Khởi đầu một trào lưu mới
Việc xếp hàng chờ thanh toán, dù bằng tiền mặt hay thẻ, ít nhiều cũng làm khách hàng thấy không thoải mái. Từ đầu năm 2017, McDonald’s Việt Nam đã chính thức triển khai và đưa vào sử dụng rộng rãi trong hệ thống nhà hàng ứng dụng thanh toán di động Moca. Ứng dụng này giúp khách hàng giảm thiểu thời gian xếp hàng tại quầy và rút ngắn thời gian thanh toán khi không yêu cầu sử dụng tiền mặt hoặc quẹt thẻ.
Moca đang khởi đầu cho một trào lưu mới cho thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Theo đó, thay vì quẹt thẻ hoặc trả tiền mặt như trước, giờ đây, khách hàng chỉ cần liên kết thẻ với phần mềm ngay trên điện thoại, quét mã QR để thanh toán hóa đơn qua Moca. Ở khía cạnh này, Moca giống Apple Pay, Android Pay và Samsung Pay, nhưng Moca không cần thiết bị POS từ phía người bán hàng, mà chỉ cần mã QR, vì thế rất tiết kiệm chi phí để phát triển mạng lưới.
.
So với dịch vụ thanh toán thẻ trên di động với giải pháp mPOS, như Square, iZettle, người dùng Moca không phải đưa thẻ nhựa để người bán hàng đọc bằng điện thoại di động của họ. Như vậy, với Moca, khách hàng không phải đối mặt với rủi ro lộ thông tin thẻ cho người bán hàng. So với các đối thủ trên thị trường, Moca khá khác biệt trong cách làm sản phẩm dịch vụ và tiếp cận thị trường.
Theo thống kê của Nielsen, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang sở hữu hơn một chiếc thẻ ngân hàng. Trong ngành công nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp không những cần bắt kịp trào lưu và nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn phải tiên phong tạo ra trào lưu và thói quen mới cho cả thị trường nói chung. Moca đang làm điều đó. Hiện Moca có 8 đối tác ngân hàng, với khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán, chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng, giao thông - vận tải, giáo dục, nhà hàng, thời trang…
Mối lương duyên bất ngờ
Moca là tên tuổi mới trên thị trường thanh toán điện tử, được khai sinh bởi một nhóm các cộng sự tâm huyết đã theo đuổi việc làm thanh toán điện tử suốt gần 10 năm qua. Trong đó, nổi lên hai nhân vật chính là ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch - CEO và Nguyễn Quang Dũng, Giám đốc phát triển sản phẩm. Sự đam mê đối với hình thức thanh toán điện tử ở Việt Nam, sau khi cả hai đã bỏ nước ngoài về làm việc trong nước, là yếu tố quyết định đưa hai người đến với nhau.
“Tôi rất may mắn có được người đồng sáng lập như Dũng. Tôi quen biết Dũng khá tình cờ, thông qua một vài người bạn chung ở Mỹ khi Dũng làm ở Google dưới Silicon Valley và tôi làm ở Microsoft trên Redmond”, ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, Nguyễn Quang Dũng, 36 tuổi, được xem là chàng trai Việt Nam đầu tiên làm việc cho Google. Anh từng là sinh viên Khoa Toán tin, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó, anh sang Mỹ học Đại học Georgia Insitute of Technology và được “gã khổng lồ” công nghệ Google nhận vào làm việc. Khẳng định chỗ đứng của bản thân trên trường quốc tế, nhưng Việt Nam mới là nơi anh muốn trở về để được bung tỏa hết mình.
Trước khi đến với Moca, anh từng là đồng sáng lập, Giám đốc Minh Việt Hitech, tác giả của Garagames - một cổng chơi game online đang dần lớn mạnh. Sau chút ít thành công với các dự án start-up đó, Dũng nghĩ mình đã đủ sức để bắt đầu một dự án thật lớn, mang lại lợi ích cho nhiều người và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Tình cờ gặp lại ông Nam và cùng chia sẻ các ý tưởng start-up, Dũng thấy mobile payment rất phù hợp, nên quyết định hùn vốn với ông Nam để tạo ra Moca.
“Anh Nam là người cẩn thận, tỉ mỉ, có hiểu biết rộng và sâu sắc gần như mọi lĩnh vực anh biết. Ngoài ra, anh Nam còn là người có đạo đức nghề nghiệp cao, có tinh thần trách nhiệm với công việc hiếm có”, Dũng nhận xét về người cộng sự mà mình đã “bén duyên”.
Quả thật, ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp và trò chuyện với “đầu tàu” của Moca là sự tử tế, lịch lãm và cẩn trọng, vốn là đức tính cần có của một người chuyên làm an ninh bảo mật. Moca là dự án khởi nghiệp của ông khi mái tóc chớm bạc. Trước đó, ông đã trải qua chặng đường dài, kinh qua nhiều vị trí công việc trong và ngoài nước. Đầu tiên là Mobivi (đơn vị làm ví điện tử đầu tiên ở Việt Nam) cách đây 10 năm cùng với một nhóm các cổ đông là Việt kiều Mỹ, sau khi anh rời vị trí Giám đốc sản phẩm tại Microsoft ở Mỹ và hoàn thành hệ đào tạo tiến sỹ ở Australia.
Sau 2 năm gắn bó, ông rời Mobivi vì gia đình và vì không tìm được tiếng nói chung trong chiến lược phát triển. Ông làm trong ngành ngân hàng hơn 5 năm, đảm nhiệm vai trò Phó tổng giám đốc/Giám đốc khối, phụ trách không chỉ Khối Công nghệ mà cả Khối Vận hành (nghiệp vụ), nhưng vẫn ấp ủ mong ước tiếp tục làm thanh toán điện tử. Vì vậy, khi nhận thấy thời điểm và điều kiện phù hợp đã tới, ông lập ra Moca và nghỉ việc ở ngành ngân hàng. Kinh nghiệm và các bài học thực tế từ Mobivi và từ ngành ngân hàng đã giúp ông rất nhiều trong việc định hình hướng phát triển Moca ngay từ ngày đầu thành lập.
Cạnh tranh với tiền mặt
Sau gần 4 năm gây dựng, Moca chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc. Trong vòng 2 năm tới, Moca sẽ thực sự đi vào thị trường, nhắm đến người tiêu dùng và các điểm thanh toán. Hiện Moca có hai nhóm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cả trong và ngoài nước rót vốn. Ông Nam có kế hoạch, trong năm nay sẽ huy động thêm khoảng 5 triệu USD để tăng tốc cho giai đoạn này.
Trong một thị trường mênh mông, khi người tiêu dùng vẫn chưa có đủ các dịch vụ thanh toán điện tử thật tốt, Moca có nhiều đất để hoạt động. Tuy nhiên, Moca cần chứng tỏ được sự an toàn và tiện lợi của mình để thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên hơn.
“Đây là một thách thức rất lớn, nhưng không phải ở góc độ cạnh tranh, mà ở sự chấp nhận của người tiêu dùng. Trước mắt, đối thủ của Moca không ai khác chính là tiền mặt. Muốn thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người Việt thì phải có dịch vụ thật tốt, tức là an toàn và tiện lợi nhất. Tất nhiên là cần nguồn vốn mạnh, khả năng tiếp thị thông minh và hiệu quả”, ông Nam bày tỏ.
Đặc thù phân mảnh của thị trường Việt Nam cũng là một khó khăn, từ hệ thống khá nhiều ngân hàng, tới thị trường bán lẻ còn rất rất nhiều đơn vị nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra, khung khổ pháp lý cho thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam hiện khá tốt, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại bất cập.
Ông Nam kỳ vọng, trong khoảng 2-3 năm tới, phương thức thanh toán di động hiện đại như Moca sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng chắc chắn chưa bỏ tiền mặt, nhưng thanh toán di động sẽ là một lựa chọn thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Khó khăn là vậy, nhưng máu đam mê lĩnh vực thanh toán điện tử luôn chảy trong người của ông Nam và các cộng sự, hứa hẹn Moca sẽ làm nên chuyện trong tương lai gần. Đây cũng chính là chất keo kết dính mà mỗi ngày họ gom góp để trở nên bền chặt hơn bao giờ hết trên con đường đến với trái tim khách hàng.
Chat với doanh nhân Trần Thanh Nam Ông có thể chia sẻ về quyết định trở về nước của mình? - Tôi khó lý giải về nước vì cái gì, nhưng chắc chắn không phải là mục đích to tát sẽ đóng góp cho đất nước, đơn giản vì muốn sống và làm việc tại đất nước mình hơn ở nước ngoài. Sao ông lại không muốn sống ở nước ngoài? - Có lẽ vì tôi đã sống ở nước ngoài nhiều nên không còn háo hức, không còn khát khao, dù tôi trân trọng mọi cơ hội. Con đường trở thành chủ doanh nghiệp mang lại cho ông cảm xúc gì? - Rất thú vị. Làm ông chủ không phải là mục tiêu của tôi, mà quan trọng là được làm theo ý mình. Giờ tôi có thể làm sản phẩm của mình và tin rằng, nó sẽ đem lại giá trị cho thị trường hơn là mình làm theo một cái khung có sẵn do người khác bày ra. Nhưng làm chủ đồng nghĩa với tự đốt tiền của mình? - Dĩ nhiên rồi. Khi tự phải bỏ tiền làm những cái chưa từng làm, thì nó sẽ đốt tiền rất nhanh. Tôi cần có tâm lý vững vàng, năng lực xử lý để giải quyết công việc hiệu quả. Sở hữu những cộng sự tốt có phải là yếu tố then chốt để Moca thành công? - Đúng vậy! Nhưng họ phải đủ nhiệt huyết, quyết tâm và mạnh mẽ. |