, khi đàm luận về thời thế với Tào Tháo, Lưu Bị từng nói rằng: “Gốc rễ của đại loạn trong thiên hạ, đầu tiên là do lòng người đại loạn. Vì vậy, muốn yên được thiên hạ thì phải có được lòng người. Mà gốc rễ của lòng người chính là ở nơi đạo trời ban nhân nghĩa giữ trung hiếu”.
Lưu Bị đàm luận với Tào Tháo.
Nếu gốc rễ của vấn đề là “lòng người”, thì hơn bao giờ hết tất cả các thành viên trong xã hội từ quan đến dân đều cần phải quay lại đề cao và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và các chuẩn mực đạo đức. Điều này cũng không nằm ngoài triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Mỗi người dù họ là ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, là quan chức hay dân thường, đều cần bắt đầu từ việc tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân, làm tốt vai trò trong gia đình, rồi mới đến xã hội. Triết lý ấy không hề lỗi thời mà thực sự bao hàm tính nhân văn rất cao, không chỉ là từ việc nhỏ đến việc lớn, mà còn từ gốc rễ đến ngọn cành. “Tu thân” ấy là gốc rễ.
Biết bao người muốn thay đổi thế giới, nhưng lại không chú trọng vào tu thân, bồi dưỡng đạo đức, thì kết cục cuối cùng cũng chỉ là công cốc. Chẳng hạn, có một đoạn văn rất nổi tiếng được khắc trên một bia mộ tại nhà thờ Westminster ở London, nước Anh khiến nhiều người xúc động:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.
Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:
Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”.
Từ đoạn văn này, chúng ta có thể nhận thấy, để thay đổi được những điều to lớn thì nên bắt đầu thay đổi từ bản thân mình.
Một cá nhân biết “tu thân” tốt thì khi lập gia đình người đó sẽ trở thành một người chồng tốt hay một người vợ tốt, và sẽ là tấm gương tốt về văn hoá và đạo đức cho chính con cháu của họ. Chúng ta vẫn thường nói “gia đình là nền tảng của xã hội”. Vậy càng có nhiều gia đình được xây dựng trên nền tảng đạo đức và văn hoá tốt, chẳng phải sẽ càng góp phần tạo nên sự bình ổn, vững mạnh và hạnh phúc trong xã hội sao?
Một cá nhân biết “tu thân” tốt thì khi bước ra ngoài xã hội, họ sẽ không làm việc xấu, và ở trong cương vị công tác nào họ đều biết coi trọng và trau dồi đạo đức nghề nghiệp của mình. Từ đó xã hội sẽ có nhiều hơn những nhà giáo yêu nghề và yêu trò, có nhiều hơn những thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, có nhiều hơn những công chức và cán bộ làm việc công tâm và tận tuỵ vì dân, có nhiều hơn những doanh nhân coi trọng chữ tín và tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt phục vụ xã hội… Khi các thành viên trong xã hội biết coi trọng các giá trị văn hoá và đạo đức thì nhà nước đâu cần phải đề ra nhiều luật lệ, đâu cần phải có nhiều cảnh sát, mà xã hội vẫn thái bình và quốc gia vẫn phát triển.
“Tu thân” chính là gốc rễ để giải quyết mọi vấn nạn. Nó là yếu tố quan trọng nhất quyết định tương lai và hạnh phúc của một cá nhân, một gia đình, một tổ chức hay một xã hội. Luôn luôn là như vậy!
Sưu tầm