Phạm Minh Thiện cùng các anh chị em trong gia đình thay cha tiếp tục điều hành DNTN Cỏ May
Cuộc chuyển giao thế hệ từ "lão nông chân đất" sang "doanh nhân chân giày" của Cỏ May là hình ảnh rất đẹp về một nền nông nghiệp "sạch" và thông minh, tương lai của Việt Nam. Gặp anh ở Sài Gòn, khi đang đi mở cửa hàng tiếp thị cho những sản phẩm nông nghiệp của Cỏ May, gương mặt anh trầm tư hẳn. Anh vừa trải qua nỗi đau mất ba...
* Bà con Đồng Tháp đều rất ngưỡng mộ và yêu thương ba anh, ông "Cỏ May" Phạm Văn Bên, vị doanh nhân đầu tiên trong cả nước đầu tư hơn 37 tỷ đồng xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo. Mất ba là khoảng trống vô cùng, làm thế nào để anh có thể tìm lại sức mạnh nội lực để đi tiếp con đường của ba?
- Buồn. Mỗi bữa cơm chiều đều buồn lắm, cứ nhớ mãi hình ảnh hai ba con ngồi hàn huyên, khi công việc trong ngày đã xong. Bên cạnh nỗi buồn, để tạo niềm vui mà tiếp tục phấn đấu, tôi mặc định rằng những việc mình đang cố gắng làm là viết tiếp những câu chuyện của ba. Mỗi khi làm được việc gì, giống như là tự báo cáo với ba vậy đó. Ba tôi rất yêu quê hương, thành ra tôi làm gì có lợi cho quê hương cũng là việc ba mơ ước.
Ký túc xá do ba đầu tư tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã khởi công xây dựng hồi cuối năm 2015 với quy mô 54 phòng, tạo chỗ ở cho khoảng 432 sinh viên. Đến nay, công trình đã hoàn thành được hơn 80%, dự kiến quý II/2016 sẽ đưa vào hoạt động. Tôi sẽ làm tiếp công việc của ba để chọn những em nghèo nhất và học giỏi nhất, tạo điều kiện cho các em ăn học đến nơi đến chốn, với kinh phí mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng.
* Ba anh có năm người con đều giữ những trọng trách trong Cỏ May, những điều ba để lại đã giúp anh em anh vượt qua nỗi đau này như thế nào?
- Quan điểm sống, quan điểm kinh doanh của ba tôi rất rõ ràng, anh chị em tôi đều đã thấm nhuần trong suốt thời gian dài. Quan điểm đó cũng đã trở thành lối sống hằng ngày, phù hợp với văn hóa gia đình. Tuy nhiên, sự trống vắng thì không gì bù đắp nổi. Khi ba mất rồi, tình anh em ấm áp hơn, biết quan tâm đến nhau nhiều hơn. Khi ba còn sống, chuyện gia đình đều do ba xử lý, giờ anh em phải ngồi lại với nhau, bàn bạc cụ thể.
* Điều gì từ nhân cách, lối sống của ba mà anh trân quý nhất và muốn truyền nó cho con cháu mình?
- Sự tự trọng trong cuộc sống. Muốn tự trọng phải tự lập, không lệ thuộc. Dĩ nhiên các con tôi không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng tôi dạy con cách sống tự lập từ nhỏ. Phẩm giá phải được dạy dỗ từ nhỏ, cha mẹ có nhiều tiền cũng không thể cho con phẩm giá được.
* Và điều anh còn băn khoăn chưa làm được cho ba?
- Với tôi, ba vừa là cha, vừa là sếp, vừa là thầy. Không còn ba cũng có nghĩa là không còn thầy, không còn sếp. Ba có thể giúp đỡ bạn bè một, hai tỷ là chuyện thường, nhưng cái đồng hồ ba xài là chiếc Seiko cũ rích 20 năm nay.
Đôi dép ba dùng cũ đến nỗi cho không ai lấy... Ba hầu như không có nhu cầu cho cá nhân mình, ông thường nói với tôi: "Ba ngày trăm ngàn xài không hết". Thường ba mua một, hai cây thuốc để hút, nhưng khi gần mất, ba mua có hai gói, khi mất còn hai điếu... Trước khi mất ba không căn dặn điều gì, gần như trong cuộc sống hằng ngày ba đã dặn rồi.
* Khi nhận chuyển giao từ ba, anh đã, đang và sẽ làm gì, nhất là khi hạt gạo đang bị tác động bởi hạn, mặn và lối canh tác "bẩn" đang tràn lan?
- Tôi phải thay đổi dần cơ chế cây trồng. Miền Tây đang đứng trước không ít thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội cho nông dân, nếu chịu thay đổi sẽ có nhiều tiềm năng. Thách thức là từ tư duy nông nghiệp lạc hậu, dựa quá nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật, mặc định phương thức đang làm là đúng, làm cho sản phẩm thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.
Trong bối cảnh này, bất kỳ sự cải tiến nào cũng mang lại sự thay đổi rõ rệt. Ví dụ, những năm trước đây, trung tâm khuyến nông khuyên xạ lúa phải xạ theo hàng để tiết kiệm giống. Mà để xạ theo hàng chỉ cần chiếc máy rẻ tiền, tiết kiệm 30 - 40% lượng lúa giống, mang lại kết quả lớn.
Về sản xuất, thường mình sản xuất theo cách mình muốn, chứ không theo cái thị trường cần. Thị trường cần gì thì chỉ doanh nghiệp mới trả lời được. Doanh nghiệp phải nhảy vào để tạo lực kéo vì chúng ta không đẩy được nữa thì phải kéo thôi. Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều tiềm năng, doanh nghiệp phải kiến tạo lợi ích để kết nối với nông dân, nếu không lại mang tính đối kháng với nông dân.
Chẳng hạn, mình nỗ lực làm nông nghiệp "sạch", vô tình đẩy áp lực lên nông dân. Trong mối quan hệ giữa bốn nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, vai trò của doanh nghiệp là quan trong nhất, để tạo lực kéo phù hợp. Thành hay bại, đối kháng hay hợp tác đều nằm ở doanh nghiệp.
* Quan sát động thái của một loạt doanh nghiệp lớn nhảy vào nông nghiệp, anh thấy đây là lực đẩy hay lực đối kháng?
- Nếu doanh nghiệp làm thay việc của nông dân, thì nông dân làm gì? Khi ấy sẽ đẩy áp lực rất lớn lên đầu ra của nông dân. Doanh nghiệp không nên làm thay nông dân, mà hãy cùng làm với nông dân. Đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào đỉnh cao nông nghiệp nào đó mà đẩy nông dân ra xa. Organic là đỉnh cao "ở trên mây", chỉ phù hợp với một vài thành tố đơn lẻ, không phải cái phổ quát.
Tôi nghĩ giữa cái "ở mặt đất" và "cái trên mây" nên chuyển từ từ. Doanh nghiệp nhảy vào làm nông nghiệp "sạch", sau đó quay lại hướng dẫn nông dân, liên kết với nông dân để họ làm theo cách doanh nghiệp muốn. Bằng cách đó mới cải thiện được môi trường. Nếu không khéo, một là anh làm cao quá, bỏ lại nông dân, hai là anh phải làm một mình.
* Vậy, Cỏ May đã giải bài toán này như thế nào?
- Liên kết với nông dân để thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho nông sản hiện hữu. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ thị trường, từ người tiêu dùng trở về đồng ruộng. Phải tìm hiểu, nghiên cứu xem nhu cầu thị trường là gì để mình có thể làm và liên kết với bà con nông dân cho hiệu quả.
Để giúp bà con nông dân, Cỏ May tự nguyện làm cầu nối giữa thị trường và nông sản. Cỏ May vẫn sản xuất nông sản trên diện tích nhỏ để nghiên cứu nhu cầu cốt lõi của thị trường, từ đó nhân rộng ra phục vụ thị trường.Ví dụ, nông dân trồng cải ngọt trên đất của mình một đợt bán được hai triệu đồng, nhưng phải tự lo mọi thứ .
Nếu Cỏ May làm thị trường thì nông dân vẫn chỉ trồng trên diện tích đó, vẫn được hai triệu, nhưng không phải bận tâm việc bán cho ai hay lo lắng chuyện được mùa có mất giá không. Đổi lại, nông dân chỉ cần canh tác theo kiểu của Cỏ May. Khi liên kết như vậy thì nông dân không cần chạy theo năng suất nữa, cũng không dại gì phun thuốc lên cây.
Cỏ May cùng nông dân làm ra sản phẩm người ta cần, chắc chắn sẽ bán được giá. Hiện nay, giá sản phẩm tại đồng ruộng với giá trên bàn ăn chênh lệch nhau nhiều lắm, tới vài chục lần. Đây chính là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp đi cùng với nông dân.
* Cỏ May cũng đang phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, với đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển sản phẩm bằng công nghệ hiện đại?
- Cỏ May đang nghiên cứu về rơm và nấm rơm, tinh dầu chiết xuất từ nông nghiệp, nhu cầu thực phẩm của thị trường... để cùng nông dân sản xuất. Vừa rồi chúng tôi đã chuyển giao công nghệ trồng nấm rơm "sạch" cho nông dân với giá tượng trưng, miễn sao bà con làm đúng quy trình, miễn sao "sạch". Vì sự phát triển chung, Cỏ May không ích kỷ, ai làm tích cực nhất chúng tôi sẽ bao tiêu thị trường.
Hôm trước Tết, Cỏ May tham gia Phiên chợ xanh tử tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, bán nấm rơm 160 ngàn đồng/kg vẫn đắt như tôm tươi. Như được tiếp sức, tôi bắt đầu ngồi tính với mấy ông ngân hàng. Cho 10kg rơm ra 1kg nấm, tiền rơm 10 ngàn đồng, cộng với chi phí các loại lên 20 ngàn đồng, bán giá nào cũng lời.
Còn bã rơm thì đóng gói 60 ngàn đồng/kg cũng lời hơn cả gạo. Đấy là người ta mua về sử dụng như một loại nguyên liệu làm phân thôi, chứ nếu chiết xuất các thành phần khác thì còn lời hơn nhiều.
* Nói vậy anh không sợ lộ "bí kíp" sao?
- Chỉ sợ lộ rồi không ai bắt chước thôi. Nếu mọi người cùng làm như vậy, tôi bảo đảm cây lúa "bán nguyên con", nước lên thuyền lên, sợ gì! Chỉ sợ không ai làm thì giá trị cây lúa không được nâng lên thôi. Tôi muốn nói với bà con, với doanh nghiệp là cây lúa rất hấp dẫn, làm đi. Ai cũng nhảy vào làm thì lúc ấy, giá gạo chỉ là phụ phẩm của cây lúa, nghe sốc, nhưng đúng là vậy.
* Khởi nghiệp từ một xưởng xà bông nhỏ, đến nay, Cỏ May đã có hai nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, một nhà máy chế biến lương thực, một nhà máy sản xuất bao bì, một resort ở Phú Quốc... Bí quyết nào giúp Cỏ May giữ được đà tăng trưởng liên tục trong hơn 30 năm qua, tạo nên một gia sản lớn về vật chất và tinh thần?
- Từ hơn 30 năm trước, khi những sản phẩm đầu tiên của Cỏ May ra đời, chất lượng đã là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất đưa chúng tôi đi qua sóng gió, tồn tại đến hôm nay. Để giữ được chất lượng, người lãnh đạo phải đối mặt với lãi lỗ, phải kiên định, đôi khi là sự can trường nữa.
Trong quá trình kinh doanh gạo, Cỏ May tạo ra phụ phẩm từ tấm, cám để phục vụ chăn nuôi. Sau khi thành công tương đối ở thức ăn chăn nuôi, nhu cầu về bao bì lớn quá, lại phải đầu tư nhà máy bao bì. Hiện 50% công suất bao bì là để phục vụ nhu cầu của Cỏ May, bảo đảm không lỗ. Đầu tư thêm trên cơ sở lợi thế so sánh đã giúp chúng tôi giữ được đà tăng trưởng tốt hơn 30 năm qua.
* Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững?
- Theo tôi, có bốn yếu tố căn bản, đó là thể chế, cơ chế, con người và văn hóa công ty. Về thể chế, cơ chế có thể còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan, nhưng về con người và văn hóa thì doanh nghiệp có thể chủ động được. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngoài tạo công ăn việc làm, đóng góp cho nền kinh tế, còn có thể đóng góp nhiều cho xã hội dưới góc độ văn hóa.
Với hơn 400 nhân sự, nếu doanh nghiệp xây dựng được môi trường sạch sẽ, tươm tất, ngay ngắn, mọi người đối xử với nhau có tình, có nghĩa... thì người lao động cũng không thể sống buông thả, bầy hầy được. Và, khi đã tạo được nếp sống tích cực cho mỗi nhân viên thì chính họ lại trở thành nhân tố tích cực khi trở về với gia đình nhỏ của mình và cộng đồng.
Hằng năm, Cỏ May đều tài trợ từ sáu đến tám căn nhà tình nghĩa cho nhân viên khó khăn, tài trợ nhiều học bổng cho con em công nhân nghèo. Chúng tôi cũng có chính sách cho người lao động thời vụ như anh em bốc vác. Ngoài việc làm bao nhiêu lãnh tiền ngay bấy nhiêu trong ngày, mỗi ngày một người còn được nhà máy cho 15 ngàn đồng bỏ vào sổ tiết kiệm.
Đến khi nghỉ làm (40 tuổi), mỗi người cũng có khoảng 70 - 80 triệu đồng làm vốn, có thể mua chiếc xe máy chạy xe ôm hoặc mở cho vợ cửa hàng tạp hóa nhỏ... Còn với cộng đồng, chúng tôi hỗ trợ thường xuyên chương trình nhịp cầu nhân ái, xây nhà tình nghĩa. Mong muốn sắp tới của tôi, nếu đủ khả năng, mỗi ngày Cỏ May sẽ tài trợ một căn.
* Làm giàu đến một mức nào đó, người doanh nhân lại trở thành nhà văn hóa, nhà giáo dục. Đây có phải là đích đến của anh?
- Đây là điều tôi học được từ ba, một người mà từ sâu thẳm đáy lòng tôi luôn tôn thờ. Ba đã vì chén cơm manh áo cho gia đình, cho đời sống của người lao động, cho cộng đồng kinh tế địa phương, cho người nghèo, cho sự nghiệp trồng người, cho tương lai đất nước mà miệt mài lao động cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Ba tôi có cách xây dựng văn hóa cho Cỏ May rất hữu hiệu. Ngồi ăn cơm với ba, tôi học được nhiều điều, thiết thực hơn hẳn sách vở ở giảng đường đại học. Sự tử tế của ba với người lao động và tình cảm, sự kính trọng của người lao động với dành cho đã khiến tôi rất cảm động. Ở Cỏ May có một chữ "tình" rất đầy, rất lớn, khiến tôi luôn tự hào và khát khao cống hiến. Khả năng tới đâu, tôi đóng góp tới đó. Ngày qua ngày, điều kiện và cơ hội cống hiến, tôi tin, sẽ thuận lợi hơn.
* Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
NGUYỄN HOÀNG (DNSG)